Lắp đạt giàn tạo ô-xy ao nuôi tôm ở huyện Trần Đề, Sóc Trăng. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN |
Phát triển sản phẩm chế biến sâu Đa dạng hóa sản phẩm là chiến lược mà các ngành hàng như lúa gạo, điều, tiêu, cá tra... đang hướng đến hiện nay. Ngành tôm muốn đứng vững và phát triển mạnh trong năm 2018, tiến tới kim ngạch đạt 10 tỷ USD vào năm 2025 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng phải phát triển sản phẩm chế biến sâu, tăng giá trị cho con tôm.
Để thực hiện gia tăng sản phẩm giá trị cao cho con tôm, bên cạnh sự trợ giúp của Chính phủ, các doanh nghiệp ngành tôm xác định phải tập trung vào các vấn đề căn bản. Đó là, quan tâm tối đa vấn đề an toàn hóa chất, kháng sinh để duy trì hình ảnh và bảo đảm khả năng cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới, tiến hành truy xuất nguồn gốc chặt chẽ đáp ứng yêu cầu của thị tường khó tính và giữ vững thị trường nội địa, tập trung cải tiến và đưa công nghệ vào chế biến làm tăng thêm tỷ trọng giá trị gia tăng để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh.
Đối với chiến lược nâng cao giá trị cho sản phẩm tôm, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng) chia sẻ, hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đều tập trung sản xuất, chế biến các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Đây cũng là xu hướng chung của một số thị trường nhập khẩu tôm hiện nay. Đáng chú ý, trong năm 2017 đã có 50% sản phẩm tôm thẻ chân trắng chế biến, giá trị gia tăng cao được xuất khẩu ra khắp thị trường thế giới như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc… Trước đây, thị trường châu Âu chủ yếu nhập khẩu tôm nguyên con, thì nay lại có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn các sản phẩm chế biến sẵn như tôm tẩm ướp gia vị, xiên que... Tỷ lệ này tiếp tục gia tăng trong năm 2018.
"Mặt khác, khi giá tôm nguyên liệu giảm, giá bán ra cũng giảm, thì các doanh nghiệp buộc phải đầu tư làm hàng chế biến sâu để gia tăng giá trị xuất khẩu. Điều này không chỉ mang lại giá trị cao gấp 2-3 lần so với việc xuất khẩu sản phẩm nguyên con, mà còn giúp doanh nghiệp tận dụng được những ưu đãi thuế liên quan đến vấn đề xuất xứ hàng hóa.", ông Lĩnh cho biết thêm.
Do vậy, nếu các doanh nghiệp chú trọng vào việc nâng giá trị gia tăng của con tôm thì chắc chắn tăng cơ hội cạnh tranh của sản phẩm không chỉ ở thị trường quốc tế, mà còn có thể cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu vào nội địa, giải quyết được sự hài hòa lợi ích của nông dân và doanh nghiệp ngành tôm.
Tận dụng lợi thế Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Dây chuyền chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty TNHH Chế biến thủy sản Minh Phú (Hậu Giang). Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trước dự báo nguồn cung nguyên liệu tăng trong năm 2018, con tôm Ấn Độ trở thành đối thủ cạnh tranh lớn của tôm Việt Nam. Bên cạnh đó, tôm Ecuador chiếm tỷ lệ 11% tổng giá trị tôm thế giới cũng đang có lợi thế được giảm thuế từ 5% xuống 2% vào Trung Quốc, và hưởng mức thuế giảm từ 3,6% xuống còn 0% vào thị trường châu Âu. Điều này bắt buộc con tôm Việt Nam phải vận động và tranh thủ nhiều hơn các lợi thế từ Hiệp định thương mại thế hệ mới, mới có thể nâng cao vị thế của mình.
Theo ông Vương Đức Anh, Đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, sau khi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Eu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, Việt Nam sẽ được giảm thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu và thuế xuất khẩu tôm chế biến vào châu Âu từ 6%-20% xuống còn 0%, vào các thị trường châu Á Thái Bình Dương từ 2%-10% xuống còn 0%. Cách duy nhất để Việt Nam hưởng ưu đãi về thuế theo các hiệp định này là tuân thủ các quy tắc xuất xứ, chỉ được thu mua hàng hóa của quốc gia nằm trong danh sách thành viên của hiệp định.
Như vậy, chi phí và giá thành sản xuất tôm nguyên liệu cũng như tôm chế biến sẽ giảm đáng kể, tăng khả năng cạnh tranh với nguồn cung lớn nhất thế giới hiện nay là Ấn Độ. Bởi Ấn Độ không thuộc thành viên của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đồng thời con tôm Ấn Độ đang mất lợi thế thâm nhập các thị trường khó tính, và bị châu Âu “để ý” do sử dụng kháng sinh quá mức, và phải đối diện với nguy cơ đe dọa cấm nhập khẩu tiếp theo từ phía châu Âu.
Một điều đáng chú ý nữa, Trung Quốc đã vượt Mỹ trong việc nhập khẩu con tôm Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2017, thị trường này đã nhập khẩu 420 triệu USD, đứng thứ 3 sau châu Âu và Nhật Bản về tiêu thụ tôm nguyên con và tôm chế biến của Việt Nam. Đây chính là thị trường tốt của Việt Nam trong năm 2018 trước nguồn cung thế giới tăng cao và nhu cầu mở rộng thị trường tiêu thụ tôm Việt Nam trong những năm tới.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đối với thị trường Australia, chỉ cần nguồn nguyên liệu chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc đảm bảo chặt chẽ, đáp ứng đúng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, thì con tôm Việt Nam lưu thông dễ dàng trên thị trường này, bởi các chính sách thuế quan về xuất nhập khẩu của Australia luôn tạo điều kiện thuận lợi cho mặt hàng tôm Việt Nam. Dự kiến, xuất khẩu tôm trong năm 2018 ước đạt 4,2 tỷ USD.
Như vậy, khi chính sách hỗ trợ ngành tôm được vận dụng đồng bộ với chiến lược phát triển của doanh nghiệp, nâng cao kỹ thuật sản xuất con tôm chất lượng cao, ngành tôm sẽ giữ vững thị trường tốt hơn trong tương lai.