Hành động khẩn trương
Để nhanh chóng "giải cứu" thị trường (BĐS), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp chỉ đạo, triệu tập, chủ trì nhiều cuộc làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, ra hàng loạt văn bản tháo gỡ khó khăn, nhằm phục hồi thị trường BĐS phát triển ổn định. Đây là kết quả đến từ cuộc giải cứu đặc biệt chưa từng có tiền lệ.
Theo phân công, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho thị trường. Ở các địa phương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cũng đứng đầu Tổ công tác với mục tiêu tương tự. Từng nhóm, thậm chí từng dự án, từng chủ đầu tư được điểm danh cụ thể để tháo gỡ... Một cuộc giải cứu quyết liệt nhất, đặc biệt nhất trong lịch sử ngành BĐS Việt Nam đã và đang khẩn trương diễn ra.
Theo TS. Dương Như Hùng (Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh), chưa thấy cuộc giải cứu nào khẩn trương và đặc biệt như lần này. Cuộc khủng hoảng trên thị trường BĐS bắt đầu từ đầu quý IV/2022 và đến đầu năm 2023, Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành, các địa phương đã ban hành gần 20 nghị quyết, nghị định, chỉ thị để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, cho doanh nghiệp và cho các nhà đầu tư. Nhiều hội nghị, hội thảo đã được tổ chức với sự tham dự trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ để lắng nghe các ý kiến, kiến nghị, từ đó đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn.
"Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã dốc nhiều tâm huyết nhằm quyết tâm giúp thị trường BĐS khôi phục trở lại. Nhiều chuyên gia nhận định, chưa bao giờ các động thái từ Chính phủ lại quyết liệt, dồn dập như hiện nay. Hàng loạt các cuộc họp từ cấp Trung ương đến địa phương được triển khai, cùng nhiều cơ chế, chính sách được ban hành; đồng thời, cơ quan quản lý các cấp, cả hệ thống ngân hàng đều vào cuộc…", TS. Dương Như Hùng đánh giá.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho biết, các biện pháp hỗ trợ thị trường BĐS của Tổ công tác đã và đang tiếp tục triển khai nhanh để tránh đổ vỡ thị trường. Mỗi khi thị trường BĐS "lao dốc", chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng đều giảm sút và rơi vào cảnh khó khăn. Nếu không đủ năng lực tài chính để xử lý sẽ lan sang nhiều lĩnh vực khác... BĐS là ngành quan trọng với nền kinh tế, có độ lan tỏa cao, luôn tạo ra khủng hoảng kinh tế. Nghiên cứu về khủng hoảng từ những năm 1970 tới nay, chỉ có 2 nguyên nhân gây ra khủng hoảng kinh tế là tỉ giá hối đoái (gần đây ít xảy ra vì cơ chế thả nổi) và thị trường BĐS (nhất là trong 15 năm trở lại đây).
Vì vậy, vấn đề không chỉ là tìm cách phục hồi thị trường, mà còn là ngăn chặn rủi ro lớn với hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính và cần tranh thủ làm thật nhanh những quyết định, cơ chế đã được ban hành để tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Chính sách quyết liệt
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Tổ công tác và Bộ Xây dựng đã tích cực, chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan thực hiện nhiều báo cáo, tham mưu và báo cáo trực tiếp tại các cuộc họp Tổ công tác do Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Các đơn vị cùng đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chỉ đạo giải quyết, với nhiều biện pháp cụ thể, quyết liệt để tháo gỡ vướng mắc cho thị trường, doanh nghiệp BĐS. Điều này thể hiện tại nhiều văn bản như Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành liên tiếp 12 văn bản, tổ chức nhiều cuộc làm việc, họp như: Ngày 17/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NOXH); Bộ Xây dựng họp đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng ngày 16/3/2024; hội nghị Thủ tướng Chính phủ triệu tập 18 doanh nghiệp họp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh ngày 14/3/2024...
Bên cạnh đó, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, doanh nghiệp; đồng thời, theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, giải đáp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền. Tổ công tác đã trực tiếp làm việc với các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Định và các doanh nghiệp BĐS lớn để nghe báo cáo, rà soát từng dự án BĐS cụ thể, qua đó hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ vướng mắc trong triển khai.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã ban hành 37 văn bản hướng dẫn, giải đáp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các nội dung: Quy hoạch, NOXH, cải tạo chung cư cũ, cấp phép xây dựng, chuyển nhượng dự án... cho các địa phương, nhất là tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Thái Nguyên, Vĩnh Long, Sơn La, Thái Bình, Bình Định...
Để thúc đẩy phát triển NOXH, thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp” và triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển NOXH, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư, Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn triển khai.
Qua tìm hiểu, đến nay, các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước có tới 30 văn bản tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Trong khi đó, các địa phương cũng thành lập Tổ công tác hoặc các Ban chỉ đạo giải quyết các vướng mắc liên quan đến các dự án BĐS và rà soát, tháo gỡ hàng loạt dự án.
Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh tổng hợp kết quả tháo gỡ về mặt thể chế cho thấy, Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XV xem xét thông qua: Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 ngày 23/6/2023 tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 ngày 27/11/2023 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; Luật Kinh doanh BĐS số 29/2023/QH15 ngày 28/11/2023 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; Luật Đất đai số 31/2024/QH15 ngày 18/1/2024 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV; Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 ngày 18/1/2024 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Đến nay, Tổ công tác đã ban hành các Thông báo kết luận đối với từng địa phương, doanh nghiệp BĐS làm căn cứ thực hiện.
Năm 2023, Tổ công tác đã nhận và xử lý được 142 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, nhà đầu tư liên quan đến 191 dự án BĐS. Trong đó, có 129 văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc, hướng dẫn và đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; 13 văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét giải quyết, hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, Tổ công tác nhận được 4 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp liên quan đến 4 dự án BĐS. Theo thẩm quyền được giao, Tổ công tác đã xử lý 4 văn bản, gồm 3 văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị giải quyết theo thẩm quyền và 1 văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị giải quyết, hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.