Hiện nay, các loại rau màu trên địa bàn tỉnh đang có giá cao hơn so với mọi năm nên nông dân rất phấn khởi.
Những ngày này, tranh thủ thời tiết nắng ráo thuận lợi, bà con nông dân xã Phước Hải, huyện Ninh Phước đang tất bật làm đất, xuống giống các loại rau, củ, quả để kịp tiến độ phục vụ bán Tết Nguyên đán, tăng thu nhập cho gia đình.
Đứng theo dõi vườn rau tưới bằng hệ thống tiết kiệm nước phun trắng xóa, ông Huỳnh Văn Dữ, thôn Từ Tâm 1, xã Phước Hải cho biết, dịp Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu dùng rau của người dân tăng cao, nên gia đình đã xuống giống 1,5 sào (1.500m2) cải ngọt để kịp bán vào dịp Tết, còn 2 sào rau cải ngọt và mùi tàu cũng đang thu hoạch bán thương lái, sau đó sẽ xuống giống đợt mới để kịp bán rau vào sau Tết.
“Trung bình mỗi sào rau cải ngọt cho thu hoạch trên 1 tấn, hiện, thương lái thu mua tại vườn với giá 10.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật, gia đình còn lãi trên 8 triệu đồng (khoảng 25 ngày cho thu hoạch một vụ rau), giúp gia đình có nguồn kinh phí trang trải và tái sản xuất cho vụ Tết. Các loại rau cải dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, đây cũng là loại rau bán chạy nhất trong những ngày Tết nên gia đình đang tập trung để sản xuất”, ông Huỳnh Văn Dữ chia sẻ.
Theo lãnh đạo UBND xã Phước Hải, toàn xã hiện có gần 400 ha cây rau màu gồm các loại rau cải, củ cải trắng, cà chua, ớt, hành, ngò, măng tây xanh... Để cây rau màu phát triển tốt, đảm bảo cung ứng cho thị trường dịp Tết, địa phương tích đang tích cực vận động bà con tập trung chăm sóc cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất rau an toàn, ứng dụng hiệu quả mô hình tưới nước tiết kiệm để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế.
Theo kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân năm 2022 - 2023, các địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận tập trung sản xuất trên 3.560 ha rau, đậu, hoa các loại; trong đó, có trên 2.850 ha rau các loại với sản lượng cung cấp cho thị trường trên 53.240 tấn.
Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, để đảm bảo kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương khuyến cáo, hướng dẫn bà con nông dân nắm bắt thông tin xây dựng kế hoạch sản xuất rau màu linh hoạt, xem xét điều chỉnh cơ cấu giống rau, củ, quả có thời gian bảo quản kéo dài phù hợp với thị trường; đồng thời, chú trọng các biện pháp luân canh mùa vụ, thiết kế hệ thống tưới hợp lý, quản lý dịch hại và bón phân cân đối để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đẩy mạnh liên kết sản xuất cây rau màu theo chuỗi giá trị rau an toàn, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giúp người dân thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung để nâng cao giá trị gia tăng trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất.
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, người trồng rau màu ở Ninh Thuận vừa tất bật sản xuất vừa mong thời tiết, mùa màng thuận lợi để rau màu phục vụ thị trường Tết được mùa, được giá giúp bà con nông dân có cái Tết ấm no hơn.