Giá cả hàng hoá, sức mua tăng
Theo báo cáo của các địa phương, sau đại dịch COVID-19, người dân có xu hướng tăng chi tiêu cho mua sắm. Thị trường hàng hoá giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão được dự đoán sôi động hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu hàng hóa tăng cộng với việc Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau nên công tác dự trữ chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán đã và đang được các địa phương, doanh nghiệp gấp rút triển khai. Ước, dự trữ hàng hoá tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống/thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường...
Do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so với năm trước. Năm nay, kinh tế đã khởi sắc, người dân bắt đầu “mạnh tay” với việc chi tiêu cho mua sắm Tết, ước nhu cầu sẽ tăng khoảng 8-10% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng đặc sản vùng miền, hàng hoá chất lượng cao vẫn được người dân quan tâm mua sắm và tiêu dùng.
Chia sẻ tại Hội nghị công tác chuẩn bị Tết và bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 8/12, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dự báo dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán 2023, nhu cầu mua sắm sẽ tăng cao, dự kiến tăng từ 15-30% đối với tuỳ từng mặt hàng. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn sẽ đẩy mạnh sản xuất, mua bán, dự trữ hàng hoá để sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân.
Hà Nội đã sớm triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu năm 2022 từ tháng 7/2022 đến 5/2023 với sự tham gia của 32 đơn vị sản xuất, kinh doanh, thực hiện cung ứng hàng hoá tới hơn 12.000 điểm bán hàng trên toàn thành phố, trong đó có 132 siêu thị, trên 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh 1.269 sạp hàng tại chợ truyền thống và 517 bếp ăn.
“Lượng hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết tính cho 3 tháng trước, trong và sau Tết đều tăng, ước tính tổng giá trị hàng hoá phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.500 tỷ đồng, tăng 15% với kế hoạch phục vụ Tết năm 2021. Hiện nay các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác tăng lượng hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 15-30% so với kế hoạch Tết 2022. Các doanh nghiệp đã đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng”, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc thường trựcWinCommerce cho biết, trải qua 2 năm đại dịch COVID-19 làm đứt gẫy chuỗi cung ứng, suy yếu nền kinh tế và cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, làm giá cả hàng hoá tăng đột biến, tăng rất cao, đặc biệt là sản phẩm có xuất xứ nguyên liệu từ châu Âu. Thị trường bán lẻ Việt Nam theo thống kê, đã có gần 1.000 cửa hàng bán lẻ, trung tâm thương mại phải đóng cửa năm 2022.
“Với nhiều khó khăn như vậy nên giá cả hàng hoá tăng cao, đó là điều cần nhìn nhận. Tuy nhiên, năm qua với hai chính sách của nhà nước năm qua đã giúp kìm hãm đà tăng giá, là chính sách về giá xăng dầu cũng như 2% thuế VAT. Để bình ổn giá, chúng tôi đã làm việc sớm với nhà cung ứng để giá cả hàng hoá ổn định hơn, cùng với đó, thực hiện giao hàng tập trung để giảm giá thành và chúng tôi làm việc với nhà cung cấp để cùng nhau tăng sản lượng và giảm giá thành”, bà Phương cho biết.
Ông Ngô Hồng Y, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, dự báo nhu cầu hàng hoá dịp Tết sẽ tăng lên 2-3 lần so với tháng bình thường. Để chuẩn bị nguồn hàng hoá, Sở Công Thương phối hợp các tỉnh thành tìm nguồn hàng đảm bảo chất lượng, tổ chức hội nghị kết nối cung cầu với 42 tỉnh thành và hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia.
Ông Nguyễn Phước Hạnh, Sở Công Thương Đà nẵng cho biết, đến nay công tác hàng hoà phục vụ tết tăng 20-25% so với năm ngoái, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng cho người dân. Tổng giá trị hàng lương thực thực phẩm là 2.000 tỉ đồng, phân phối thông qua đầu mối và siêu thị, chợ.
Bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân dịp Tết Nguyên đán
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện một số tỉnh, thành phố cho biết, đã có chỉ đạo, khuyến nghị các doanh nghiệp huy động tối đa nguồn lực để dự trữ hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với những chính sách thiết thực như tổ chức hội chợ Xuân, các điểm bán hàng bình ổn, các điểm bán hàng lưu động… Một số địa phương tiếp tục linh hoạt trong phương thức triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường như mở rộng nhóm hàng hoá thuộc diện bình ổn thị trường.
Tại một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng..., ngay từ đầu tháng 11, Sở Công Thương đã có các văn bản chỉ đạo và đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị Tết, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng; đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan trong công tác triển khai thực hiện kế hoạch Tết của địa phương.
Bên cạnh việc khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ động thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường, UBND một số địa phương tiếp tục thực hiện các phương thức hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện bình ổn thị trường như hỗ trợ lãi suất vốn vay tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng hoặc vay vốn với lãi suất 0%…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên hoan nghênh, đánh giá cao sự chủ động, tích cực triển khai từ sớm của các địa phương, hiệp hội, tập đoàn, tổng công ty trong việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.
Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương có kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh sản xuất (nhất là sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng) bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá cả. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, trong đó chú trọng tới mặt hàng thịt lợn để phục vụ nhu cầu người dân trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Người đứng đầu Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương trong theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá; phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá; chỉ đạo các địa phương triển khai chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán để góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Về phía Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tại các địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán với lãi suất ưu đãi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng nguồn vốn dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường.
Các UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo Sở Công Thương và các đơn vị liên quan chủ động xây dựng phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết; triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với Chính quyền địa phương tạo điều kiện, thông thoáng về giao thông giúp lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ được xuyên suốt trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão.
Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo các đơn vị chức năng về Khoa học công nghệ tăng cường kiểm định, kiểm tra, giám sát, đo lường tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa, đảm bảo phục vụ người tiêu dùng.
Đối với các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa phục vụ Tết, các đơn vị sản xuất chủ động kế hoạch sản xuất (nhất là sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng), cung ứng hàng hóa phục vụ Tết; Dự trữ vật tư, nguyên, nhiên vật liệu một cách hợp lý, tiết giảm chi phí, ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, nhằm duy trì sản xuất ổn định để bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý.
“Các đơn vị kinh doanh thương mại chủ động triển khai các Chương trình bình ổn thị trường, đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, nhất là các khu vực nông thôn, hải đảo, vùng sâu vùng xa nhằm cung ứng tốt hàng hóa thuộc diện bình ổn thị trường nói chung và hàng Việt nói riêng cho người dân. Tích cực tham gia các Chương trình hỗ trợ cho người dân diện chính sách, người dân ở các vùng bị thiệt hại do bão, lũ”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Các Hiệp hội ngành hàng chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên duy trì sản xuất, kinh doanh; chủ động, linh hoạt trong hoạt động xuất nhập khẩu và tổ chức tốt lưu thông hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ nguồn hàng cho thị trường.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
“Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện dự trữ lưu thông theo quy định, thực hiện nghiêm túc tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được phân giao, có kế hoạch bảo đảm nguồn cung xăng dầu ổn định phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân dịp cuối năm và trước, trong, sau Tết Nguyên đán, không để gián đoạn nguồn cung xăng trong hệ thống kinh doanh”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.