Sau hơn 1 tháng cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp đã đi qua, song những hệ lụy, nguy cơ mà nó để lại vẫn đang hiện hữu. Câu chuyện “hồi sinh” cho những cánh rừng “chết” đang là vấn đề bức thiết đặt ra cho tỉnh Quảng Ninh.
Bài 1: Tiếng “nấc” của người trồng rừng
Chỉ khoảng 4 giờ đổ bộ vào Quảng Ninh vào ngày 7/9, cơn bão số 3 khiến trên 119.000 ha rừng ở nhiều huyện, thành phố, thị xã bị thiệt hại, tan hoang, tương đương với giá trị thiệt hại về kinh tế lâm nghiệp là gần 6.500 tỷ đồng. Cơn bão khiến cho nhiều người dân trước đó còn vui mừng vì sắp đến ngày được thu hoạch, thì sau bão gần như trắng tay, thứ họ nhận về là ngổn ngang những cánh rừng xơ xác, những bãi củi lớn khó tận thu.
Rừng xanh bỗng thành rừng “chết”
Đi dọc tuyến Tỉnh lộ 234, Quốc lộ 279, quốc lộ 18, trải dài từ thành phố Hạ Long đi huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu đâu đâu cũng nhìn thấy sự hoang tàn của những cánh rừng đang “chết mòn” sau siêu bão số 3. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh, đến hết tháng 9/2024, tổng diện tích rừng bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là trên 119.000 ha (mức thiệt hại từ 30 - 100%, phần lớn diện tích không có khả năng phục hồi), trong đó: Diện tích rừng trồng là trên 112.400 ha, diện tích rừng tự nhiên là trên 6.600 ha. Tổng số hộ gia đình bị thiệt hại 22.390 hộ, bao gồm các hộ gia đình được giao đất, giao rừng và các hộ được giao khoán trồng rừng của các Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thành phố Hạ Long là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề ở mọi mặt do cơn bão số 3, riêng lĩnh vực lâm nghiệp ước thiệt hại khoảng 1.155 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là rừng trồng với trên 22.800/37.000 ha, tương đương với khoảng 1.140 tỷ đồng; rừng đặc dụng bị thiệt hại 50 ha, giá trị khoảng 15 tỷ đồng.
Là một trong số các hộ có diện tích rừng khá lớn tại xã Tân Dân, thành phố Hạ Long, ông Trinh Hồng Quyết (63 tuổi), người dân tộc Dao ở thôn Khe Đồng cho biết, gia đình ông có tổng khoảng 30 ha rừng; trong đó có 14 ha rừng trồng chủ yếu là keo và bạch đàn từ 2 - 3 năm tuổi, những tưởng đã đi qua được một nửa chặng đường đợi ngày thu hoạch thì cơn bão số 3 vừa qua đã gần như bẻ gãy hết, cả khu rừng xanh giờ chỉ còn lại ngổn ngang thân cây đổ rạp, bật gốc, xót xa không nguôi, nhưng “trời làm” thì phải chịu.
Ông Quyết cho biết, hiện nay tìm thuê người đi phát dọn rất khó, vì người dân ở đây nhà nào cũng phải đi dọn rừng của họ, tiền công thì cao hơn trước. Trước đây chỉ khoảng 200.000 đồng/ngày công thì giờ phải từ 300.000 - 350.000 đồng nhưng vẫn không có người làm, vì dọn rừng bị gãy đổ vừa khó di chuyển, vừa mệt hơn lúc thu gỗ bình thường. Mặt khác hiện nay giá thu mua gỗ rừng tận thu thấp, có đơn vị thu mua còn ép giá người dân vì lượng cây đổ quá nhiều. Nếu tính ra các khoản chi phí thì người trồng rừng bị thiệt đơn thiệt kép, không còn nguồn thu nhập.
Nỗi trăn trở của ông Quyết và hàng chục nghìn hộ dân bị mất rừng sau bão là cây giống để tái trồng rừng, bởi không chỉ giá cây giống bị đội lên gấp nhiều lần mà nguồn cung hiện tại không đủ, khó để mua được cây giống. Ông Quyết đề xuất tỉnh có ý kiến để các đơn vị thu mua không ép giá khi mua gỗ tận thu rừng của người dân và tìm nguồn cung cây giống có giá ổn định, đồng thời có chính sách hỗ trợ để người trồng rừng tái khôi phục sản xuất.
Cũng như ông Quyết, hiện nay trong tỉnh Quảng Ninh, hàng chục nghìn chủ rừng chỉ sau cơn bão số 3 bỗng trở nên trắng tay, nhiều người nợ chồng nợ. Những cánh rừng từng chứa đựng bao nhiêu niềm hy vọng về tương lai, về nguồn thu chính giờ chỉ còn là ký ức, hiện thực là bộn bề lo toan để tái hồi sinh những cánh rừng.
Những hệ lụy từ “rừng chết”
Ở nhiều địa phương của tỉnh Quảng Ninh, rừng là một trong những nguồn thu chính, tạo công ăn việc làm cho người dân dân địa phương, tuy nhiên với thiệt hại vừa qua, nguy cơ nhiều người dân sẽ mất kế sinh nhai. Trong tương lai gần sẽ bị thiếu hụt nguồn gỗ từ keo, bạch đàn cung cấp cho thị trường nội tỉnh và các địa phương lân cận.
