LÀM ĐƠN TRẢ RUỘNG CHO CHÍNH QUYỀN
Người nông dân phải bỏ ra nhiều chi phí như mua vật tư, giống, thuê nhân công… nhưng một sào ruộng được mùa cũng chỉ để ra được ba, bốn trăm nghìn đồng mỗi vụ. Người nông dân vất vả, thu lời lại thấp, ít ai còn mặn mà với ruộng.
Chi nhiều, thu chẳng bao nhiêu
Đầu tháng 6, trên các tuyến đường liên huyện của “quê hương năm tấn” Thái Bình, cánh đồng lúa hai bên chín vàng chạy dài tít tắp. Nhìn đồng ruộng trù phú, bao la và màu mỡ, nhưng ẩn sau nó là những câu chuyện của người nông dân với ruộng đồng.
Người nông dân một nắng hai sương vất vả làm ra hạt thóc, nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu. |
Tại trụ sở xã Nguyên Xá thuộc huyện Đông Hưng (Thái Bình), ông chủ tịch Nguyễn Tiến Vững đọc vanh vách các khoản chi phí phải bỏ ra cho một sào ruộng lúa. Tiền giống 60 nghìn đồng, công thuê làm đất 160 nghìn đồng, thuê cấy mất 150 nghìn đồng, công gặt 150 nghìn đồng, thuốc trừ sâu 140 nghìn đồng, công phụ khoảng 150 nghìn đồng và nhiều khoản khác. Giá trị sản xuất, một sào được mùa như năm nay là 2,2 tạ thóc, bán được 1,5 triệu đồng, trừ các khoản để ra được 300 nghìn đồng. Trong khi đó, một lao động đi làm công nhân, mỗi tháng được trả lương ít nhất là 3 triệu đồng.
Ông Vững đặt câu hỏi, với thu nhập ít ỏi như vậy thử hỏi người nông dân sao sống được mà gắn bó? “Làm ăn theo kiểu cầm chương phát lương cả làng thế thì tôi và các anh cũng bỏ, chứ nói gì đến nông dân”, ông Vững nói. Theo thống kê của UBND xã Nguyên Xá, toàn xã vụ Xuân giảm 1 ha. Điều đáng nói là, xã có tới hơn 30% số ruộng bị chủ nhân “chối bỏ” để người khác cấy. Ruộng nào đẹp, năng suất cao thì được người nhận cấy trả cho khoảng 15 kg thóc, ruộng xa và xấu thì nhờ cấy để giữ đất.
Người chết vẫn phải nộp phí
Trong khi nhiều người dân không còn mặn mà với đồng ruộng, thì những người được chia ruộng đã chết vẫn phải đóng các loại phí, điều này khiến không ít người nông dân càng không muốn giữ ruộng.
Từ năm 1993, ruộng không được chia lại, người già yếu không thể làm được ruộng, người chết để lại ruộng cho con cháu nhưng họ không cấy, người sinh ra cần ruộng thì không được chia, muốn có ruộng thì phải bỏ tiền mua. Mặc dù các xã tiến hành dồn điền đổi thửa để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhà nào có bao nhiêu ruộng thì được phân lại bấy nhiêu. Nhưng có một nghịch lý là người chết cũng phải nộp các khoản đóng góp như người sống, vì phân bổ theo thực tế khẩu được chia ruộng.
Gia đình ông Nguyễn Viết Thành ở xã Thụy Trường, Thái Thụy, Thái Bình có 5 khẩu ruộng của hai vợ chồng, cô con gái và hai cụ thân sinh đã qua đời. Ông chia sẻ, từ khi thực hiện chương trình nông thôn mới, chính quyền thu các khoản tiền theo số nhân khẩu của mỗi gia đình. Hai cụ đã mất vẫn phải đóng phí làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, xây dựng trường học… Tất nhiên, việc canh tác bao nhiêu sẽ phải đóng góp bấy nhiêu. Nhưng cái đáng nói là những người già thì phải làm quá nhiều ruộng, trong khi những gia đình trẻ, sức lao động dồi dào thì không có ruộng để làm? UBND xã Thụy Trường cho rằng việc thu các loại phí theo nhân khẩu được chia ruộng là đúng, tuy nhiên từ năm 1993 đến nay không chia lại đất cũng có mâu thuẫn. Người già chết không thu ruộng, lớp trẻ sinh ra lấy đâu ruộng để chia.
Tại huyện Đông Hưng (Thái Bình), việc không chia lại ruộng, người chết vẫn phải đóng phí là mối quan tâm của người nông dân và chính quyền xã. Trao đổi vấn đề này với ông Chủ tịch huyện Nguyễn Tiến Hưng, chúng tôi nhận được câu trả lời rất đơn giản “vì luật đã quy định, các anh thắc mắc thì lên hỏi Quốc hội”. Theo thống kê của xã Nguyên Xá, trong 22 năm kể từ lúc chia ruộng đến nay xã có khoảng 2.000 cháu sinh ra và có 1.000 người mất. Người mới sinh ra không có ruộng, trong khi đó người chết, người chuyển đi địa bàn khác sống vẫn đứng khẩu ruộng, thu phí hay các khoản đóng góp rất khó khăn.
Viết đơn trả ruộng
Tại UBND xã Hòa Bình, huyện Kiến Xương (Thái Bình), ông chủ tịch Nguyễn Ngọc Doanh bê ra một chồng giấy tờ và nói đó là đơn của nông dân trả ruộng. Theo ông Doanh, từ ngày chia ruộng 1993 đến nay xã đã nhận được hơn 200 đơn trả ruộng; riêng vụ Xuân 2015 có tới 23 hộ viết đơn trả ruộng (tương đương với 4 mẫu) để được cắt các khoản đóng góp. Diện tích ruộng trả đa số là do lao động gia đình già yếu, không có người làm.
Nhiều người dân ở xã Hòa Bình (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) viết đơn trả ruộng. |
Cán bộ địa chính xã Hòa Bình dẫn chúng tôi tới một vài hộ có đơn trả ruộng để tìm hiểu cụ thể lý do họ làm đơn trả ruộng cho chính quyền. Bà Nguyễn Thị Ngoãn ở thôn Việt Hưng có hơn 4 sào ruộng, vì sức khỏe yếu không làm được nên trả cho xã, để không phải đóng các khoản phí. Bà Ngoãn cho biết: Làm ruộng thu nhập chẳng được bao nhiêu, các con đi làm ăn xa, vợ chồng tôi ở nhà không thể làm được nên trả ruộng”. Chung một lý do, gia đình ông Nguyễn Văn Thắng ở thôn Việt Hưng viết đơn trả 3,3 sào ruộng vì không đủ lực để canh tác. Trong đơn, ông Thắng hứa sẽ không có đòi hỏi gì, dù sau này đất có biến động về giá.
Cả xã Hòa Bình có khoảng 3 nghìn người trong độ tuổi lao động, nhưng có hơn 2/3 lao động này đi làm ăn nơi khác. Số lao động đi xa chủ yếu là người trẻ, số ở nhà đã ngoài 40 tuổi. “Đây là biểu hiện sự già hóa lao động nông thôn, người già không làm được việc nặng như đồng áng thì chuyện trả ruộng là dễ hiểu. Vấn đề này rất nan giải, nếu tình trạng này không được giải quyết thì thời gian tới, tôi tin chắc sẽ không còn ai làm ruộng nữa”, ông Doanh nói.