Nông dân Bạc Liệu lao đao vì mưa dầm

Liên tiếp trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu xảy ra mưa lớn trên diện rộng, mỗi cơn mưa kéo dài hàng giờ, gây nhiều khó khăn cho người dân sản xuất cũng như cuộc sống dân sinh.

Bà con địa phương cho biết, khó khăn nhất là đối với người dân sản xuất nông nghiệp, bởi thời tiết mưa những ngày qua đúng vào cao điểm người dân thu hoạch vụ lúa Hè Thu, đã có nhiều diện tích lúa bị đỗ ngã, ngập úng, làm thiệt hại không nhỏ đến năng suất, chất lượng.

Đang loay hoay với diện tích lúa bị ngập úng, anh Đặng Phong Nhã, ấp Mỹ Hòa, xã Hưng Phú, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu cho biết, do mưa đúng vào thời điểm thu hoạch đã làm thất thoát năng suất từ 1-1,5 tấn/ha so với vụ trước. Không chỉ giảm năng suất, mà hiện nay phần lớn người trồng lúa đang gặp khó khăn từ khâu thuê mướn nhân công cắt, khuân chuyển, phơi sấy, tiêu thụ…

Mưa dầm gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên tôm là rất cao. Ảnh: baobaclieu

Anh Dương Tấn Kịch, xã Hưng Phú, huyện Phước Long bày tỏ, do thời tiết bất lợi, nên phần lớn người dân thiếu sân phơi, lò sấy, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản lượng lúa. Cũng chính vì đó, cộng với sản lượng lúa trong dân tăng nhanh nên đầu ra gặp khó, thương lái lợi dụng điều này mà ép giá nhà nông.

Hiện tại, giá lúa tươi ở tỉnh này được thương lái mua dao động từ 4.300- 4.400 đồng/kg, giảm khoảng 200 đồng/kg so với đầu vụ. Mặc dù giá giảm nhưng người dân rất khó tìm ra thương lái để bán.

Điều đáng nói hiện nay, do đầu ra gặp khó, người dân buộc phải thuê mướn nhân công phơi khô lúa, trữ lại chờ giá vì giá bán này bán không có lãi. Trong khi đó, không ít người dân có điều kiện trữ lại, nếu trữ càng lâu thì khả năng lúa lại giảm chất lượng càng lớn.

Cùng với người trồng lúa, thì người nuôi tôm, trồng màu, làm vườn cũng bị ảnh hưởng nặng. Mưa làm thay đổi môi trường đột ngột, diện tích tôm nuôi, nuôi trồng thủy bị sốc nước, dễ phát sinh bệnh hoặc thiệt hại; hoa màu kém phát triển, dễ xảy ra sâu bệnh.

Trước khó khăn này, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đang chỉ đạo các địa phương phối hợp với người dân triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ diện tích sản xuất, nhất là cây lúa, con tôm. Trước mắt, ngành chỉ đạo cho khai thông dòng chảy, mở hệ thống cống đặp tháo nước ra ngoài; khuyến khích bà con khẩn trương gia cố đê bao, đầu tư máy bơm nước ra cứu lúa… Về lâu dài, ngành sẽ có quy hoạch lại, đầu tư khép kín hệ thống thủy lợi thủy nông nội đồng; điều chỉnh,cơ cấu lại lịch thời vụ nhằm từng bước sản xuất thích nghi với biến đổi khí hậu.

Vụ lúa Hè Thu năm 2016, Bạc Liêu xuống giống được gần 60.000 ha, đến nay bà con đã thu hoạch được hơn 50% diện tích, với năng suất đạt từ 5,5- 6 tấn/ha. Vụ này, ngoài năng suất giảm, thời tiết bất lợi, đầu ra khó khăn, giá thấp…nhiều hộ sản xuất không có lãi.

Huỳnh Sử
Kinh nghiệm giảm nghèo bền vững ở Bạc Liêu
Kinh nghiệm giảm nghèo bền vững ở Bạc Liêu

Nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, điều hành của chính quyền, sự phối hợp của các ngành, Mặt trận Tổ quôc và các tổ chức đoàn thể đối với công tác giảm nghèo bền vững; cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, hộ nghèo… là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Bạc Liêu tập trung thực hiện trong năm 2016 và những năm tiếp theo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN