Hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý nhà nước về các lĩnh vực khoa học và công nghệ, tài nguyên và môi trường của Trung ương và một số tỉnh, thành phố tham dự hội thảo. Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình Festival Biển Nha Trang – Khánh Hòa lần thứ 9 đang diễn ra và do Công ty Yến sào Khánh Hòa, đơn vị dẫn đầu cả nước về nghiên cứu khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực yến sào, đăng cai tổ chức.
Theo báo cáo tại hội thảo, trong 10 năm trở lại đây, nghề nuôi yến trong nhà để lấy tổ với mục đích thương mại đã phát triển mạnh mẽ. Cả nước hiện có 42 tỉnh, thành phố hình thành và phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà với tổng số trên 8.540 nhà yến; nhiều nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiếp đến là khu vực Đông Nam bộ, khu vực duyên hải miền Trung.
Đến cuối năm 2018, sản lượng yến sào của cả nước đạt khoảng 63.400 kg. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học, như quy trình kỹ thuật ấp nở chim yến nhân tạo, dẫn dụ chim yến, kỹ thuật xây nhà nuôi yến… ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người nuôi.
Bên cạnh đó, việc bảo tồn, phát triển các đàn chim yến sống trên các đảo tự nhiên đã được chú trọng, với sản lượng khai thác năm 2018 đạt khoảng 4.500kg. Chỉ riêng vùng duyên hải Nam Trung bộ, nơi tập trung phần lớn các đàn chim yến tự nhiên, đã có 223 hang yến đảo tự nhiên.
Tại hội thảo, 33 bài tham luận của các nhà khoa học và nhà quản lý với nhiều gốc độ phân tích, đánh giá, đã nhìn nhận tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến của nước ta là rất lớn, khi bờ biển dài trên 3.440 km (kể cả các đảo), có gần 4.000 hòn đảo và nhiều dãy núi nhô ra biển hình thành các eo vịnh, đầm phá, là những lợi thế để phát triển quần thể chim yến Hàng.
Tuy nhiên, ngoài lợi thế về tự nhiên, các nhà khoa học trong nước cần tăng cường nghiên cứu về kỹ thuật để khai thác, phát triển nghề nuôi chim yến, mang lại hiệu quả kinh tế cho các địa phương. Ngoài ra, Việt Nam cần phải tiến hành quy hoạch các vùng nuôi chim yến trong cả nước, đồng thời có những giải pháp đồng bộ về thể chế quản lý, chính sách ưu tiên phát triển, công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Trọng - Phó cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng Việt Nam cần có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nuôi chim yến đảo, gắn với phát triển kinh tế biển và bảo vệ quốc phòng an ninh biển, đảo. Nhiều ý kiến cho rằng chính quyền các tỉnh, thành phố cần có định hướng, tiến hành quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cho nghề nuôi chim yến tại địa phương.
Điều đáng quan tâm là tại hội thảo, có đến 3 tham luận của các nhà khoa học đề cập đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sự phát triển của quần thể chim yến tại Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Cử (Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học), Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Các công trình nghiên cứu gần đây cho thấy chim yến đảo thiên nhiên và nuôi trong nhà là một trong nhóm loài sinh vật dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, đặt ra nhiều trách nhiệm cho các nhà nghiên cứu khoa học tìm ra các giải pháp để thích ứng.