Thời điểm này, nông dân trên núi Cấm (thuộc xã An Hảo, thị xã biên giới Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đang tập trung chăm sóc vườn quýt hồng chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn 2024.
“Vương quốc” quýt hồng ở lưng chừng trời
Từ trung tâm xã An Hảo (thị xã biên giới Tịnh Biên) để đến được những vườn quýt hồng nằm ở lưng chừng núi Cấm, chúng tôi phải vượt quãng đường hơn 4 km đường núi, trên những chiếc xe máy của những “tay lái lụa” chuyên chở khách lên núi tham quan.
Những chiếc xe máy được hoán cải thêm một số chi tiết để có thể “thích nghi” với những cung đường nhỏ, len lỏi giữa rừng, băng qua nhiều khúc cua gắt và leo qua những triền đá vòng quanh ngọn núi có độ cao hơn 700 m, được mệnh danh là “nóc nhà của miền Tây”. Từ đằng xa, thấp thoáng những khu vườn quýt hồng sai trái trĩu cành, giữa màu xanh ngút ngàn giữa lưng chừng trời ở vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Trước đây, mỗi khi nhắc đến quýt hồng, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới địa danh Lai Vung của tỉnh Đồng Tháp. Thế nhưng ít ai biết, cây quýt hồng đã bén duyên với vùng đất và con người vùng núi Cấm, thuộc xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên hơn 20 năm nay. Khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng thích hợp đã tạo cho quýt hồng núi Cấm có một hương vị ngọt ngào, trở thành đặc sản nổi tiếng của vùng đất Bảy Núi An Giang mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Vượt qua con dốc gần như dựng đứng, rồi rẽ ngang vào một con đường mòn nằm cheo leo trên vực núi, chúng tôi ghé thăm vườn quýt hồng của gia đình anh Nguyễn Hữu Hạnh, ở ấp Vồ Bà xã An Hảo, thị xã biên giới Tịnh Biên - một trong những vườn quýt hồng lớn và đẹp nhất nhì núi Cấm ở thời điểm hiện tại.
Vào tham quan khu vườn quýt hồng trĩu quả rộng hơn 6 ha, du khách như lạc vào miền cổ tích với những gam màu sặc sỡ của từng chùm quýt đang độ chín vàng, trái oằn sai treo lủng lẳng trên cành.Những cây quýt hồng trồng trên đất sườn đồi, len lỏi bên cạnh những tảng đá lớn trái rất sai. Nhà vườn phải dùng cây tầm vông, cây tre chống lên đỡ những chùm trái căng mọng.
Anh Hạnh chia sẻ, quýt hồng núi Cấm năm nay trúng mùa do thời tiết thuận lợi, trái to và đẹp hơn mọi năm. Cùng với đó, giá quýt năm nay dự báo cao hơn mọi năm.Bà con ai cũng phấn khởi.
Theo anh Hạnh, cách đây hơn chục năm, khi bắt tay vào trồng quýt hồng trên mảnh vườn cheo leo bên sườn núi Cấm, chẳng mấy ai nghĩ có một ngày, cây quýt hồng sẽ trở thành đặc sản, giúp bà con thoát nghèo.
Sau thời gian qua các nhà vườn ở Lai Vung học tập kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quýt hồng, người dân ở núi Cấm mới nhận ra rằng, chính tiết trời âm u, nhiệt độ mát mẻ quanh năm cùng nguồn nước tươi mát, róc rách suốt ngày trên những khe đá trên núi Cấm rất hợp với cây quýt hồng. Đất đã không phụ mồ hôi của người, vườn quýt càng lớn càng xanh mơn mởn, trái sai, vị ngọt thanh đặc trưng.
“So với thủ phủ quýt hồng tại Lai Vung (Đồng Tháp), quýt hồng núi Cấm có đặc điểm riêng, với vị ngọt thanh và hương thơm nhẹ, được người tiêu dùng ưa chuộng, nên thị trường tiêu thụ rộng, giá thành luôn ở mức cao và ổn định”- anh Hạnh chia sẻ.
