Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, ngày 1/12, OPEC+ đã bắt đầu các cuộc thảo luận về tình hình thị trường hiện nay trước khi đưa ra quyết định liệu có nên "bơm" thêm dầu ra thị trường hay hạn chế nguồn cung, trong bối cảnh thị trường dầu thô chứng kiến những biến động lớn về giá và lo ngại về khả năng nhu cầu năng lượng yếu hơn do tác động của biến thể mới Omicron. Ngay sau khi các cuộc thảo luận của OPEC+ bắt đầu, hãng tin Reuters của Anh dẫn nguồn giấu tên cho biết liên minh này hiện không xem xét vấn đề thay đổi chính sách sản lượng.
Trước thềm các cuộc họp trong tuần này, hai nhà sản xuất lớn nhất trong OPEC+ là Nga và Saudi Arabia nói rằng không cần có "phản ứng tự động" để điều chỉnh chính sách sản lượng. Trong khi đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul Jabbar nhận định OPEC+ sẽ chỉ mở rộng chính sách sản lượng hiện nay trong ngắn hạn.
Kể từ tháng 8 vừa qua, OPEC+ đã bổ sung thêm 400.000 thùng/ngày vào nguồn cung toàn cầu, giữa lúc họ nới lỏng dần các mức cắt giảm kỷ lục được các thành viên thống nhất vào năm 2020 khi nhu cầu giảm sút do tác động của đại dịch COVID-19.
Ngay cả trước khi những lo ngại về biến thể mới Omicron nổi lên, OPEC+ đã cân nhắc những tác động của việc Mỹ và một số nước tiêu thụ lớn khác trong tuần trước thông báo về khả năng mở các kho dự trữ dầu khẩn cấp để hạ nhiệt giá năng lượng.
Báo cáo nội bộ của OPEC+ dự báo nguồn cung toàn cầu sẽ dư thừa 3 triệu thùng/ngày trong quý I/2022, sau khi các kho dự trữ nói trên được mở, cao hơn so với mức 2,3 triệu thùng/ngày dự báo trước đó. Báo cáo cho rằng nhìn chung, tác động của biến thể Omicron dường như chỉ liên quan đến nhiên liệu máy bay, đặc biệt là ở châu Phi và châu Âu, giữa lúc nhiều quốc gia không cho phép nhập cảnh du khách đến từ miền Nam châu Phi và một số quốc gia châu Âu áp đặt các hạn chế mới để phòng chống dịch COVID-19. Cũng theo báo cáo này, nhu cầu nhiên liệu trong ngành vận tải ở châu Âu cũng có thể bị ảnh hưởng.