Nông dân hoa mắt vì ma trận phân bón - Bài 1

Đang có khoảng hơn 5.000 loại phân bón trên thị trường Việt Nam, tạo ra một ma trận, làm hoa mắt người nông dân. Bên cạnh đó, nhiều công ty làm giả, nhái nhãn mác các hãng nổi tiếng, càng làm thị trường phân bón càng thêm hỗn loại, khiến người nông dân không phân biệt nổi thật giả.


KHÓ PHÂN BIỆT THẬT - GIẢ, TỐT - XẤU

Hiện Việt Nam có khoảng 1.000 cơ sở sản xuất phân bón, tạo ra hơn 5.000 loại phân bón trong danh mục cho phép, và 5.000 loại phân bón đang được sản xuất ngoài danh mục cho phép. Những cơ sở này cung cấp cho 16.000 cửa hàng kinh doanh phân bón trên toàn quốc.

Ghi nhận nhiều ý kiến từ các nông dân tại Hải Dương cho thấy, việc có quá nhiều loại phân bón khiến bà con không biết nên lựa chọn ra sao; việc lựa chọn hiện chủ yếu dựa trên kinh nghiệm. Nhưng kể cả như vậy vẫn khó tránh được phân bón giả, phân bón kém chất lượng, điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp lên năng suất mùa màng, khiến bà con bị giảm sút thu nhập, còn làm đồng đất ngày một cằn cỗi.

Trên cánh đồng rau màu vụ đông, ông Vũ Văn Hiên (thôn Tằng Hạ, xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc, Hải Dương) đang bắt đầu bón đạm đợt 1 cho lứa cải bắp. Gia đình ông Hiên có 4 sào ruộng, vụ đông hàng năm chuyên trồng cải bắp, vụ hè thu trồng dưa lê. Ông Hiên nhẩm tính mỗi năm chi phí khoảng 3 triệu đồng mua phân bón. Chưa kể đến thuốc sâu, tiền cây giống.

Theo ông Hiên, hiện nay việc mua phân bón rất dễ dàng. Riêng xã Gia Xuyên cũng có 5 - 6 điểm đại lý do tư nhân mở ra. Bà con chẳng phải đi đâu xa. Về thói quen lựa chọn và sử dụng phân bón cho cây trồng, ông Hiên cho biết: “Có năm, xã mời cán bộ ở huyện về tập huấn cho bà con nhân dân về cách sử dụng phân bón, nhưng khi mua về vẫn khó phân biệt được loại nào chất lượng, loại nào kém chất lượng. Chủ yếu chúng tôi mua theo địa chỉ quen và nhãn hiệu đã từng sử dụng có hiệu quả”.

Nói về hiệu quả của phân bón, “Chỉ đến khi sắp thu hoạch mới biết loại nào tốt, loại nào kém chất lượng. Phân bón kém chất lượng thì hậu quả chẳng những cây bắp còi cọc mà còn làm đất cằn cỗi. May mắn thì mua được loại phân bón tốt ”, ông Hiên cho biết.

Còn theo bà Vũ Thị Bóng (xã Gia Xuyên, Gia Lộc) có hơn 20 năm làm nông nghiệp cho biết, ngày càng có nhiều loại phân bón, mua bán thì dễ nhưng chẳng biết thật giả thế nào? Chúng tôi có 8 sào bắp cải. Số tiền đầu tư cho phân bón ngày càng tăng, vụ sau tăng thêm vài trăm nghìn đồng so với vụ trước. Ví dụ, năm 2012 chỉ cần 20 kg phân đạm cho 1 sào bắp cải thì mấy vụ gần đây tăng lên hơn 30 kg. Tuy nhiên, cũng không thấy rau tươi tốt được như trước.

Tương tự, bức xúc trước tình trạng “loạn” phân bón như hiện nay, gia đình bà Trương Thị Phương (xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) có 6 sào ruộng cho biết, với quá nhiều loại phân bón như hiện nay, nếu ra cửa hàng, bà không thể phân biệt được loại nào thật, loại nào giả, loại nào thực sự tốt với giống lúa đang cấy.

