Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, nước biển dâng, nguồn nước ngầm suy giảm và sự hình thành nhiều đập thủy điện ở khu vực thượng nguồn sông Mê Công khiến vùng Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với sụt lún, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất-sinh hoạt.
Thách thức từ biến đổi khí hậu
Theo các chuyên gia, với những đặc điểm và lợi thế nêu trên, Đồng bằng sông Cửu Long được xem là vựa nông sản, đồng thời hội đủ các yếu tố cần thiết để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước như: Bờ biển dài hơn 700 km (bằng 23% cả nước), 367 nghìn km2 vùng biển, giàu tiềm năng về tài nguyên, năng lượng tái tạo; có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, có rừng nước lợ, rừng ngập mặn rộng lớn, đất đai bằng phẳng, phì nhiêu.
Là vùng trọng yếu về an ninh lương thực của quốc gia nhưng Đồng bằng sông Cửu Long lại là khu vực rất dễ tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn nước ngầm suy giảm, cộng với việc thủy điện hình thành nhiều ở khu vực thượng nguồn sông Mê Công khiến vùng đối mặt với sụt lún, sạt lở đất; thiếu nước sản xuất, sinh hoạt rất nghiêm trọng. Cả vùng hiện có hơn 800 khu vực sạt lở, với tổng chiều dài hơn 1.000 km; trung bình mỗi năm mất từ 300 đến 500 ha đất do lở bờ sông, bờ biển.
Theo các cơ quan chức năng, tính riêng tỉnh Cà Mau, từ năm 2011 đến nay, địa phương này đã có hơn 350 km bờ biển bị sạt lở, làm mất hơn 5.300 ha đất sản xuất, đất ở và rừng ngập mặn. Từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm hơn 50.000 hộ dân ở Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu nước sinh hoạt; gần 1.000 tuyến đường, bờ kênh, nhà ở, kho xưởng, cầu giao thông bị hư hỏng, đổ sập do sụt lún, sạt lở; hàng ngàn ha rau màu bị thiếu nước tưới, chết khô; hàng trăm ha rừng bị cháy rụi.
Những con số trên cho thấy, hậu quả và hệ lụy kéo theo của biến đổi khí hậu là rất nặng nề, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Không chỉ gây thiệt hại lớn về tài sản, kinh tế, biến đổi khí hậu còn đe dọa đến sự an toàn, tính mạng của hàng triệu người dân miền Tây Nam Bộ; về lâu dài, nguy cơ mất an ninh lương thực quốc gia là rất lớn. Đồng bằng sông Cửu Long là nơi cung ứng lương thực, thực phẩm lớn nhất, do đó bất cứ điều gì xảy ra với vùng đất này đều ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của cả nước.
Theo các chuyên gia, dự báo mức độ tác động và những con số thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra với Đồng bằng sông Cửu Long sẽ còn tăng lên nhanh chóng trong tương lai, nếu ngay lúc này chưa có các giải pháp căn cơ, cấp thiết.
Giải pháp tối ưu
Theo Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước những cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển. Đảng và Nhà nước đã ban hành những chủ trương và chính sách nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của vùng. Trong đó, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là những cách tiếp cận hướng đến mục tiêu trên. Khoa học và công nghệ là yêu cầu cấp bách sẽ góp thúc đẩy, phát triển các mô hình kinh tế này.
Mô hình kinh tế tuần hoàn là cách tiếp cận mới, khác biệt với mô hình sản xuất “khai thác-sản xuất-tiêu dùng-thải bỏ” truyền thống, nhằm tái chế, tái sử dụng và tận dụng sản phẩm, từ đó góp phần sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn và hạn chế phát thải các chất độc hại ra môi trường. Điển hình như mô hình tôm - lúa giải quyết được “xung đột” với việc trồng lúa trên đất nuôi tôm, là một mô hình “thuận thiên một cách thông minh" của người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long.
“Lúa là cây trồng tiêu thụ nhiều nước. Vào mùa mưa, có đủ nước ngọt, người nông dân trồng lúa, vào mùa khô, nước bị nhiễm mặn thì lấy vào nuôi tôm. Rơm rạ phân hủy từ cây lúa là thức ăn của tôm và chất thải hữu cơ của tôm là phân bón cho cây lúa”. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Bộ môn Tài nguyên nước, Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên thuộc Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ.
Các chuyên gia của Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn cho rằng, đối với ngành nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, việc áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại nhiều tác động to lớn về mặt kinh tế và môi trường, do quy mô sản xuất nông nghiệp của vùng cũng như tiềm năng rất lớn trong việc tận dụng và giảm thiểu các nguồn đầu vào, xử lý và tái chế chất thải và nước thải, tận dụng phụ, phế phẩm trong sản xuất.
Cụ thể, sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm thải ra môi trường 20 triệu tấn rơm rạ, 4 triệu tấn trấu và 2 triệu tấn cám. Việc tận dụng được các nguồn phụ, phế phẩm này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo của vùng. Điển hình tại tỉnh Hậu Giang, rơm trên các cánh đồng lúa được thu gom để sản xuất, chế biến các sản phẩm xanh, sản phẩm có giá trị cao và giảm phát thải khí nhà kính.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mỗi năm, vùng Đồng bằng sông Cửu Long tạo ra khoảng 26 - 27 triệu tấn rơm, nhưng có đến khoảng 70% bị người dân đốt hoặc vùi vào đồng ruộng, gây ô nhiễm môi trường, tăng phát thải khí methane và các khí nhà kính khác. Giải pháp là thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm rạ, khắc phục được tình trạng nông dân đốt và vùi rơm rạ vào đồng ruộng. Nông dân có thể ứng dụng cơ giới hóa trong thu gom rơm rạ để trồng nấm rơm, làm thức ăn cho bò, phân bón sinh học, nhựa sinh học và nông nghiệp đô thị, góp phần giảm ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra, các hoạt động chăn nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long thải ra môi trường 2,78 triệu tấn chất thải mỗi năm, chủ yếu từ chăn nuôi lợn, gia cầm và gia súc. Hiện nay, việc tận dụng các nguồn chất thải này chỉ mới dừng lại ở áp dụng các mô hình biogas, ủ phân compost, hoặc sử dụng trực tiếp.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là một giải pháp phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm hiện thực hóa các chương trình về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của Đảng và Nhà nước. Các giải pháp này không chỉ góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn đóng góp vào việc gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên cùng một đơn vị diện tích canh tác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ các hoạt động nông nghiệp.