Phát triển theo chiều rộng đã tới hạn
Cuối năm 1986, sản xuất nông nghiệp Việt Nam có nguy cơ chững lại và sa sút. Chính thời điểm đó, Đại hội VI của Đảng (12/1986) đã thông qua đường lối đổi mới toàn diện và triệt để với tinh thần “Cách mạng và khoa học”. Sau đó, tháng 4/1988, Bộ Chính trị cho ra đời Nghị quyết 10 (gọi tắt là khoán 10), đã tạo ra một bước nhảy thần kỳ, giải phóng tiềm năng to lớn của kinh tế hộ, tạo ra một sức bật ngoạn mục cho sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam. Việt Nam từ một nước thiếu lương thực triền miên vươn lên thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tới nay nay đã có hơn 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, nông nghiệp cũng là ngành duy nhất xuất khẩu được trên 30 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, sau gần 30 năm phát triển theo chiều rộng, nền nông nghiệp Việt Nam dường như đã tới hạn, tăng trưởng giảm dần. Trong giai đoạn 1996 - 2000, ngành nông nghiệp tăng trưởng là trên 4%, đến giai đoạn 2001 -2006 còn 3,83%, tiếp đến giai đoạn 2006 - 2010 chỉ còn 3,03% và giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân 3,0%/năm. Đặc biệt, có tới 90% nông sản Việt Nam vẫn xuất khẩu theo dạng thô.
Cánh đồng mẫu lớn ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương – TTXVN |
Bên cạnh đó, việc sản xuất manh mún khiến chất lượng sản phẩm nông nghiệp không đồng đều, quản lý kém khiến thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, kháng sinh… được sử dụng tràn lan, việc này không chỉ gây hại cho người dân mà còn ảnh hưởng tới uy tín của Quốc gia. Điều đó cho thấy, việc giải phóng nội lực của nông dân theo chiều rộng đã đến mức tới hạn, cần phải có chính sách mới để phát huy nội lực của nông dân theo chiều sâu, tức là chú trọng nâng cao chất lượng hàng nông sản, tạo ra các thương hiệu để không bị thua trên sân nhà và xuất khẩu mang lại giá trị cao hơn.
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt, trong giai đoạn mới, nền nông nghiệp Việt Nam đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém, bất cập. Trước hết, đó là quá trình hội nhập mạnh mẽ, khiến nền nông nghiệp sản xuất theo hướng nhỏ lẻ, thiếu tập trung không đáp ứng được yêu cầu thị trường, từ chất lượng, mẫu mã tới vệ sinh an toàn thực phẩm rõ ràng còn hạn chế, bất cập. Nguyên nhân là do việc tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được quá trình sản xuất hàng hóa để hội nhập, khâu quản lý sản xuất của nông dân mang tính tự phát, không có sự liên kết với nhau và với các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý.
Thực tế, hiện nay Việt Nam có khoảng 10 triệu hộ nông dân. Do vậy, việc tái cơ cấu lại nền nông nghiệp không thể loại bỏ họ được. Vì vậy, thay vì chuyển đổi nông dân sang làm công nhân thì chúng ta có thể liên kết họ lại, tạo ra các cánh đồng lớn, cùng quy trình sản xuất theo hướng công nghiệp.
Nông dân Vũ Trọng Trung, Thủy Nguyên, Hải Phòng cho biết: Diện tích đồng ruộng của nông dân đa số là nhỏ lẻ từ 0,3 -0,8 ha/hộ, tuy nhiên chúng tôi vẫn đang cùng sản xuất một giống lúa, công chăm sóc gần như nhau theo sự hướng dẫn của hợp tác xã nông nghiệp. Nếu được cùng liên kết với nhau, sau đó ký hợp đồng với doanh nghiệp là điều đáng mừng. Vì hiện nay, làm nông nghiệp đa số là người già, người không thoát ly được. Vì vậy, nếu doanh nghiệp giúp đỡ nông dân thu hoạch, bao tiêu sản phẩm thì chúng tôi sẽ giảm bớt được nhiều chi phí thuê cấy, gặt và sẽ yên tâm sản xuất hơn”.
