Sau cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản hôm 21/7, cục diện chia rẽ giữa hai viện trong Quốc hội Nhật Bản đã bị phá vỡ. Do tới cuối năm 2016, nhiệm kỳ của các Hạ nghị sĩ Nhật Bản mới chính thức kết thúc, cho nên, truyền thông nước này đã ví ba năm tới là khoảng thời gian “hoàng kim” của Thủ tướng Shinzo Abe.Theo tờ “Tin tức Thế giới”, trong 3 năm tới, nếu ông Abe dồn toàn bộ tinh lực vào các vấn đề ngoài câu chuyện kinh tế như sửa đổi hiến pháp hòa bình, quyền phòng vệ tập thể, bảo đảm xã hội và chính sách điện hạt nhân, cái mà người dân “Đất nước Mặt trời mọc” nhận được không phải là trái ngọt của “kinh tế học Abe” (Abenomics) mà ngược lại là sự nhiễu nhương.
Ông Abe còn phải vượt qua nhiều chông gai để chính sách Abenomics về đích. |
Trên thực tế, dù là vấn đề kinh tế như chuyện nâng cao thuế tiêu dùng hay đàm phán gia nhập Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì nó cũng đủ trở thành thách thức làm ông Abe đau đầu. Do vậy, giới chức cấp cao trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông Abe lẫn người dân “Xứ sở Hoa Anh đào” đều cho rằng “thời khắc then chốt đối với chính phủ của ông Abe mới mắt đầu”.
Nhiều số liệu công bố gần đây cho thấy “ba năm hoàng kim” của ông Abe kỳ thực đã có sự khởi đầu tốt đẹp. Ngày 23/7, Nội các Nhật Bản công bố báo cáo kinh tế tháng 7, không chỉ nâng mức đánh giá kinh tế tháng thứ 3 liên tiếp, mà còn lần đầu tiên trong 10 tháng qua tái sử dụng cụm từ “hồi phục” để miêu tả tình hình kinh tế trong nước.
Sau đó ba ngày, cơ quan thống kê Nhật Bản công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6, nếu trừ đi sự đóng góp của thực phẩm đã tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2012. Chỉ số Giá tiêu dùng ở khu vực dịch vụ (CSPI) do Ngân hàng Nhật Bản công bố hôm 25/7 cũng cho thấy sự chuyển biến tích cực với mức gia tăng đạt 0,4%. Đây là mức tăng lớn nhất về CPI và CSPI của Nhật Bản kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới bùng nổ vào năm 2008, mang đến liều thuốc kích thích đối với việc thực hiện mục tiêu của mũi tên thứ nhất trong Abenomics - nới lỏng tiền tệ.
Tuy nhiên, về lâu dài, điều mà mọi người quan tâm chú ý nhất là mũi tên thứ ba của Abenomics – thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, nội dung quan trọng nhất là thông qua đàm phán TPP để thúc đẩy cải cách mở cửa trong nước. Ngày 23/7 vừa qua, Nhật Bản đã trở thành nước thành viên đàm phán TPP thứ 12.
Việc LDP giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện vừa qua được cho là đã tạo điều kiện thuận lợi để chính quyền của ông Abe loại bỏ được áp lực trong nước về vấn đề mở cửa thị trường nông nghiệp. Nhưng xem ra vấn đề không phải vậy. Bằng chứng là ông Abe đã phải cử một phái đoàn hùng hậu gồm 21 thành viên đến từ 6 bộ ngành, trong đó có cả nông nghiệp lẫn kinh tế và đại diện các tập đoàn lợi ích liên quan trong lĩnh vực nông nghiệp, thương nhiệp và năng lượng tham gia vòng đàm phán TPP thứ 18 ở Malaysia từ ngày 15-25/7 vừa qua.Ngoài ra, các Nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản cũng tới tận hiện trường để tỏ rõ quan điểm của cơ quan lập pháp nước này, hi vọng duy trì mức thuế bảo hộ đối với các sản phẩm nhạy cảm thuộc ngành nông, lâm, ngư nghiệp như gạo, tiểu mạch, thịt bò, chế phẩm sữa, đường… hoặc có thể loại bỏ vấn đề này ra khỏi đàm phán TPP. Bên cạnh nông nghiệp, tiến trình đàm phán TPP của Nhật Bản còn phải đối mặt với nhiều tiêu điểm gây tranh cãi khác như chính sách đầu tư, cạnh tranh, bản quyền trí tuệ, thương mại điện tử… Trong đó, mức độ bảo vệ bản quyền trí tuệ là vấn đề gây tranh cãi lớn nhất.
Một số nước đàm phán, bao gồm Nhật Bản, muốn đề ra quy phạm nghiêm ngặt hơn về bảo vệ bản quyền trí tuệ như kéo dài thời gian bảo vệ quyền tác giả thêm 20 năm hay mở rộng phạm vi hình sự hóa hành vi xâm phạm bản quyền tác giả. Nếu trở thành sự thật, việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh tế kinh tế mạng. Cũng vì lý do đó, hiện nay, các nước như Mỹ, Australia, Canada vẫn còn có cái nhìn khác nhau về mức độ bảo hộ bản quyền trí tuệ.Đối với Nhật Bản, yêu cầu của TPP còn buộc nước này phải cải cách chế độ giá dược phẩm, chế độ giá thiết bị y tế và chế độ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đây đều là các vấn đề có phạm vi động chạm lớn. Do đó, khó khăn càng chồng chất hơn. Thách thức đối với ông Abe trong “ba năm hoàng kim” tới đây vì thế không hề nhỏ. Như vậy, dù có bước khởi đầu tốt đẹp, nhưng ông Abe sẽ còn phải vượt qua rất nhiều chông gai để đưa “ba mũi tên Abenomics” về đúng đích của nó.Kỳ Đồng