Sáng ngày 27/10, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài và UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị “ Phát huy sức mạnh cộng đồng doanh nghiệp kiều bào vì sự phát triển của TP Hồ Chí Minh - Nâng tầm sản phẩm Việt” nhằm tìm những giải pháp giúp nông sản Việt Nam rộng đường vào thị trường châu Âu.
Kiều hối về Việt Nam ngày càng tăng
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết:“UBND TP Hồ Chí Minh có mối liên hệ mật thiết với hàng ngàn kiều bào ở nước ngoài để hợp lực và cùng huy động cộng đồng doanh nghiệp kiều bào đóng góp cho phát triển kinh tế chung của TP Hồ Chí Minh. Có thể thây, khi kinh tế TP Hồ Chí Minh bị tác động bởi dịch COVID-19, cộng đồng kiều bào xa quê đã có nhiều đóng góp cho công tác phòng chống dịch bệnh cũng như những giải pháp cho sự khôi phục nền kinh tế TP Hồ Chí Minh. Song song đó, TP Hồ Chí Minh cũng luôn kêu gọi kiều bào về nước đầu tư xây dựng quê hương, đất nước. Cụ thể, trong năm 2019, lượng kiều hối về TP Hồ Chí Minh đạt 5,3 tỷ USD, chiếm khoảng 1/3 lượng kiều hối của cả nước. Đáng chú ý, khoảng 70% kiều hối về TP Hồ Chí Minh được đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh, 20% cho bất động sản và 10% trong các lĩnh vực khác. Năm 2020, dù dịch bệnh COVID-19 đã tác động đến nền kinh tế thành phố nhưng 9 tháng qua, lượng kiều hối chuyển về TP Hồ Chí Minh vẫn đạt 4 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ và dự kiến đến cuối năm 2020, kiều hối đạt 5,5 tỷ, tăng 0,82% so với năm 2019”.
Trong khi đó, ông Lương Thanh Nghị, Phó chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại Giao), cho biết hiện nay có hơn 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc, học tập hơn 135 quốc gia và lãnh thổ đã hội nhập vào đời sống mọi mặt của nước sở tại. Mặc dù tác động của đại dịch COVID-19, nhưng hoạt động kinh tế của doanh nghiệp ở nước ngoài cũng có những dấu hiệu tích cực và đóng góp không nhỏ cho hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt, dù ở đâu thì kiều bào vẫn luôn hướng về nước nhà và mong có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, đất nước. Tính từ năm 1990, với chủ trương mở rộng cửa đón kiều bào về đầu tư tại Việt Nam, lượng kiều hối đã đổ về Việt Nam ngày càng tăng. Theo đó, đến nay lượng kiều hối đổ về Việt Nam đạt 170 tỷ USD, riêng 2019 đạt 17 tỷ USD. Dự báo năm 2020, lượng kiều hối sẽ giảm 20-30% so với cùng kỳ 2019 do tác động của đại dịch COVID-19.
“Thực tế, bà con kiều bào đang đầu tư kinh doanh ở Việt Nam khá hiệu quả. Nhiều doanh nhân Việt kiều sau mấy năm về nước nay đã có những nhà máy lớn, những công ty có nguồn vốn đầu tư tính bằng hàng ngàn USD. Từ năm 1990 đến nay, kiều bào về Việt Nam đầu tư khoảng 3.000 dự án, tổng vốn đăng kí khoảng 4 tỷ USD và đã, đang tạo ra hàng ngàn việc làm cho lao động tại các địa phương. Không chỉ các nhà đầu tư quay về Việt Nam đầu tư, có nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng đã quay về để cùng đóng góp cho sự phát triển của nền tri thức Việt Nam. Hàng năm, có khoảng 500 chuyên gia, nhà khoa học về nước cộng tác với Chính phủ, viện, bộ... và các tỉnh, thành địa phương để thực hiện các công trình nghiên cứu, các hoạt động thiết thực đóng góp cho nền khoa học, tri thức Việt Nam”, ông Lương Thanh Nghị cho biết thêm.
Theo ông Lương Thanh Nghị, dù chịu tác động của dịch bệnh nhưng kiều bào vẫn cố gắng duy trì lượng kiều hối để gửi về cho người thân hoặc đầu tư mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, để duy trì lượng kiều hối gửi về Việt Nam để đầu tư cho các hoạt động sản xuất, Việt Nam cần có những chính sách thông thoáng hơn. Cụ thể, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, các ngân hàng có thể tính đến việc giảm chi phí về chuyển tiền, thực hiện đơn giản hóa quy trình cho các doanh nghiệp chuyển kiều hối cho đầu tư sản xuất, đồng thời cần đảm bảo chuyển tiền nhanh, thuận lợi,giảm rắc rối thủ tục đối với người nhận kiều hối để kiều bào an tâm chuyển tiền đến tận nhà cho người dân, hạn chế chi phí, đi lại.
Đưa hàng hóa Việt hội nhập sâu rộng
Chịu tác động của dịch bệnh COVID-19, nhưng Việt Nam cũng đã kí được những hiệp định thương mại lớn như Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng, sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU được kí kết hàng hóa, Việt Nam vẫn khó vào thị trường châu Âu, thị phần hàng Việt Nam tại EU còn khiêm tốn so với tiềm năng của Việt Nam và so với hàng hóa của các nước khác.
Ông Lương Thanh Nghị dẫn chứng, hàng hóa Việt Nam dù không thua kém về chất lượng với các nước khác nhưng vẫn khó xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Nguyên nhân do doanh nghiệp Việt Nam chưa tìm hiểu kỹ thị hiếu người tiêu dùng sở tại, thị trường, luật pháp… nên hàng hóa chưa thu hút khách hàng châu Âu. Thứ hai, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tập trung vào khâu phân phối mà chưa chú trọng vào khâu quảng bá, maketing cho sản phẩm; nguồn cung hàng hóa Việt Nam không ổn định, chất lượng và số lượng cũng tương tự. Chưa kể, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào châu Âu đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp gia đình nên còn hạn chế về tài chính, năng lực pháp lý khi phát triển ở thị trường lớn như châu Âu.
Chia sẻ thông tin hỗ trợ đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập các thị trường nước ngoài, ông Jean - Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM),cho biết Hiệp hội có khoảng 1.040 thành viên. Khi các Hiệp định thương mại được ký kết, Hiệp hội vẫn luôn đảm bảo hàng hóa hai nước được giao thương bình đẳng, đối xử công bằng. Ngoài ra, hiệp hội cũng có vai trò mắt xích trong kết nối giữa các doanh nghiệp châu Âu với các doanh nghiệp Việt Nam để thực hiện nhiều hội nghị, hội thảo, giúp các doanh nghiệp hai bên có cơ hội gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Nhờ vậy, đã có một số doanh nghiệp Việt xuất khẩu được xoài, vú sữa, thanh long… qua thị trường Pháp, Đức, Mỹ…
Tương tự, một doanh nhân Việt Kiều Đức cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập thị trường nước ngoài cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng mẫu mã, bao bì theo từng quy chuẩn của mỗi nước. Đặc biệt, cần chú trọng các khâu quảng bá sản phẩm tại các thị trường hướng đến, những doanh nghiệp nhỏ và vừa cần liên kết với nhau để có những sản phẩm đặc trưng.