Kim ngạch xuất khẩu trái cây tăng dần đều qua các năm. Tuy nhiên, để ngành trái cây Việt Nam khẳng định vị trí vững chắc trên thị trường thế giới, đồng thời góp phần giải quyết đầu ra một cách ổn định cho người sản xuất, ngành đang chuyển sang chiến lược tăng cường chế biến sâu, hạn chế xuất tươi để phát triển bền vững.
Với đà tăng trường ngày càng vượt trội, ngành trái cây Việt Nam có thêm nhiều động lực phát triển trước yêu cầu tiêu dùng đa dạng của thị trường quốc tế lẫn trong nước hiện nay. So sánh những con số tăng trưởng của ngành này trong những năm qua năm 2016 kim ngạch xuất khẩu 2,4 tỷ USD, năm 2017 đạt hơn 3,5 tỷ USD và năm 2018 đạt 3,81 tỷ USD, có thể thấy, sự phát triển này vẫn chưa dừng lại. Thậm chí, triển vọng thị trường ngày càng lớn hơn khi các Hiệp định thương mại tự do bắt đầu có hiệu lực trong năm 2019.
Mới cung ứng 1% thị trường thế giới
Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, ngành trái cây việt Nam đã có mặt tại 60 quốc gia trên thế giới. Bình quân tăng trưởng rau củ quả, trái cây Việt Nam đạt 15%/năm. Đây là mức tăng trưởng khả quan, mở ra cho ngành rau củ quả, trái cây Việt Nam cánh cửa phát triển ổn định trong thời gian tới. Tuy nhiên, dù tăng trưởng đều đặn, nhưng hiện nay ngành trái cây Việt Nam chỉ mới cung ứng 1% nhu cầu thị trường thế giới. Điều này cho thấy, ngành trái cây Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa thị trường để phát triển.
Trong các ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam, ngành trái cây đã có bước tiến ngoạn mục, vượt qua ngành gạo, tiêu, điều, cà phê, cao su, chỉ đứng sau ngành chế biến gỗ và thủy sản. Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có 850.000 ha sản xuất trái cây, chỉ bằng 20% diện tích sản xuất lúa, nhưng mang về nguồn kim ngạch xuất khẩu hơn 3,8 tỷ USD.
Trong khi đó, diện tích sản xuất lúa của cả nước chiếm 4 triệu ha, nhưng kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2018 chỉ đạt 3 tỷ USD. Như vậy, có thể thấy, ngành trái cây còn rất nhiều triển vọng để phát triển và mở rộng.
197 quốc gia với 7,5 tỷ người trên thế giới là một thị trường khổng lồ của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh quảng bá và tiêu thụ trái cây Việt Nam. Để Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, tạo tiền đề tốt cho nông dân, các thành phần trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ trái cây liên kết chặt chẽ hơn nữa, hình thành vùng sản xuất tốt, liên kết với khâu chế biến tốt và có phương thức thương mại tốt. Người Việt Nam phải được ăn sạch, ăn ngon, giá cả phù hợp, song song với xuất khẩu.
Với xu hướng tăng lượng trái cây trong những bữa ăn hàng ngày, đã tạo điều kiện cho ngành trái cây Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường thế giới. Chẳng hạn, với riêng thị trường Trung Quốc, trước đây trái cây Việt Nam tiến vào bằng đường tiểu ngạch, giá trị thấp. Nhưng thị trường này ngày càng chú trọng chất lượng, do đó đã tăng cường nhập khẩu chính ngạch trái cây Việt Nam, dần siết chặt con đường nhập khẩu tiểu ngạch.
Đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã phê duyệt nhập khẩu chính ngạch các loại trái cây Việt Nam như: sầu riêng, bưởi, chanh dây, khoai lang, dừa, mãng cầu và măng cụt. Việc xuất khẩu chính thống như vậy sẽ giúp giá cả, đầu ra của các mặt hàng trái cây Việt Nam ổn định và tốt hơn.
Áp dụng công nghệ chế biến
Dù đang có ưu thế xuất khẩu, được thị trường thế giới ưa chuộng, nhưng ngành trái cây Việt Nam cũng phải nỗ lực lớn mới có thể cạnh tranh trước cuộc đua của các loại trái cây từ thị trường khác. Điển hình như thị trường Trung Quốc, chiếm 74% sản lượng trái cây xuất khẩu của Việt Nam vốn không còn dễ dàng như trước đây.
Bên cạnh các tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe và yêu cầu chất lượng ngày càng cao đối với các loại trái cây nhập khẩu từ Việt Nam, quốc gia này cũng đang nỗ lực để tự sản xuất các loại nông sản mà từ trước đến nay luôn nhập khẩu; trong đó có những sản phẩm vốn là thế mạnh của trái cây Việt Nam là thanh long và xoài.
Điều này cho thấy, trong tương lai không xa, các loại trái cây của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với các loại trái cây cùng loại được sản xuất tại Trung Quốc.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia khác như Mỹ, Thái Lan, Indonesia cũng đang trở thành đối thủ cạnh tranh của trái cây Việt Nam. Bởi, song song với việc phát triển trái cây cùng loại với Việt Nam, các quốc gia này cũng có nhiều loại trái cây khác biệt, chất lượng cao để tấn công vào thị trường thế giới. Khi người tiêu dùng lựa chọn các loại trái cây này trong chi tiêu hàng ngày sẽ bỏ qua những sản phẩm trái cây của Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty TNHH TMDV XNK Vina T&T cho biết, cứ 10 tấn sản phẩm trái cây như: thanh long, chôm chôm, nhãn thì chỉ có 3 tấn được đưa vào thị trường Mỹ. Thị trường này có yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm. Để có được đơn hàng từ thị trường này, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trái cây Việt Nam phải xây dựng quy trình thu hoạch, đóng gói, vận chuyển tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.
Đặc biệt, doanh nghiệp phải có công nghệ bảo quản tốt để giữ chất lượng trái cây như ban đầu khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Không những vậy, đến với các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… doanh nghiệp đầu tư công nghệ bảo quản đông lạnh tế bào, giữ được trái cây tươi cả năm mới đủ sức cạnh tranh với các loại trái cây khác tại thị trường này.
Việc ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản chất lượng trái cây sạch, an toàn có ý nghĩa rất lớn đối với ngành xuất khẩu trái cây. Đơn cử, riêng bưởi da xanh của Việt Nam, chỉ 30% sản lượng có thể đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất và bảo quản để xuất khẩu.
Nếu các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản có thể nâng tỷ lệ xuất khẩu bưởi da xanh lên 70% đến 80% tổng sản lượng. Như vậy, giá trị sản phẩm mới được nâng cao, có khả năng cạnh tranh tại thị trường quốc tế, ông Huỳnh Quang Đấu, Giám đốc Công ty Rau quả thực phẩm An Giang chia sẻ.
Bài 2: Đẩy mạnh năng lực chế biến