Giá trị tài sản ròng của bà Dương Huệ Nghiên - cổ đông lớn của tập đoàn bất động sản khổng lồ Trung Quốc Country Garden (có trụ sở ở Quảng Đông) - đã sụt giảm hơn 52%, từ mức 23,7 tỷ USD cách đây một năm xuống chỉ còn 11,3 tỷ USD.
Diễn biến trên xảy ra trong phiên giao dịch ngày 27/7, trong bối cảnh giá cổ phiếu niêm yết tại thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) của Country Garden giảm 15%, sau khi tập đoàn này thông báo sẽ bán cổ phiếu mới để huy động tiền mặt.
Bà Dương Huệ Nghiên thừa kế tài sản từ cha đẻ - người sáng lập Country Garden - vào năm 2005. Hai năm sau đó, bà trở thành người phụ nữ giàu nhất châu Á, khi tập đoàn này này tiến hành đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Hong Kong (Trung Quốc).
Tuy nhiên, giới truyền thông cho rằng bà Dương Huệ Nghiên khó có thể giữ được danh hiệu này trong thời gian tới, khi "bà trùm" Fan Hongwei - Chủ tịch tập đoàn sản xuất sợi hóa học Hengli Petrochemical - đang theo sát với giá trị tài sản ròng 11,2 tỷ USD.
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã gặp khó khăn kể từ khi chính phủ bắt đầu siết lại tình trạng nợ quá mức và đầu cơ tràn lan trong năm 2020, với những “gã khổng lồ” như Evergrande và Sunac vật lộn để thanh toán và thương lượng lại với các chủ nợ.
Theo thống kê, số lượng người mua nhà tạm dừng thanh toán thế chấp gia tăng giữa bối cảnh nhiều người mua nhà phàn nàn về sự chậm trễ trong việc xây dựng những căn nhà họ đã trả tiền.
Mặc dù Country Garden không chịu ảnh hưởng nặng nề do tình trạng hỗn loạn trong ngành, song tập đoàn này đã khiến các nhà đầu tư lo ngại khi thông báo về kế hoạch huy động hơn 343 triệu USD thông qua việc bán cổ phiếu và sẽ dành một phần số tiền huy động được để trả nợ.
Trong một hồ sơ gửi lên sàn chứng khoán Hong Kong, Country Garden cho biết tiền thu được từ việc bán cổ phiếu sẽ được sử dụng để tái cấp vốn cho các khoản nợ nước ngoài hiện có, vốn lưu động và các mục đích phát triển trong tương lai.
Cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc đã kêu gọi các tổ chức cho vay hỗ trợ lĩnh vực bất động sản và đáp ứng nhu cầu tài chính hợp lý của các công ty khi các nhà phân tích và hoạch định chính sách vẫn lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực đối với lĩnh vực tài chính.
Lĩnh vực bất động sản ước tính đóng góp 8 - 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc và vẫn là một trong những động lực chính thúc đẩy đà tăng trưởng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Các nhà phân tích cảnh báo lĩnh vực bất động sản đang sa lầy vào một "vòng luẩn quẩn" có thể làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, sau khi công bố những số liệu ảm đạm trong quý II, quý tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.