Các khu kinh tế (KKT) ven biển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Trong những năm qua, việc xây dựng các trung tâm kinh tế lớn vùng duyên hải mà hạt nhân là các KKT ven biển cũng nhằm tạo động lực phát triển KT - XH cho các vùng, hướng đến mục tiêu tới năm 2020, kinh tế biển đóng góp từ 53 - 55% tổng GDP và 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, để các KKT ven biển phát huy được thế mạnh, có bước đột phá, đóng vai trò động lực trong việc phát triển như mục tiêu đề ra, vẫn còn không ít những bất cập, hạn chế cần khắc phục trong quá trình phát triển.
Động lực thúc đẩy phát triển
KKT có vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của đất nước, trong đó các KKT ven biển đã tạo ra những chuyển biến, sức bật mới của đất nước. Khởi đầu từ KKT mở Chu Lai (năm 2003), chỉ sau chưa đầy 10 năm, Việt Nam hiện đã có 15 KKT ven biển từ Vân Đồn (Quảng Ninh) đến Năm Căn (Cà Mau). Gần đây, ba KKT biển mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt kế hoạch chuẩn bị triển khai là KKT Đông Nam Quảng Trị, KKT ven biển Thái Bình và KKT Ninh Cơ - Nam Định.
Kiểm tra thiết bị phòng chống cháy nổ nhằm đảm bảo an toàn cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Thanh Long - TTXVN |
Theo quy hoạch, 18 KKT ven biển có tổng diện tích mặt đất và mặt nước hơn 730.000 ha, tương đương với khoảng 2,2% tổng diện tích của cả nước. Đến hết năm 2010, tổng vốn đầu tư hạ tầng của các KKT lên đến gần 170.000 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư nước ngoài 130.000 tỷ, trong nước 40.000 tỷ đồng). Nhiều KKT đã cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch, thu hút khoảng 130 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 25 tỷ USD và 650 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư gần 537.000 tỷ đồng. Đặc biệt, đây cũng là nơi thu hút các nguồn lực và tiếp thu khoa học công nghệ để tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh trong khu vực và trên quốc tế, nhất là tạo ra những sản phẩm mang tính đột phá, không những phục vụ trong nước mà còn xuất khẩu.
Đã có nhiều KKT thật sự đóng vai trò động lực quan trọng đối với sự phát triển KT - XH ở địa phương và tác động tích cực đến kinh tế đất nước, như KKT mở Chu Lai đã làm thay đổi tích cực diện mạo kinh tế của tỉnh Quảng Nam, tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển công nghiệp ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ngoài giải quyết cho hàng nghìn lao động có việc làm ổn định, nguồn thu ngân sách KKT Chu Lai năm 2010 đạt gần 2.500 tỷ đồng, dự kiến năm 2011 đạt 3.500 tỷ đồng và năm 2015 là 4.000 tỷ đồng. Hay như tại Quảng Ngãi, nguồn ngân sách thu từ KKT Dung Quất năm 2010 đạt 14.000 tỷ đồng, tăng 28 lần so với năm 2005 và năm 2011 dự kiến đạt 20.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có nhiều KKT đã phát huy được thế mạnh và thu hút được một số dự án công nghiệp lớn, được nhìn nhận như là một yếu tố động lực của nền kinh tế, như KKT Vũng Áng, Nghi Sơn, Vân Phong...
Thách thức vốn và cơ chế
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, những con số trên thực sự chưa tương xứng với tiềm năng của một quốc gia có lợi thế về biển như Việt Nam. So sánh với một số nước có biển trong khu vực, giá trị hoạt động của kinh tế biển Việt Nam chỉ bằng 24% của Trung Quốc, 14% của Hàn Quốc và 1% của Nhật Bản.
Đánh giá về thực trạng kinh tế biển của Việt Nam, TS Bùi Tất Thắng (Viện Chiến lược Phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Nhìn chung nhiều KKT biển gần như chưa có chuyển động đáng kể, nếu có cũng chỉ ở tầm phạm vi kinh tế của một tỉnh. Các KKT biển cũng chưa tạo được tính liên kết vùng và liên kết với nhau nên chưa tạo được sự hậu thuẫn đủ lớn để phát triển.