Liên kết ngang, liên kết dọc
Hiện nay, diện tích trung bình của mỗi hộ nông dân là 0,3 - 0,8 ha/hộ, diện tích này quá nhỏ bé để xây dựng thương hiệu nông sản, nhưng nếu biết kết hợp lại tạo thành những khu sản xuất lớn thì việc xây dựng thương hiệu không khó.
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, trong quá trình tái cơ cấu, chúng ta phải chấp nhận sự tồn tại của các hộ nông dân một cách lâu dài, cũng không thể nói đổi mới là chuyển các lao động nông nghiệp sang lĩnh vực khác được ngay. Do vậy, phải liên kết họ lại với nhau để tạo ra các hợp tác xã tự nguyện, để người nông dân không mất đất, yên tâm sản xuất, họ sẽ gắn kết với nhau theo điều lệ của hợp tác xã kiểu mới.
Ông Huỳnh Văn Thòng, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời (Trước đây là Công ty Bảo vệ thực vật An Giang) là người đi tiên phong trong việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn với 75.000 ha đã được liên kết. Ông Thòng cho biết, yếu tố mấu chốt là niềm tin giữa hai nhà nông dân và doanh nghiệp, và khi có kết quả tốt thì đó là sự vững tin. Từ đó, hạt gạo Việt Nam đã chinh phục được những thị trường lớn như châu Âu, khó tính, khắt khe như Mỹ, Nhật... gạo Hạt Ngọc Trời - Thiên Long đã là một trong 3 loại gạo ngon nhất thế giới.
Anh Nguyễn Văn Liêu, một nông dân sản xuất giỏi ở ấp Trà Cú, xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa, Long An cho biết, hiện gia đình tôi đang có 14 ha trồng lúa, bên cạnh đó tôi còn liên kết với 500 ha của các nông dân khác. Chúng tôi được doanh nghiệp giúp từ khâu giống, phân bón và thu hoạch. Sau thu hoạch, việc liên kết với doanh nghiệp giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn.
Còn theo ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, các mô hình liên kết này đã giúp doanh nghiệp tích tụ được ruộng đất, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Nông dân làm theo định hướng rõ của doanh nghiệp nên họ cảm thấy yên tâm và doanh nghiệp cũng giúp nông dân rất nhiều về công nghệ, khoa học.
Bên cạnh đó, theo TS Nguyễn Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, trong xây dựng chuỗi giá trị, bản thân doanh nghiệp khó có thể tiếp cận hết các hộ nông dân nhỏ lẻ. Do vậy, họ sẽ ký hợp tác thông qua tổ chức trung gian là các hợp tác xã hoặc các hình thức kinh tế hợp tác. Khi đó, vai trò của cả hai phía được nâng lên, phía doanh nghiệp cũng có đầu mối để giao dịch, tiết kiệm rất nhiều chi phí, ngân hàng, khuyến nông cũng thuận tiện hơn.
Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến, nông lâm thủy sản và nghề muối cho rằng, xây dựng thương hiệu bắt buộc phải có vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp vừa và lớn mới có đủ tiềm lực tài chính để ký hợp đồng bao tiêu với nông dân. Do đó, cần có cơ chế chính sách giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để xây dựng thương hiệu nông sản.
Để ra được khoán 10, Việt Nam đã mất 20 năm chuẩn bị. Để tạo nên được nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Việt Nam cũng cần phải có quá trình thay đổi từ nhận thức tới tổ chức thực hiện. Trước hết là thay đổi nhận thức của nhà quản lý, tới doanh nghiệp và đặc biệt là các hộ nông dân. Cần “cởi trói” dần dần cho tất cả các thành phần trong chuỗi liên kết thì mới mong nông nghiệp bứt phá trong giai đoạn mới.