Sản phẩm du lịch đặc trưng
Trên núi Cấm, hàng chục ông chủ có các vườn quýt rộng lớn, tạo thành một "vương quốc" của loài đặc sản được xếp vào hàng quý hiếm như vườn quýt hồng của anh Trương An Đông, ông Nguyễn Văn Lường (ấp Vồ Bà), ông Trần Văn Danh (ấp Vồ Đầu),…
Theo anh Trương An Đông (ấp Vồ Bà, xã An Hảo), năm nay, giá quýt cao hơn năm trước từ 6.000 -10.00 đồng/kg tùy loại. Với 400 gốc quýt hồng 7 năm tuổi, dự kiến cuối năm, anh Đông có thể thu hoạch được trên 6 tấn trái vào thời điểm cận Tết, mang lại nguồn thu nhập khá cao cho gia đình.
Nhờ chủ động được nguồn nước tưới, nắm vững kỹ thuật và áp dụng các chương trình IPM (quy trình phòng, chống dịch hại tổng hợp) giảm số lần phun xịt thuốc, bón phân cân đối…, trái quýt hồng núi Cấm khi thu hoạch được sạch, đẹp, bóng hơn, bán được giá cao hơn.
"Quýt trên núi chủ yếu bón phân hữu cơ, phân chuồng. Từ khi bắt đầu đậu trái, nhà vườn không sử dụng thuốc trừ sâu nên trái luôn tươi, ngọt tự nhiên, lại để chưng được lâu ngày nên khách hàng rất ưa chuộng" - anh Đông cho hay.
Nhận thấy tiềm năng của cây quýt hồng, nhiều hộ dân núi Cấm đã mạnh dạn chuyển đổi đất vườn đồi kém hiệu quả sang trồng quýt hồng. Thời gian đầu, cây quýt hồng chưa cho trái, bà con xen canh trồng su su thu hoạch trái non nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hảo (thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho biết, khu vực núi Cấm hiện có 29 hộ trồng quýt hồng với diện tích gần 35 ha, sản lượng khoảng 200 tấn trái thu hoạch vào dịp cận Tết. Thời điểm này, những vườn quýt đang vào giai đoạn “nước rút” phục vụ thị trường Tết, hầu hết các vườn quýt đã chuyển từ sắc xanh sang màu vàng cam rực rỡ và cuốn hút.
"Để có được những trái quýt hồng thơm ngon, người trồng phải chăm sóc tỉ mỉ, áp dụng theo đúng quy trình tổng hợp từ khâu chọn giống, chăm sóc đến phòng ngừa bệnh. Quá trình cải tạo đất, chăm sóc để có được những quả quýt hồng "ngọt giọng", căng mọng, đòi hỏi chủ vườn phải mất rất nhiều công sức, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nguồn khác nhau…
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, cứ đến vụ, quýt hồng núi Cấm đều được thương lái đặt cọc trước và chờ đến khoảng 25 - 27 Tết mới thu hoạch. Quýt hồng núi Cấm được thương lái tìm đến thu mua ngay tại vườn rồi lan tỏa rộng khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, một số còn xuất khẩu sang Campuchia,…
"Quýt hồng núi Cấm chín đến đâu bán hết đến đó, sản lượng không đủ đáp ứng thị trường. Bình quân 1 ha quýt hồng, nông dân thu nhập không dưới 100 triệu đồng/hộ/năm. Loài cây này trở thành cây làm giàu của nhiều gia đình ở núi Cấm”- ông Dũng phấn khởi nói.
Cũng theo Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hảo, tới đây địa phương sẽ phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang khảo sát, nghiên cứu hoàn thiện thêm mô hình, cho quy hoạch vùng chuyên canh quýt hồng, vừa phục vụ phát triển du lịch theo mùa, từng bước tiến tới xây dựng mùa quýt hồng núi Cấm trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng Thất Sơn hùng vĩ những ngày cận Tết.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu cho rằng, việc phát triển loại hình du lịch theo mùa sẽ góp phần nâng cao giá trị các loại cây ăn trái đặc sản trên núi Cấm, như quýt hồng, dâu, bơ, sầu riêng,…
“Bước đầu, chủ vườn sẽ bán sản phẩm khi du khách đến chụp ảnh và tự tay thu hoạch trái cây đặc sản ngay tại vườn. Về lâu dài, ngành chuyên môn sẽ tạo điều kiện để các nhà vườn bán vé hoặc thu phí để đầu tư hạ tầng, bảo vệ cảnh quan môi trường, kiến tạo thêm các công trình phục vụ việc chụp ảnh “check-in” nhằm biến du lịch theo mùa thành một sản phẩm hoàn chỉnh mang lại hiệu quả lâu dài, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân” - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang thông tin thêm.