Thừa nhận về những hạn chế trong đầu tư phát triển KKT thời gian qua, ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho rằng: Việc quy hoạch, thành lập một số KKT chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển, còn mang tính cục bộ, chưa được xem xét một cách tổng thể hài hòa lợi ích quốc gia cũng như chưa thực sự phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển của địa phương. Trong các KKT đã được phê duyệt, có cả một số KKT không đáp ứng được ba tiêu chí cơ bản để phát triển hiệu quả là: Có dự án động lực, có cảng biển nước sâu và có sân bay.
Một trong những thách thức lớn nhất với các KKT biển là vốn đầu tư. Với 15 KKT biển hiện có, năm 2011 tổng vốn đầu tư của ngân sách trung ương cho các KKT biển mới chỉ có 8.756 tỷ đồng so với kế hoạch đặt ra là 40.000 tỷ đồng. Nguồn vốn mới chỉ tập trung vào các KKT chính như Chu Lai, Dung Quất, Vũng Áng... Các KKT khác chỉ được đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương và vốn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nên chưa đáp ứng được nhu cầu.
Cùng với tình trạng đầu tư phân tán, việc chưa có cơ chế chính sách ưu đãi mang tính đột phá, cụ thể, nhất quán áp dụng cho phát triển KKT cũng là nguyên nhân khiến KKT phát triển chưa theo đúng mục tiêu đề ra và chưa thu hút được đầu tư nước ngoài và trong nước vào KKT, nhất là các dự án có quy mô lớn và quan trọng. Do thiếu chính sách ưu đãi và sự phát triển quá nhanh của các KKT dẫn đến ngân sách đầu tư cho các KKT nhỏ giọt và dàn trải, không đáp ứng nhu cầu và mục tiêu đề ra.
Cũng do thiếu vốn, thiếu cơ chế huy động đầu tư nên kết cấu hạ tầng của phần lớn các KKT chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển; thu hút đầu tư vào các KKT còn gặp nhiều khó khăn; tiến độ thực hiện các dự án chậm; đóng góp của các KKT còn hạn chế, chưa thể hiện được vai trò động lực phát triển vùng như mục tiêu đề ra…
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, diện tích đất của các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong các KKT mới đạt khoảng 9% tổng diện tích đất dành cho sản xuất kinh doanh. Nếu so với các khu công nghiệp trong cả nước, quy mô các KKT lớn gấp 10 lần nhưng sự đóng góp về chỉ tiêu sản xuất và nộp ngân sách thì KKT thấp hơn rất nhiều. Trong vài năm gần đây, tổng doanh thu hằng năm của các KKT khoảng 6 - 8 tỷ USD. Đóng góp ngân sách hàng năm chỉ khoảng 500 - 600 triệu USD. Mặc dù đã có gần chục năm phát triển nhưng ngay cả KKT biển đầu tiên của cả nước là Chu Lai được xây dựng từ năm 2003 đến nay cũng mới thu hút được 66 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 1,7 tỷ USD, trong đó có 45 dự án đang hoạt động với tổng vốn thực hiện chỉ đạt 600 triệu USD. Còn với KKT Dung Quất - một hình mẫu KKT được đánh giá là phát triển đồng bộ và thành công nhất tại Việt Nam hiện nay, ông Lê Văn Dũng - Phó trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất cũng phải thừa nhận, sự phát triển của KKT Dung Quất đang có dấu hiệu chững lại bởi mới chỉ phát triển dựa vào “xương sống” của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, mà chưa tìm được hướng phát triển mới...
Chú trọng đầu tư chọn lọc
Các KKT ven biển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, đòi hỏi phải khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình phát triển các KKT.
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam:
Đề cập đến khái niệm KKT ven biển/hướng biển là hướng phát triển ở đẳng cấp cao của thế giới. Nhưng đã là đẳng cấp mà dàn hàng ngang ra mà tiến thì chắc là khó. Tôi cho rằng đầu tiên phải nhìn nhận về quy hoạch tổng thể. Cùng một lúc phát triển 15 đặc khu kinh tế có vai trò như nhau, kiểu làm ồ ạt thế này đối với một đất nước có xuất phát điểm của nền kinh tế còn thấp là không hề khôn ngoan. Thứ hai, là phải nghĩ đến một cơ chế chính sách, một thể chế đủ tầm cho sự hấp dẫn các nhà đầu tư đẳng cấp cao. Trong tình cảnh đó, tự ta lại dồn hết nguồn lực, gồng hết lên để mà cho vốn đầu tư vào mà không nhìn thấy các chỉ báo dài hạn thì tôi cho là phiêu lưu”.
TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:
“Cùng với mấu chốt quan trọng là thể chế chính sách minh bạch, phù hợp, việc phát triển KKT trong thời gian tới chỉ nên tập trung cho 4 KKT biển quy mô lớn gắn với 4 vùng kinh tế trọng điểm gồm: KKT Hải Phòng; KKT Đà Nẵng - Lăng Cô - Chân Mây; KKT tự do Vũng Tàu và đặc khu kinh tế Phú Quốc. Đây chính là 4 cửa mở quốc tế, 4 tọa độ kết nối phát triển vùng, là điều kiện tiền đề cho sự bùng nổ và lan tỏa phát triển vùng”.
GS Võ Đại Lược -Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới - Giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương:
“Thể chế hành chính và thể chế kinh tế bất cập của chúng ta là hai điểm nghẽn trong phát triển các KKT biển hiện nay. Việc cần làm là giảm bớt các KKT ven biển và chỉ nên tập trung xây dựng ở mỗi miền Bắc, Trung, Nam một KKT theo mô hình đặc khu kinh tế tự do mà ở đó những nút thắt về thể chế kinh tế được tháo bỏ. Tôi kiến nghị nên tìm một tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới để giúp chúng ta quy hoạch lại toàn bộ vùng kinh tế ven biển”. |
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các KKT là lực hút mang tầm khu vực và quốc tế để tạo ra loạt điểm nhấn thu hút đầu tư của quốc gia, cho nên phải phát triển theo hướng cạnh tranh quốc tế. Các KKT phải có quy mô khá lớn, đòi hỏi tập trung nguồn lực cao mới phát triển cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, từ đó mới có điều kiện thu hút được nhà đầu tư và những dự án lớn. Vì vậy, thay vì tăng số lượng KKT, Nhà nước cần sắp xếp lại danh mục KKT để chọn lọc, ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư cho một số KKT có lợi thế đặc thù mang tầm quốc gia, có thể trở thành động lực thúc đẩy phát triển của cả nước.
Cùng với định hướng phát triển chọn lọc, nhiều ý kiến cho rằng phát triển các KKT biển cần chuyên môn hóa để tạo nên bản sắc. Theo PGS. TS Bùi Tất Thắng, Việt Nam có thể lựa chọn xây dựng một vài KKT tự do ven biển, nhưng cần hướng sự phát triển của mỗi khu vào một lĩnh vực được chuyên môn hóa, tránh tình trạng các KKT đều nhang nhác như nhau, không khu nào khác khu nào một cách đáng kể.
Đồng quan điểm này, TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra sự phát triển “phong trào” của các KKT ven biển thời gian qua đã tạo ra sự dàn trải đầu tư, phân tán nguồn lực và gây ra tình trạng cạnh tranh giành vốn quyết liệt giữa các địa phương được quy hoạch xây dựng KKT, trong khi đáng ra phải tập trung cao nhất nỗ lực quốc gia cho cuộc cạnh tranh với các nền kinh tế khác nhằm thu hút vốn đầu tư quốc tế đẳng cấp cao.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng khẳng định: Thời gian tới, các địa phương cần phải rà soát lại quy hoạch các KKT. Các KKT phải xây dựng cân đối yêu cầu phát triển của địa phương và khu vực để đẩy mạnh phát triển kinh tế quốc gia. Trong điều kiện nguồn kinh phí có hạn, các KKT phải lựa chọn phân kỳ đầu tư, cần xác định lại mục tiêu, mục đích, tiêu chí cho các KKT trọng điểm tạo đột phá, từ đó hình thành các khu tiếp theo. Đặc biệt, cả Trung ương và địa phương phải tập trung có những giải pháp tốt nhất để xây dựng các KKT hoàn thiện và phát triển. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang xây dựng các tiêu chí đánh giá cụ thể để có cơ sở rà soát lại các KKT biển, xác định lại mục tiêu, mục đích của các KKT, từ đó xây dựng chiến lược phát triển cho từng KKT nhằm tạo đột phá mạnh mẽ cho những KKT thực sự có tiềm năng và tiềm lực.
Ngọc Quỳnh