Chị Nguyễn Thị Thúy sinh năm 1985 tại xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, sau khi xây dựng gia đình, chị theo chồng về sống tại xã Minh Quang, huyện Tam Đảo.
Trong khuôn viên trang trại rộng hơn 4 ha, chị Thúy chia sẻ: Khi chị quyết định từ bỏ công việc ổn định để lập trang trại phát triển chăn nuôi, nhiều người trong gia đình bất ngờ, trong đó, bố mẹ chị không đồng ý. Với lòng quyết tâm và sự ủng hộ của chồng, chị đã tự mày mò, học hỏi đầu tư mở chuồng trại chăn nuôi lợn.
Khởi nghiệp năm 2009 từ 10 con lợn nái, nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi kinh nghiệm và phòng bệnh tốt cho đàn lợn, năm ấy, đàn lợn nhà chị sinh sản và phát triển tốt. Lứa đầu tiên nuôi có lãi, chị Thúy càng có thêm động lực mở rộng quy mô chăn nuôi. Chị Thúy bàn với chồng dùng hết tiền lãi và vay thêm ngân hàng tiếp tục mở rộng chuồng trại, tăng số đầu lợn lên 50 con rồi 200 con lợn nái. Từ chỗ chỉ nuôi 100 con lợn thịt/lứa, dần dần chị nuôi tăng lên 500, rồi 1.000 con lợn thịt…
Tuy nhiên, nghề chăn nuôi luôn không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”. Năm 2017, giá lợn hơi xuống thấp kỷ lục, có thời điểm chỉ còn 16 nghìn đồng/kg, cùng với dịch lở mồm long móng trên đàn lợn diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh khiến gia đình chị thua lỗ.
Thời điểm đó, gia đình chị Thúy rất khó khăn, nhưng vì niềm đam mê, chị Thúy quyết tâm tìm giải pháp mới để chăn nuôi hiệu quả hơn. Chị đi tham quan học hỏi mô hình chăn nuôi hiệu quả trong và ngoài tỉnh, nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật qua sách báo, ti vi để có kinh nghiệm.
Nhận thấy việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là hướng đi hiệu quả, chị bàn với chồng tiếp tục vay vốn ngân hàng để đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín với quy mô lớn. Đến nay, gia đình chị đã xây dựng được 5 dãy chuồng và nuôi 250 lợn nái, 2.000 lợn thương phẩm theo quy trình VietGAP.
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trang trại chăn nuôi trại lợn, chị Thúy cho biết: Tất cả các dãy chuồng trại đều được xây dựng khép kín, tách biệt với bên ngoài để phòng dịch bệnh. Bên cạnh đó, để quản lý được đàn lợn, chị Thúy lắp đặt hệ thống camera giám sát đàn lợn 24/24 giờ. Nhờ nuôi đúng quy trình kỹ thuật, đàn lợn nái, lợn thịt đều sinh trưởng và phát triển tốt. Đặc biệt, trong "cơn bão" dịch tả lợn châu Phi vừa qua, gia đình chị Thúy vẫn duy trì được đàn lợn, không bị ảnh hưởng.
Để tiết kiệm chi phí đầu vào và kiểm soát dịch bệnh, chị Thúy chủ động thực hiện phối giống nhân tạo cho đàn lợn nái tại trang trại. Trang trại của gia đình chị Thúy là địa chỉ tin cậy cung cấp con giống an toàn cho người chăn nuôi trên địa bàn huyện Tam Đảo và các huyện lân cận.
Nhận định nuôi lợn với số lượng quy mô lớn, đồng nghĩa sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường, ngay từ đầu, chị Thúy đã đầu tư xây dựng hầm biogas, hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Chị Thúy chia sẻ: Để chăn nuôi đàn lợn đạt hiệu quả kinh tế cao thì ngoài yếu tố chọn giống lợn tốt thì việc phòng dịch và vệ sinh chuồng trại phải cực kỳ nghiêm ngặt. Theo định kỳ hàng tháng, gia đình chị tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho đàn lợn thịt và lợn con. Bên cạnh đó, chuồng trại luôn sạch sẽ, khô ráo và phun khử khuẩn sau mỗi đợt lợn xuất chuồng.
Chị Thúy cho biết, chăn nuôi theo kiểu nhỏ lẻ như gia đình và các hộ dân trước đây thường bị thương lái ép giá, nhiều rủi ro. Từ khi chuyển sang mô hình nuôi lợn khép kín và quy mô lớn, đầu ra của gia đình chị luôn được đảm bảo và ổn định. Mỗi năm, gia đình chị Thúy xuất bán ra thị trường hơn 2.000 lợn thương phẩm, hơn 500 lợn giống. Với giá lợn hiện nay, sau khi trừ chi phí, gia đình chị Thúy thu nhập 5-6 tỷ đồng. Bên cạnh việc nâng cao giá trị kinh tế cho gia đình, chị Thúy còn tạo việc làm cho gần 10 lao động có thu nhập ổn định với mức lương hơn 6-7 triệu đồng/người/tháng.
Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với trồng cây dược liệu, chị Thúy tiếp tục cải tạo đất đồi, đầu tư trồng thêm cây đinh lăng, kết hợp đào ao thả cá và nuôi ếch, nuôi gà… mỗi năm cho thu nhập thêm hàng trăm triệu đồng.
Ông Trần Chí Đông, Phó Bí thư Đảng ủy xã Minh Quang cho biết: Chị Nguyễn Thị Thúy là một trong những gương nông dân dám nghĩ, dám làm trong về phát triển kinh tế trên địa bàn xã. Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, chị Thúy còn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho các hội viên khác. Hiện chính quyền xã đang nghiên cứu, giới thiệu mô hình chăn nuôi của chị Thúy đến đông đảo bà con nông dân trên địa bàn xã đến tham quan, học tập kinh nghiệm và nhân rộng trong thời gian tới.
Với thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế gia đình, chị Thúy nhiều năm liền được UBND tỉnh Vĩnh Phúc, các cấp, các ngành trong tỉnh tặng Bằng khen, Giấy khen. Chị Nguyễn Thị Thúy vinh dự là một trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu của cả nước và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020”.