Anh Phạm Văn Hùng (sinh năm 1978) ở thôn Nà Sắn xã Bản Sen, huyện Vân Đồn buồn bã cho biết, cơn bão số 3 vừa qua gia đình anh thiệt hại khoảng gần 2 tỷ đồng cả trên rừng và dưới biển. Với gia đình anh đó là cả cơ nghiệp, nhưng giờ đã mất hết, 17 ha rừng từ 2 năm tuổi của anh gần như bị bão số 3 “xóa sổ”, bây giờ phải làm lại từ đầu. Anh Hùng suy nghĩ mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người xấu số, mình mất của nhưng còn người thì có thể làm lại được, song rất cần được sự quan tâm, chính sách hỗ trợ phù hợp để anh cùng nhiều hộ dân khác tái phục hồi. Anh Hùng cho biết trước mắt sẽ dọn dẹp rừng để đến mùa xuân tới sẽ tái trồng cây. Tuy nhiên anh lo lắng trong khoảng 5 năm tới nhiều người dân sẽ bị giảm rất nhiều nguồn thu từ rừng, thậm chí là không có vì làm gì có rừng để thu và còn phải bỏ ra một khoản lớn để đầu tư lại, kế sinh nhai sẽ bị ảnh hưởng nhiều.
Mặt khác anh Hùng chia sẻ trước gia đình anh vay 300 triệu đồng vốn ngân hàng, giờ chưa biết nhìn vào đâu để có nguồn trả, nên rất khó để vay tiếp, chỉ hy vọng vay mượn được từ người thân, bạn bè để làm lại, nhưng cũng rất khó khăn. Bão số 3 lấy đi của người dân nhiều quá, chỉ để lại cho họ chồng chất nợ nần và nỗi đau.
Nhiều người dân còn lo lắng về nguy cơ tái nghèo, cận nghèo. Điển hình như bà Trần Thị Vũ (81 tuổi), Thôn Hà Tràng Tây xã Đông Hải, Tiên Yên trước bão không phải hộ nghèo, nhưng sau bão số 3, rừng thì gãy đổ, nhà cửa, tài sản phần bị nước ngập cuốn trôi hoặc còn thì hư hỏng nặng. Mặc dù tuổi cao nhưng vẫn phải lao động cần cù mỗi ngày để lo cuộc sống cho một người con trai bị bệnh. Ở cái tuổi “gần đất xa trời” bà vẫn canh cánh nỗi lo cơm áo gạo tiền. Sau bão mẹ con bà được cứu trợ 20 kg gạo, 1 thùng mỳ và 1 thùng sữa, để đảm bảo lương thực sau những ngày bão, mẹ con bà ngày ăn hai bữa cháo, một bữa cơm. Đáng quý bà Vũ vẫn tự động viên mình còn người là mừng rồi, thiên tai gây ra thì phải chấp nhận.
Có thể thấy hệ lụy trước mắt mà bão số 3 gây ra là thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng môi trường, độ che phủ rừng, chất lượng nguồn nước, kế sinh nhai của người dân, cháy rừng thực bì ở nhiều địa phương. Người trồng rừng, doanh nghiệp lâm nghiệp Quảng Ninh nặng trĩu những nỗi lo đứt lứa keo năm này, năm sau, năm sau nữa…Người sống dựa vào rừng không có việc làm, đồng nghĩa với việc không có thu nhập. Các doanh nghiệp lâm nghiệp thì không có nguồn thu trong vài năm tới, lấy gì để bố trí công việc cho người lao động, bố trí tài chính để trả lương và nộp bảo hiểm xã hội. Ngành lâm nghiệp Quảng Ninh rơi vào tình cảnh đứt một lứa keo, nghĩa là trong vòng vài năm tới, ngành sản xuất và chế biến gỗ sẽ thiếu nguồn cung trầm trọng.
Ông Nguyễn Thanh Khương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh thông tin, về lâu dài là an ninh nguồn nước, sạt lở đất, an toàn hồ đập, tác động đến hệ sinh thái, biến đổi khí hậu, thiếu hụt nguồn cung từ keo, bạch đàn, thông…, ảnh hưởng lớn đến chất lượng đời sống của cộng đồng, nhân dân; đến mục tiêu tăng trưởng và mức thu nhập bình quân đầu người của địa phương này, cùng với đó là nhiều hệ lụy hữu hình, vô hình khác mà chưa chưa thể đo, đếm.
Mặt khác, hiện có khoảng 6 triệu tấn vật liệu dễ cháy từ cây rừng bị gãy đổ vẫn đang hiện hữu, nguy cơ cháy rừng trong mùa hanh khô rất cao. Chỉ tính từ ngày 28/9 đến ngày 15/10, trên địa bàn tỉnh xảy ra 15 vụ cháy các rừng thực bì. Diện tích cháy chủ yếu là cây bạch đàn, keo, là các diện tích đã bị bão số 3 tàn phá.
Sau bão, câu chuyện tái thiết lại nền kinh tế, khôi phục toàn diện các lĩnh vực được tỉnh Quảng Ninh ưu tiên hàng đầu, trong đó “hồi sinh” diện tích rừng, “lá phổi xanh” của vùng Đông Bắc được địa phương này xác định là nhiệm vụ cấp bách.
Bài cuối: Tái thiết “lá phổi xanh”