Tuy nhiên, ngành dừa vẫn rất cần một chiến lược tổng thể, quy hoạch phù hợp, đảm bảo sự phát triển trong dài hạn, mang lại lợi ích cho cả nông dân và doanh nghiệp chế biến.
Phát triển công nghiệp chế biến
Nhà máy thạch dừa Vinacoco của Công ty cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food) được thành lập vào năm 2016 và hiện là nơi chế biến, cung cấp nguyên liệu thạch dừa lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 11.000 m2 tại khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai với công suất chế biến 20.000 tấn thạch dừa mỗi năm. Sản phẩm thạch dừa của Vinacoco đang cung cấp cho các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành F&B tại Việt Nam và xuất khẩu đến 20 quốc gia trên thế giới; trong đó, có nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm G.C cho biết, mỗi năm, Vinacoco có thể tiêu thụ khoảng 6 triệu lít nước dừa, tương đương bao tiêu khoảng 250 ha dừa từ vùng nguyên liệu Bến Tre. Các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra tỷ lệ về khối lượng của các sản phẩm chế biến thô từ dừa/1.000 trái dừa thu được các thành phẩm gồm 378 kg cơm dừa trắng, 270 lít nước dừa, 200 kg gáo dừa, 1.000 cái vỏ dừa và 48kg vỏ lụa.
Trong số đó, Vinacoco sử dụng nước dừa để chế biến thạch dừa. Các doanh nghiệp hợp tác với Vinacoco sẽ thực hiện chế biến sâu từ phần cơm dừa và các bộ phận khác. Nhờ chế biến sâu, giá trị trái dừa đã được tăng gấp nhiều lần giúp ổn định đời sống cho người dân sống bằng nghề trồng dừa và giải quyết việc làm cho lao động địa phương, góp phần ổn định hệ sinh thái vùng nông thôn, chống biến đổi khí hậu.
Theo ông Nguyễn Văn Thứ, nhu cầu với sản phẩm thạch dừa hiện nay trên thế giới là rất lớn bởi nhiều giá trị mà sản phẩm này mang lại. Chính vì vậy, Vinacoco đang có kế hoạch tăng gấp đôi công suất để phục vụ các đơn hàng xuất khẩu trong năm 2024 -2025, chủ yếu đi các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Trung Quốc.
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) là một trong số ít công ty chế biến đa dạng sản phẩm từ trái dừa được đặt tại thủ phủ dừa Bến Tre. Bà Trần Quế Trang, Tổng giám đốc Betrimex cho biết, doanh nghiệp đã được UBND tỉnh Bến Tre thành lập từ năm 1976 nhưng chủ yếu chế biến cơm dừa với công nghệ thô sơ. Đến năm 2015 Betrimex đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất nước dừa và sữa dừa với dây chuyền công nghệ Tetra Pak tại thành phố Bến Tre. Đây là nơi cho ra đời rất nhiều dòng sản phẩm chế biến giá trị cao như nước dừa tươi đóng hộp, sữa dừa, dầu dừa ép lạnh, cốt dừa cô đặc, cơm dừa sấy… xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới.
Bà Trần Quế Trang nhận xét, sản phẩm từ dừa đang rất được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng bởi giá trị dinh dưỡng cao, là nguồn bổ sung chất béo lành mạnh cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Cùng với xu hướng tiêu dùng thực phẩm tự nhiên, thuần chay, nhu cầu sản phẩm chế biến từ dừa càng tăng cao. Việt Nam có điều kiện tự nhiên để phát triển diện tích trồng dừa chuyên canh. Ngành công nghiệp chế biến dừa cũng được định hình với một số nhà máy có công nghệ hiện đại, đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm giá trị gia tăng. Tuy nhiên dư địa thị trường vẫn còn rất lớn, nếu biết cách tiếp cận hiệu quả sẽ còn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho nhà máy chế biến, Betrimex triển khai liên kết với các hợp tác xã, nông dân tại một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác và làm chứng nhận dừa hữu cơ. Nông dân trong vùng liên kết được ký hợp đồng thu mua dừa theo từng năm với giá bằng hoặc cao hơn thị trường, đảm bảo mức thu nhập và lợi nhuận ổn định.