Theo bà Phương, đối với nông dân chủ yếu là “vừa làm vừa dò đường”, năm trước bón loại nào tốt thì năm sau tiếp tục sử dụng loại đó. Để hạn chế mua phải hàng giả, kém chất lượng, chúng tôi đặt niềm tin vào Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tại địa phương. Theo đó, hàng năm các công ty phân bón phối hợp với Hợp tác xã tổ chức tư vấn và giới thiệu sản phẩm cho bà con nông dân, loại nào phù hợp sẽ được Hợp tác xã đưa ra khuyến cáo. Với cách này, ít nhất còn có Hợp tác xã, đại diện cho chính quyền bảo đảm cho nông dân về chất lượng phân bón.

Còn nông dân Vũ Văn Môn (xã Trung An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) cho rằng, bón phân để cải tạo đất, kích thích cây trồng thì không thấy đâu, chỉ thấy năng suất, sản lượng cây trồng giảm và người nông dân vốn đã rất vất vả trong sản xuất sẽ phải chịu thiệt đơn thiệt kép, “tiền mất, tật mang”.

Theo một chuyên gia nước ngoài, số lượng cơ sở sản xuất và chủng loại phân bón của Việt Nam là quá nhiều so với các nước trong khu vực, ví dụ tại Thái Lan chỉ có hơn 100 loại phân bón, Hàn Quốc có khoảng 40 loại…Thực trạng tại Việt Nam không chỉ gây thiệt hại cho người nông dân, nhiều công ty làm ăn chân chính cũng đang bị làm giả, làm nhái nhãn mác, không đảm bảo chất lượng để đánh lừa người nông dân, thu lời bất chính.

Ông Lê Đức Linh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cho biết: “Có nhiều sản phẩm giả mạo nhãn mác của chúng tôi, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan. Công bố mác đủ tiêu chuẩn nhưng thực chất kém chất lượng. Không riêng Hà Bắc mà nhiều công ty khác như Phú Mỹ, Cà Mau… cũng bị làm giả. Nhiều khách hàng ở Thái Lan, Hàn Quốc nói với tôi, không hiểu vì sao chúng ta lại có tới hàng nghìn loại phân bón như ma trận, người dân làm sao mà theo kịp để kiểm soát giá cả, chất lượng. Phải kiên quyết rút giấy phép các doanh nghiệp làm giả, kém chất lượng”.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc Công ty Tiến nông Thanh Hóa cho rằng, 1.000 đơn vị sản xuất ra 5.000 tấn/năm phân bón, đây là con số rất lớn. Trong đó, có nhiều đơn vị sản xuất rất thủ công, thậm chí chỉ thuê vài người, không có phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất cũng sản xuất phân bón.

Theo Nghị định 202/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón. Từ nay tới tháng 2/2016, tất cả các công ty phân bón tại VN phải có giấy phép, nhưng với số lượng hàng nghìn công ty như hiện nay thì việc hoàn thành nhiệm vụ là rất khó khăn.

Vì vậy, trước mắt người dân rất mong muốn, các cơ quan chức năng cần phối hợp quản lý, thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện những doanh nghiệp sản xuất phân bón giả, đồng thời phạt nặng những doanh nghiệp này. Có như vậy, phân bón chất lượng mới có chỗ đứng, nông dân tìm được sản phẩm tốt nhất cho sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả cao.


Bài cuối: Chung sức “dẹp loạn”

Hữu Vinh - Mạnh Minh - Hoài Thu
Nông dân hoa mắt vì ma trận phân bón - Bài cuối
Nông dân hoa mắt vì ma trận phân bón - Bài cuối

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Nghị định số 202/NĐ - CP năm 2014 của Chính phủ về quản lý phân bón đã giúp kiểm soát tốt hơn trên thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại không ít đơn vị làm ăn gian dối, nhập khẩu, sản xuất sản phẩm kém chất lượng, thiếu hàm lượng dưỡng chất cho cây trồng, gây thiệt hại cho người nông dân. Để giải quyết vấn nạn này, đòi hỏi sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN