Đơn cử như tại huyện Vũ Quang, đã có rất nhiều hộ gia đình hết sức lo lắng trước tình trạng vườn cam của gia đình mình thi nhau rụng trái hàng loạt; trong đó, có hộ gia đình ông Nguyễn Văn Lý hay hộ gia đình ông Lê Thanh Hải, xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, với diện tích cả 2 vườn nói trên khoảng 5 ha (2.500 cây) đã xảy ra hiện tượng rụng quả tỷ lệ phổ biến 1 – 2%, nơi cao 3 – 5%.
Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tĩnh, nguyên nhân bước đầu xác định là do những diện tích có tỷ lệ rụng cao chủ yếu là cây đã già cỗi, thời gian kinh doanh 7 – 10 năm, cây sinh trưởng kém, chăm sóc, đầu tư không đúng quy trình kỹ thuật, lượng phân bón không đảm bảo nhu cầu cho cây, một số cây nằm trên chân đất có độ dốc lớn; có biểu hiện bị sâu đục thân, bệnh nứt thân xì mũ, bệnh muội đen gây hại nặng. Ngoài ra, các vườn nằm gần rừng keo nên bị bướm lâm nghiệp gây hại là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cây cam rụng quả.
Ông Nguyễn Tống Phong, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trước tình hình trên, đơn vị đã hướng dẫn giúp nhân dân thực nhiều đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế sự rụng quả trên cây cam.
Theo đó, đơn vị khuyến cáo nông dân thu gom quả bị rụng để hạn chế nguồn sâu bệnh. Đối với những diện tích già cỗi, chăm sóc kém, nông dân tiếp tục chăm sóc đúng quy trình, bón phân, vệ sinh vườn và phòng trừ sâu bệnh sau khi thu hoạch, đặc biệt bón bổ sung phân hữu cơ. Đồng thời, nông dân cần có kế hoạch tái canh đối những diện tích sinh trưởng kém, năng suất thấp.
Đối với diện tích rụng quả do bướm lâm nghiệp, ruồi đục quả, thực hiện các giải pháp kỹ thuật như bao quả, bao cây, sử dụng điện chiếu sáng vào ban đêm để xua đổi, dùng bẫy protein để dẫn dụ và tiêu diệt ruồi đục quả.
Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 7.532 ha cam các loại; trong đó, cam chanh là 6.140 ha, cam bù đạt 1.192 ha. Diện tích trồng mới 9 tháng đầu năm 2018 là 600 ha (Vũ Quang 150 ha, Hương Khê 150 ha, Can Lộc 100 ha, Đức Thọ 100 ha, Hương Sơn 50 ha, Thạch Hà 20 ha, Kỳ Anh 10 ha, Cẩm Xuyên 20 ha).
Diện tích cam cho thu hoạch 3.981 ha; trong đó, cam chanh cho thu hoạch khoảng 3.331 ha, diện tích cam bù cho sản phẩm khoảng 650 ha; năng suất ước đạt 111,32 tạ/ha, sản lượng ước đạt 44.316 tấn.