Dịch vụ Logistics là một trong những ngành dịch vụ hậu cần, dịch vụ vận chuyển hàng hóa tối ưu từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng.
Chức năng của ngành Logistics không chỉ đơn thuần là giao nhận, vận tải hàng hóa mà còn có nhiều hoạt động liên quan như quản lý kho bãi, lưu trữ, đóng gói, phân loại hàng hóa…Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam có nhu cầu tuyển nhân lực có trình độ chuyên môn phù hợp, kỹ năng thực hành tốt để đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ Logistics. Vì vậy, hơn bao giờ hết, việc đổi mới chương trình đào tạo, chú trọng trang bị cho sinh viên các kỹ năng thực hành là giải pháp đang được nhiều cơ sở đào tạo thực hiện nhằm từng bước khắc phục tình trạng thiếu nhân lực ngành Logistics, song các doanh nghiệp vẫn phải tổ chức đào tạo lại sau khi tuyển dụng. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đề cập đến nội dung này qua hai bài viết với chủ đề: Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Logistics.
Bài 1: 'Khát' lao động chất lượng cao
Không chỉ các doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ Logistics, hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh ở các ngành nghề khác nhau đều nhận thấy sự cần thiết của bộ phận Logistics trong doanh nghiệp và coi đây là bộ phận ”xương sống” giúp các hoạt động kinh doanh được thông suốt, hiệu quả hơn. Nếu dịch vụ Logistics được làm tốt sẽ đảm bảo dịch vụ tốt hơn, chi phí thấp hơn nhưng lại mang lại hiệu quả cao hơn cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Nhu cầu lớn
Theo thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ Logistics, trong đó có khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động vận chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hoạt động kinh doanh dịch vụ Logistics gồm nhiều loại hình dịch vụ, được phân chia ra theo các nhóm như: Xếp dỡ container; kho bãi; dịch vụ chuyển phát; vận tải hàng hóa; nhóm dịch vụ khác; phân tích và kiểm định…Hiện nay, nguồn nhân lực này đang thiếu trầm trọng. Trong giai đoạn 2017-2020, cả nước cần khoảng 20.000 lao động chất lượng cao lĩnh vực Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Đến năm 2030, ngành dịch vụ Logistics Việt Nam dự kiến cần khoảng 2 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhu cầu nguồn cầu nhân lực ngành dịch vụ Logistics được dự báo cũng sẽ tăng trong những năm tới. Bởi lẽ, trong tương lai không xa, dịch vụ giao nhận kho vận cảng biển sẽ trở thành một ngành kinh tế quan trọng tại Bà Rịa- Vũng Tàu. Ông Dương Thanh Khang, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng tổng hợp Thị Vải (Bà Rịa- Vũng Tàu) cho biết, với mục tiêu hoạt động là đưa Cảng tổng hợp Thị Vải trở thành một trong những cảng tổng hợp lớn mạnh trong khu vực Cái Mép – Thị Vải, công ty luôn cần có đội ngũ nhân lực lành nghề để cung cấp đa dạng các dịch vụ chất lượng như: Xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa; cho thuê kho, bãi lưu trữ hàng hóa; cung cấp dịch vụ Logistics cho các dự án, các khách hàng…
Theo một số chuyên gia ngành Logistics, nhân lực lĩnh vực Logistics tại doanh nghiệp thường được chia theo các cấp độ là: cấp quản trị cấp cao; cấp quản lý và chuyên gia; cấp điều phối, quan sát và cuối cùng là nhân viên kỹ thuật như đóng gói hàng, điều khiển xe nâng, nhân viên kho bãi, lái xe…Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp, nhất là những tập đoàn lớn đều đã nhận thấy tầm quan trọng của dịch vụ Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Họ cũng rất cần tuyển nhân đối với bộ phận Logistics và quản lý chuỗi cung ứng của riêng mình, nhất là nhân sự ở cấp điều phối, quan sát cũng như đội ngũ các nhân viên kỹ thuật.
Vẫn phải đào tạo lại
Một trong những vấn đề còn tồn tại hiện nay là tuy thiếu nhân lực ngành Logistics song không ít doanh nghiệp sau khi tuyển dụng được lao động ở lĩnh vực này phải tốn thời gian và kinh phí để tiến hành đào tạo lại, bởi nhiều trường hợp không đáp ứng được yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin hoặc kỹ năng sử dụng, vận hành các thiết bị hiện đại phục vụ cho thương mại điện tử. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do các kỹ năng mà lao động được đào tạo trong nhà trường chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, quá trình đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trường lao động; trang thiết bị, cơ sở đào tại chưa theo kịp được với sự thay đổi của máy móc, công nghệ hiện nay.
Theo đại diện Công ty Lazada Express Việt Nam, là một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi và đang đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong cung cấp dịch vụ, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành Logistics. Nhưng thực tế đã có trường hợp sau khi được tuyển dụng, doanh nghiệp vẫn phải tổ chức tập huấn, hướng dẫn rất nhiều do các nhân sự này dù có chuyên môn là ngành dịch vụ Logistics và chuỗi cung ứng song lại chưa biết đến phần mềm quản lý kho, chưa hiểu về mã vạch. Có trường hợp còn bỡ ngỡ trong việc vận hành kho hàng ứng dụng công nghệ thiết bị hiện đại nhằm phục vụ thương mại điện tử hoặc khá lúng túng trong cách phân loại đóng gói hàng hóa cho đạt chuẩn. Chưa kể, chỉ với những công việc đơn giản liên quan đến lĩnh vực Logistics như điều khiển xe nâng hàng, nếu trước đây người điều khiển không phải sử dụng các thiết bị điện tử thì hiện nay yêu cầu đòi hỏi của doanh nghiệp đối với vị trí việc làm này cũng đã cao hơn rất nhiều .
Có chuyên gia đánh giá, hiện nhiều lao động ngành Logistics vẫn thiếu các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp, phối hợp làm việc theo nhóm nên hiệu quả công việc không đạt được như mong muốn. Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, để khắc phục tình trạng này, vai trò của doanh nghiệp đối với đào tạo nhân lực ngành Logistics là rất quan trọng. Một ngành đào tạo muốn thành công và phát triển cần có kết nối giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Có thực hiện được như vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực mới phát triển đúng hướng, tiết kiệm thời gian, giúp học sinh - sinh viên sau khi tốt nghiệp, được tuyển dụng có thể làm việc ngay, không phải đào tạo bổ sung.
Bài cuối: Bước chuyển đột phá trong đào tạo