Để vận hành an toàn, ổn định hệ thống lưới điện truyền tải, Truyền tải điện Ninh Thuận thuộc Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) đang đẩy mạnh chuyển đổi trong cách làm, tận dụng sức mạnh của công nghệ số để nâng cao hiệu quả công việc.
Trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm (xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc) có vai trò rất quan trọng trong việc giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo trên địa bàn Ninh Thuận và kết nối lưới điện truyền tải khu vực Duyên hải Nam miền Trung. Đây là điểm nút quan trọng trong hệ thống lưới điện của PTC3, các thiết bị thường xuyên vận hành ở chế độ đầy tải.
Do đó, nhân viên Tổ thao tác lưu động Tháp Chàm phải theo dõi liên tục trình trạng thiết bị, nhiệt độ của máy biến áp, các điểm tiếp xúc của máy cắt, dao cách ly, máy biến dòng,... Việc kiểm tra, ghi chép dữ liệu vận hành hàng giờ, hàng ngày về dòng điện, điện áp, công suất, nhiệt độ MBA, … thực hiện chủ yếu thủ công sau đó nhập vào trong máy tính, tốn rất nhiều thời gian, công sức.
Ông Lê Ngọc Tuấn Anh, phụ trách Tổ thao tác lưu động Tháp Chàm cho biết, vào giữa năm 2019 khi PTC3 cũng như Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) triển khai các chỉ đạo, hướng dẫn về chuyển đổi số trong quản lý vận hành, tại trạm đã áp dụng các ứng dụng phần mềm quản lý kỹ thuật, phục vụ sản xuất.
Cụ thể như phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS, quét mã QR-code qua phần mềm iStation, quản lý thí nghiệm, quản lý an toàn, thư viện điện tử, quản lý đo đếm điện năng MDMS, phần mềm dùng chung của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), hệ thống camera giám sát, hệ thống báo cháy tự động,... góp phần nâng cao năng suất lao động, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục.
Trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm đang hoạt động theo mô hình “Trạm biến áp không người trực” (nhân viên Tổ thao tác lưu động Tháp Chàm làm việc theo giờ hành chính từ 07h00’-11h30’ và 13h30’-17h00’), đây là mô hình được PTC3/EVNNPT đang áp dụng thử nghiệm tại 3/18 trạm 220 kV thuộc PTC3 quản lý.
Mô hình này đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực như tạo thuận lợi trong thực hiện mọi công việc tại trạm (kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị; xử lý bất thường, sự cố thiết bị;...); thuận lợi trong việc quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành và đặc biệt là các nhân viên Tổ thao tác lưu động Tháp Chàm không bị đảo lộn đồng hồ sinh học do trực đêm nhằm đảm bảo sức khỏe.
Việc áp dụng chuyển đổi số đối với vận hành trạm biến áp không người trực góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện năng, góp phần tạo ra bước đột phá trong điều khiển theo dõi, cập nhật tình trạng hoạt động của thiết bị.
Vì dụ trước đây nhập thông số vận hành, hoặc làm một báo cáo ngày, tuần, tháng sẽ mất rất nhiều thời gian và qua nhiều công đoạn từ ghi chép bằng tay, nhập số liệu, khi áp dụng phần mềm thời gian được rút ngắn đi rất nhiều, không còn bị sai sót do ghi nhầm, nhập nhầm... giúp các nhân viên Tổ có thêm thời gian để theo dõi kiểm tra thiết bị, nghiên cứu tài liệu kỹ thuật, hoàn thiện kỹ năng vận hành thiết bị một cách hiệu quả nhất, ông Lê Ngọc Tuấn Anh chia sẻ.
Truyền tải điện Ninh Thuận hiện đang quản lý vận hành gần 69 km đường dây 500 kV, hơn 156 km đường dây 220 kV và 2 trạm biến áp 220 kV với tổng công suất máy biến áp 1.000 MVA thuộc lưới điện truyền tải Quốc gia với nhân sự là 50 người, được bố trí tại 4 phòng chức năng và 3 đơn vị sản xuất gồm Đội Truyền tải điện Phan Rang, Tổ thao tác lưu động Tháp Chàm và Tổ thao tác lưu động Ninh Phước.
Ông Nguyễn Phùng Dũng, Giám đốc Truyền tải điện Ninh Thuận cho biết, đơn vị đã và đang tập trung đẩy mạnh đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, nhất là đào tạo đội ngũ trực tiếp vận hành, chú trọng đào tạo từng Tổ, Đội nắm vững các quy trình, thực hiện đúng nghiệp vụ và ứng dụng chuyển đổi số theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT)
Cụ thể, đến nay 100% tài liệu kỹ thuật của đường dây và trạm biến áp đã được số hóa toàn bộ. Đơn vị cũng đã trang bị 4 thiết bị bay không người lái (UAV) và 6 camera giám sát phục vụ quản lý vận hành lưới điện; lắp thử nghiệm camera giám sát nhiệt độ tại Trạm biến áp 220kV Tháp Chàm.
Cùng đó, kiểm tra, giám sát an toàn công việc trên lưới điện bằng hình ảnh, sử dụng đèn cảnh báo ban đêm thay cho cờ phân biệt mạch có điện và không có điện; đưa tín hiệu chuông cảnh báo từ hệ thống máy tính điều khiển trạm biến áp lên điện thoại smartphone; ...Đồng thời, ứng dụng mã QR code để quản lý kỹ thuật tại tất cả các tủ bảng thiết bị trạm biến áp và có sổ QR code trên các đường dây; QR code để quản lý vật tư, công cụ dụng cụ;...
Ngoài ra, đơn vị còn phát động phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa trong lao động sản xuất, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các đơn vị trong công ty, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ góp phần nâng cao hiệu quả trong công việc cũng như trong quản lý vận hành lưới điện. Trong năm 2022, Truyền tải điện Ninh Thuận đã có 02 sáng kiến được EVNNPT công nhận và trong 6 tháng đầu năm 2023 đơn vị cũng đã trình 3 sáng kiến để EVNNPT xem xét công nhận.
Nhờ đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số vào quản lý, vận hành, trong năm 2022 Truyền tải điện Ninh Thuận là một trong ba đơn vị của PTC3 vận hành lưới điện an toàn tuyệt đối, góp phần giải tỏa tối đa công suất nguồn điện từ các nhà máy năng lượng tái tạo để phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh trong khu vực.