Cần được quy hoạch bài bản
Ngoài các doanh nghiệp chế biến cơm dừa, nước dừa, hệ sinh thái ngành dừa còn có nhiều cơ sở chế biến hàng thủ công mỹ nghệ từ vỏ gáo dừa, gỗ dừa, xơ dừa…góp phần tăng thêm giá trị kinh tế cho cây dừa và giải quyết vấn đề môi trường. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, sự phát triển của ngành dừa những năm qua hầu hết dựa đang vào sự chủ động của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhìn thấy nhu cầu thị trường, nhìn thấy cơ hội và tự tìm đến liên kết với nông dân để xây dựng chuỗi giá trị.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Giám đốc Truyền thông G.C Food cho biết, nhu cầu thị trường đối với sản phẩm dừa ngày càng tăng, đặc biệt ở các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Trung Đông. Dù vậy, để đầu tư một nhà máy chế biến dừa đạt chuẩn xuất khẩu cần nguồn vốn ban đầu lớn, thời gian thu hồi vốn lâu nên khá kén nhà đầu tư, nhất là giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay.
Hơn nữa, việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy chế biến phải đáp ứng được cả hai tiêu chí gần vùng nguyên liệu và có hạ tầng giao thông, logistics thuận tiện việc vận chuyển, bảo quản sản phẩm. Tuy nhiên, hiện các địa phương có diện tích dừa lớn (chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long) thì hệ thống logistics còn hạn chế, chi phí vận chuyển hàng hoá cao.
Trong khi đó, muốn nâng cao giá trị kinh tế từ cây dừa cần tập trung chế biến sâu tất cả các sản phẩm từ trái dừa và phụ phẩm. Hiện nay, ngoài một số doanh nghiệp lớn đầu tư chế biến nước dừa, cơm dừa thì phần còn lại như xơ dừa, gáo dừa, gỗ dừa mới được sử dụng chế biến một phần với công nghệ thô sơ. Trong bối cảnh nhiều quốc gia cho phép nhập khẩu chính ngạch trái dừa tươi Việt Nam, nhiều doanh nghiệp chế biến lo ngại xảy ra tình trạng “chảy máu” dừa thô hoặc sản phẩm sơ chế với giá thấp, trong khi doanh nghiệp chế biến trong nước không có đủ nguyên liệu cho sản xuất. Do đó, chiến lược xuất khẩu dừa cần ưu tiên sản phẩm chế biến sâu, có hàm lượng giá trị gia tăng cao - bà Trần Quế Trang phân tích.
Song song đó, để duy trì, mở rộng diện tích trồng dừa chuyên canh, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu thì việc tổ chức liên kết vùng nguyên liệu, cam kết thu mua dài hạn cho nông dân là vô cùng quan trọng. Để làm được điều này, cơ quan quản lý nhà nước và từng địa phương phải có quy hoạch vùng trồng dừa cụ thể, hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, hướng dẫn kỹ thuật canh tác bền vững để giảm bớt áp lực lên doanh nghiệp.
Hiện tại, theo đánh giá của các doanh nghiệp, dư địa cho ngành dừa hiện vẫn còn rất lớn, nhu cầu thị trường với các sản phẩm từ dừa ngày càng tăng và còn nhiều giá trị từ cây dừa chưa được khai thác hết. Với việc được công nhận là cây công nghiệp chủ lực theo Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 gồm các cây cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa thì nhiều doanh nghiệp kỳ vọng ngành dừa sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ phía các quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng chiến lược, quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định, bền vững.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tích cực đầu tư cho hạ tầng giao thông, logistics nội vùng và liên vùng giúp việc thu mua, vận chuyển dừa nói riêng, nông sản nói chung thuận lợi. Từ đó, doanh nghiệp sẽ yên tâm đầu tư nhà máy chế biến, mở rộng chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng dừa; nâng cao kim ngạch xuất khẩu và hướng tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dừa Việt Nam.