Từ câu chuyện dưa hấu của nông dân Quảng Ngãi bán với giá chỉ 1.000 đồng/kg trong khi tại Hà Nội, giá là 15.000 - 20.000 đồng/kg, nhiều ý kiến cho rằng, cần có những giải pháp then chốt và hiệu quả hơn đối với hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản ở nước ta.
Sản xuất theo tín hiệu thị trường
Không chỉ dưa hấu mà từ trước đến nay, rất nhiều loại hàng hóa nông sản đều gặp phải tình trạng tương tự khi tiêu thụ. Nông dân phải bỏ ra rất nhiều chi phí và công sức nhưng nông sản họ làm ra thì bị đem bán với giá “rẻ như cho”, thậm chí phải bỏ cho gia súc ăn. Câu chuyện không mới nhưng chưa bao giờ cũ này vẫn đang làm đau lòng không biết bao nhiêu người nông dân vốn chỉ trông chờ vào những mùa vụ nông sản.
Nông sản được bán với giá cao khi tới tay người tiêu dùng, trong khi nông dân - người tạo ra nông sản thì ít được hưởng lợi. Ảnh: Hoàng Dương |
Có nhiều nguyên nhân để giải thích cho hiện tượng này như sản xuất manh mún, thiếu tập trung, thiếu kế hoạch, không chủ động trong khâu chế biến… Nhưng nguyên nhân cốt lõi vẫn là do sản xuất manh mún, thiếu kế hoạch; đồng thời khâu phân phối hàng hóa có quá nhiều tầng nấc trung gian khiến giá cả hàng hóa bị đội lên nhiều lần khi đến tay người tiêu dùng. Trong đó, nông dân chắc hẳn là người thiệt thòi nhất.
Nhìn từ kinh nghiệm tại hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Đông Dư (Gia Lâm, Hà Nội), nơi có 100% đất trồng lúa được chuyển đổi sang trồng rau gia vị và cây ăn quả từ 10 năm qua, tại đây, người dân không sản xuất tràn lan (dù đầu ra của sản phẩm rất tốt) mà theo kế hoạch cụ thể. “20 ha trồng rau gia vị cho năng suất khoảng 300 - 400 tấn/năm và diện tích trồng này được giữ ổn định. Kế hoạch sản xuất do HTX nghiên cứu từ nhu cầu của thị trường, do đó rau sản xuất đến đâu bán hết đến đó, không có chuyện dư thừa bỏ đi”, ông Nguyễn Quang Huy, chủ tịch HTX cho biết.
Về giá thành, rau bán tại ruộng với giá khoảng 20.000 đồng/kg. Nông dân trao đổi, thỏa thuận về giá với các thương lái để rau bán ra thị trường với giá khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg, người tiêu dùng đỡ chịu thiệt. Đồng thời, ở Đông Dư rất ít xảy ra tình trạng thương lái ép giá nông dân do lượng rau cung ứng vừa đủ cho thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Mối liên kết chặt chẽ giữa khâu sản xuất với khâu lưu thông sẽ đảm bảo cho hàng hóa được tiêu thụ thông suốt. Nhưng một khi mối liên hệ này lỏng lẻo thì sẽ dẫn tới tình trạng mạnh ai nấy làm, sản xuất không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Vì vậy, khi nói về giải pháp cho sự bất cập trong phân phối nông sản ở Việt Nam, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, không thể tách rời hệ thống phân phối với quy hoạch, tổ chức sản xuất được.
“Quy hoạch, tổ chức sản xuất và hệ thống phân phối phải gắn bó chặt chẽ với nhau. Điều kiện cần và đủ để giải quyết tình trạng dư thừa nông sản là quy hoạch lại trồng trọt để cân bằng cung cầu hàng hóa, tránh tình trạng cung vượt cầu gây dư thừa hàng hóa”, ông Phú cho biết.
Cần chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ
Chuyện ứ đọng nông sản đang diễn ra ngày càng phổ biến cũng cho thấy nhiều “lỗ hổng” về chính sách hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ. Từ câu chuyện ứ đọng dưa hấu cũng có thể thấy rõ việc này. Theo các chuyên gia nông nghiệp, nhiều mặt hàng nông sản bị dư thừa là do ngành nông nghiệp chưa có quy hoạch hợp lý cho sản xuất, hoặc có quy hoạch nhưng các địa phương đã không giám sát thực hiện chặt chẽ. Thậm chí, có những mặt hàng (như dưa hấu) do không có sự điều tiết về sản xuất đối với từng vùng, từng địa phương nên bà con chủ yếu trồng tự phát. Qua một số vụ sản xuất, nông dân thấy giá dưa hấu tăng, nên ồ ạt tăng diện tích trồng. Năm 2014, khi thời tiết thuận lợi, sản xuất dưa hấu càng tăng mạnh khiến đầu ra gặp khó khăn.
Một nguyên nhân nữa, các loại nông sản thường thu hoạch theo vụ, tập trung trong thời gian ngắn. Vì vậy, nếu không có các chính sách hỗ trợ bảo quản nông sản sau thu hoạch thì cũnng sẽ rất bất lợi. Nông sản không có kho bãi để bảo quản thì không thể bảo quản với chất lượng tốt, thời gian tiêu thụ ngắn... nên rất dễ bị đối tác thu mua ép giá.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng Bộ môn Công nghệ sau thu hoạch (Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội), nông dân cần phải được hỗ trợ, định hướng thị trường tiêu thụ, áp dụng những công nghệ bảo quản phù hợp để giữ nông sản được lâu hơn chờ tới khi tiêu thụ. “Khi sản lượng thấp, nông sản có thể tiêu thụ tại chỗ nhưng khi sản lượng tăng bột phát thì không thể tiêu thụ kịp. Đồng thời, người dân cũng chỉ biết trồng và thu hoạch, còn khâu bảo quản sau thu hoạch thì đang còn “bỏ ngỏ”, khiến cho sản phẩm giảm chất lượng rất nhanh”, bà Thủy cho biết.
Quay trở lại với câu chuyện ở HTX Đông Dư, ông chủ tịch HTX cho biết tại đây, khâu sơ chế rau (cắt gốc, rửa, đóng gói...) sau thu hoạch rất quan trọng, góp tăng giá trị cho sản phẩm thêm khoảng 10%. Điều này rất quan trọng nhưng lại ít được người dân quan tâm. Công việc bảo quản thực phẩm sau thu hoạch có thể coi là một điểm yếu của nông dân nước ta, do đó việc hỗ trợ sản xuất của Nhà nước cần tập trung vào khâu này.
Cùng với đó, theo các chuyên gia nông nghiệp, chính sách hỗ trợ tiêu thụ cũng còn rất bất cập. Như với việc dưa hấu ứ đọng khi xuất khẩu sang Trung Quốc, vấn đề đặt ra Bộ Công Thương đã từng thông tin với người dân về sức tiêu thụ của mặt hàng này tại thị trường nội địa cũng như thị trường Trung Quốc hay chưa? Khi thị trường Trung Quốc khó khăn thì cơ hội cho hàng nông sản tại các thị trường khác, nhất là thị trường ASEAN ra sao?
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận xét: “Chuỗi liên kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa của chúng ta chưa có hoặc còn rất lỏng lẻo, tạo điều kiện cho các khâu trung gian hưởng lợi”. Theo ông, người nông dân sản xuất chỉ biết sản xuất mà không biết bán ở đâu, bán giá nào, bán thời điểm nào, bán cho ai. Ở đây, sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương với vai trò tổ chức, hỗ trợ, tạo cơ chế phối hợp là rất quan trọng. Cán bộ ở địa phương là người hiểu rõ nhất về khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện canh tác, giá trị của nông sản hàng hóa nên sẽ là người có thể quyết định chính xác việc liên kết với các doanh nghiệp và các địa phương khác ra sao. Trong chuỗi cung ứng hàng hóa đó, khâu phân phối sẽ đóng vai trò chủ chốt để đảm bảo người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng đều được hưởng lợi.
Theo ý kiến của vị chuyên gia này, việc thay đổi hệ thống phân phối thương mại của cả nước hiện nay nên bắt đầu từ tầm vĩ mô. Trước hết, Nhà nước cần nhận rõ tầm quan trọng đặc biệt của hệ thống phân phối quốc gia để xây dựng luật pháp, thể chế kinh doanh thương mại, cơ chế chính sách phát triển thông thoáng, bền vững. Từ đó, xây dựng kết cấu hạ tầng cho lưu thông hàng hóa bao gồm đường giao thông, cảng biển, kho dự trữ, sàn giao dịch hàng hóa, chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị, trung tâm thương mại... Đồng thời, tạo điều kiện cho sự liên kết giữa các vùng miền trong cả nước, có chính sách tạo ra những chuỗi phân phối trực tiếp nông sản từ sản xuất đến bán lẻ một cách hiệu quả nhất.
Về phía Bộ Công Thương, lãnh đạo Bộ cho biết sẽ tích cực tìm thị trường xuất khẩu, đồng thời kết nối đưa hàng hóa vào siêu thị hiện đại và cả chợ truyền thống nhằm đa dạng hóa đầu ra cho nông sản, từ đó, giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch như hiện nay.
Hoàng Dương - Thu Hồng