"Thường đầu vụ giá lúa sẽ tăng cao hơn khi bắt đầu thu hoạch rộ. Vì vậy rút kinh nghiệm từ các năm trước, năm nay tôi quyết định gieo sạ sớm để có lúa bán sớm. Cứ tưởng tính như vậy là ăn chắc, ai dè càng vào vụ thì giá lúa lại càng tăng”, anh Khá cho biết.
Khảo sát của phóng viên cho thấy, hiện giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL đang bắt đầu tăng. Theo đó, liên tiếp mấy ngày qua, tại các chợ kinh doanh lúa gạo hay các cụm công nghiệp xay xát, giá lúa đã lên cơn sốt nhẹ. Tính đến thời điểm ngày 18/2, giá lúa tươi thương lái thu mua trên đồng khoảng 5.700 đồng/kg cho loại lúa Jasmine, từ 4.700 - 4.800 đồng/kg cho lúa IR50404. Riêng gạo OM5451 đã tăng lên ở mức 8.600 - 8.650 đồng/kg, gạo Jasmine loại 1 cũng từ 9.700 đồng/kg lên mức 9.900 - 10.000 đồng/kg...
Rất nhiều thương lái cho hay, dù đã bỏ cọc tiền mua lúa tăng thêm nhưng nhiều nhà nông đã hoàn trả lại tiền và "lật kèo" khi ra giá bán cao hơn. Trong vai trò trung gian mua bán lúa gạo, nhiều hợp đồng liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp có nguy cơ bị phá vỡ khi nông dân nhận thấy giá lúa cao nên bán ra ngoài cho thương lái và chấp nhận hoàn trả tiền lại tiền lúa giống, vật tư nông nghiệp mà doanh nghiệp đã ứng trước từ đầu vụ.
"Thời tiết thay đổi thất thường đã làm cho sâu bệnh nhiều hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất. Chỉ tính năng suất lúa đông xuân sớm năm nay đã giảm 35 - 40% so với năm 2016. Việc các doanh nghiệp thu gom hàng để kịp giao cho thương lái nước ngoài cũng góp phần giúp giá nội địa tăng lên. Trong khi đó đợt mưa trái mùa vừa qua cũng làm cho chi phí gia tăng khi nhà nông phải tốn thêm tiền thu hoạch vì diện tích lúa bị đổ ngã nhiều", ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhận định.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các tỉnh thành khu vực ĐBSCL đã xuống giống vụ đông xuân 2016 - 2017 ước khoảng hơn 1,5 triệu ha. Đến nay đã có khoảng 25.000 ha lúa được thu hoạch với năng suất trung bình đạt khoảng gần 6 tấn/ha. Dự kiến đến hết tháng 3/2017, vụ thu hoạch lúa đông xuân sẽ kết thúc và giá thu mua lúa sẽ trở lại ổn định khi nhà nông thu hoạch rộ vào thời gian cuối tháng 2.
Áp lực cạnh tranh
Kết thúc năm 2016, xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ thu về được gần 2,2 tỷ USD, giảm tới 22% so với năm 2015. Riêng về số lượng gạo xuất khẩu cũng ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua khi chỉ đạt 4,8 triệu tấn. Trái với không khí ảm đạm của năm cũ, năm 2017 dự báo của các ngành chức năng, hoạt động thương mại gạo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhu cầu tăng cao tại các thị trường châu Á và Trung Đông.
"Ngay đầu năm 2017, Việt Nam trúng thầu 11.580 tấn từ Philippines khi nước này quyết định mua hơn 53.000 tấn gạo nhằm gia tăng khối lượng dự trữ. Chính phủ hai nước cũng vừa đồng ý gia hạn thêm Thỏa thuận thương mại gạo giữa Việt Nam và Philippines tới năm 2018. Theo đó, Việt Nam sẽ cung cấp khoảng 1,5 triệu tấn gạo/năm cho Philippines. Điều này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vì thực tế, hiện khoảng 20% lượng gạo xuất khẩu của ta là sang nước bạn Philippines", ông Huệ cho biết.
Trước thông tin trong năm 2017, Thái Lan sẽ giải phóng hoàn toàn kho dự trữ gạo và sẽ nối lại hoạt động tổ chức các phiên đấu thầu đầu tiên ngay trong quí I, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang đứng trước áp lực cạnh tranh hơn.
Hiện tổng khối lượng thóc gạo dự trữ quốc gia của Thái Lan đang ở mức 8 triệu tấn, trong đó khoảng 3,2 triệu tấn không còn phù hợp với tiêu dùng của con người và có thể được dùng làm thức ăn chăn nuôi hoặc chế biến, hơn 1,8 triệu tấn chỉ phù hợp để sử dụng trong công nghiệp. Số còn lại phù hợp với tiêu dùng của con người, Chính phủ Thái Lan đã có kế hoạch đấu thầu ngay thời điểm đầu năm mới vì đây là thời gian phù hợp do toàn bộ lượng thóc gạo thu hoạch của vụ mùa mới đã được đưa ra thị trường.
"Kế hoạch của VFA trong năm nay, ngành lúa gạo sẽ xuất khẩu dự kiến hơn 5 triệu tấn, trong đó chưa bao gồm lượng gạo xuất khẩu qua đường tiểu ngạch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai nhiều giải pháp nhằm xúc tiến nhanh kế hoạch thực hiện lộ trình tháo gỡ các điểm nghẽn khi xuất khẩu gạo sang các thị trường chất lượng cao, giá cao. Lo ngại nhất của chúng ta vẫn là sức ép gạo giá rẻ đến từ Thái Lan tiếp tục khiến các bạn hàng truyền thống giảm bớt nhập khẩu gạo của chúng ta. Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, xây dựng thành công thương hiệu lúa gạo, đặc biệt phân khúc gạo cao cấp... vẫn là những giải pháp được ưu tiên thúc đẩy giải quyết trong thời gian tới", Giáo sư Võ Tòng Xuân cho hay.