Trong báo cáo hằng tháng, OPEC dự báo nhu cầu dầu sẽ giảm khoảng 6,9 triệu thùng/ngày, tức là 6,9% trong năm 2020, trong khi tháng trước, OPEC dự báo nhu cầu tăng nhẹ khoảng 60.000 thùng/ngày. Tính riêng trong tháng 4, OPEC dự báo nhu cầu sẽ giảm mạnh nhất, là 20 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, dự báo này vẫn chưa nghiêm trọng bằng dự báo mà Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra, theo đó nhu cầu trong tháng 4 sẽ giảm 29 triệu thùng/ngày và trong cả năm giảm 9,3 triệu thùng/ngày.
Báo cáo mới nhất nêu rõ: "Thị trường dầu mỏ hiện đang trải qua cú sốc lịch sử đột ngột, khắc nghiệt và trên quy mô toàn cầu". Theo OPEC, nguy cơ giảm vẫn rất lớn, vì vậy "có thể tiếp tục phải giảm sản lượng, nhất là trong quý II".
Trước đó, do nhu cầu sụt giảm, giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 18 năm qua, là 21,65 USD/thùng ngày 30/3. Để vực dậy thị trường, OPEC, Nga và các nước sản xuất dầu khác đã nhất trí thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục, tương đương khoảng 10% nguồn cung toàn cầu. Cụ thể, OPEC+ nhất trí cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu/ngày trong thời gian 2 tháng, từ tháng 5-6. Đây được coi là đợt cắt giảm sản lượng lớn nhất từ trước đến nay và các nước OPEC+ cũng sẽ tiếp tục từng bước cắt giảm sản lượng trong vòng 2 năm, cho đến tháng 4/2022.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13/4 cho biết nhóm OPEC+, có kế hoạch cắt giảm sản lượng cao hơn nữa, ở mức 20 triệu thùng/ngày. Ông Trump, người đã đóng vai trò trung gian cho thỏa thuận, cho hay sự nhất trí lần này lớn hơn dự kiến và sẽ giúp ngành năng lương phục hồi sau tác động của dịch COVID-19. Giải thích cho con số mà Tổng thống Mỹ đưa ra, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã cam kết cắt giảm khoảng 3,7 triệu thùng và lượng mua dự trữ chiến lược sẽ đạt tới khoảng 200 triệu thùng trong hai tháng tới, nâng tổng số dầu được cắt giảm trên thị trường lên tới 19,5 triệu thùng/ngày.