Phát triển nhiệt điện than - Bài cuối: Loay hoay giải pháp tiêu thụ tro, xỉ thải

Các nhà máy nhiệt điện thời gian qua đã tìm kiếm và liên kết với các đối tác để tiêu thụ lượng tro xỉ thải.

Chú thích ảnh
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tưới nước bãi xỉ, hạn chế tối đa tình trạng bụi xỉ than bay vào khu vực dân cư.

Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã đưa ra nhiều chính sách, quy chuẩn nhằm thúc đẩy sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, có một thực tế là đến nay, doanh nghiệp vẫn gặp khó trong việc tiêu thụ tro xỉ.

Thiếu chỗ chứa tro, xỉ

Theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), tính đến cuối năm 2017, lượng tro, xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện trong cả nước lên tới 12,2 triệu tấn, trong khi mới chỉ xử lý được khoảng 4 triệu tấn. Lượng tồn kho lên đến hơn 20 triệu tấn. Do vậy, trong vài năm tới, nếu không có giải pháp giải quyết đồng bộ, nguy cơ lượng tro, xỉ gia tăng tới mức không còn chỗ để chứa. 

Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, đơn vị đang sở hữu và vận hành 12 nhà máy nhiệt điện than. Tổng khối lượng than sử dụng khoảng 34 triệu tấn/năm, có lượng tro, xỉ trung bình là 8,1 triệu tấn/năm. 

Hầu hết các đơn vị đã tìm và ký hợp đồng với các đối tác để tiêu thụ phần lớn lượng tro xỉ từ các nhà máy. Điển hình các nhà máy Phả Lại và Ninh Bình đã tiêu thụ hết toàn bộ lượng tro xỉ của nhà máy. Lượng tro xỉ hiện nay chủ yếu được tái sử dụng làm phụ gia cho bê tông, xi măng, vữa xây dựng, gạch không nung. 

Tuy nhiên, theo ông  Tạ Anh Tuấn, Ban Kỹ thuật sản xuất EVN, tại nhiều khu vực như: Quảng Ninh và phía Nam, các nhà máy nhiệt điện vẫn gặp khó trong xử lý tro xỉ, khối lượng tro, xỉ được tiêu thụ vẫn chưa đáng kể. Tổng khối lượng tro, xỉ hiện nay đang còn lưu giữ tại các nhà máy điện là gần 15 triệu tấn; trong đó, các nhà máy có khối lượng tro, xỉ lớn là Quảng Ninh (4,8 triệu tấn), Vĩnh Tân (3,9 triệu tấn), Duyên Hải (1,8 triệu tấn), Mông Dương 1 (1,7 triệu tấn).

Đại diện nhiều doanh nghiệp tiêu thụ tro, xỉ dù thừa nhận ưu điểm của tro xỉ trong sản xuất gạch không nung, vật liệu xây dựng, song đến nay, vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong sử dụng nguồn vật liệu này.

Đại diện lãnh đạo Công ty CP Sông Đà Cao Cường bày tỏ, tại các nước như Nhật Bản đã sử dụng 100% từ tro xỉ; Trung Quốc, Malaysia cũng sử dụng khoảng 80%. Còn ở Việt Nam, Chính phủ đã có Quyết định 567 ngày 28/4/2010 phê duyệt Chương trình Phát triển Vật liệu xây không nung đến năm 2020; trong đó, hạn chế vật liệu nung, khuyến khích phát triển vật liệu không nung. 

“Nhưng 8 năm qua, từ năm 2010 doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để đón đầu, tuy nhiên kết quả chưa đáng là bao. Một trong những nguyên nhân do nguồn tro xỉ không có chỉ dẫn và hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn quy định đây là vật liệu nguy hại. Vì vậy, khi xuất lô hàng, kiểm tra mỗi container mất rất nhiều chi phí để test mẫu”, đại diện Công ty CP Sông Đà Cao Cường nói. 

Cùng quan điểm trên, ông Vũ Thanh Tuyền, Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Thanh Tuyền cho hay, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung tự động với công suất khoảng 80 triệu viên/năm. Năm nay, dự kiến công ty sử dụng trên 360.000 tấn tro xỉ và tới năm 2019 sử dụng trên 600.000 tấn. Nhưng hiện vẫn chưa có chỉ dẫn rõ về sản phẩm này, khiến doanh nghiệp khó khăn khi tiêu thụ và hướng đến xuất khẩu.

Hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ

Để có được một cơ sở tốt cho việc sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng, hầu hết các doanh nghiệp cho rằng, tro xỉ là nguồn nguyên liệu không có hại, nên cần sửa đổi Nghị định /2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu theo hướng tro, xỉ nhiệt điện khi đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng thì được coi là sản phẩm hàng hóa và không bị điều chỉnh theo quy định về chất thải công nghiệp thông thường. 

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cũng khẳng định, thời gian qua Chính phủ đã rất quan tâm đưa ra những chính sách, quy định về xử lý tiêu thụ, giải phóng bãi xỉ. Bộ khẳng định lại rằng, theo kết quả thí nghiệm thành phần than, tro xỉ không chứa chất độc hại, tro xỉ là vật liệu xây dựng rất tốt. Một số ý kiến cho rằng, tro xỉ là chất thải nguy hại là không có cơ sở. 

Ông Ti Chee Liang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Janakuasa, Vietnam Limited là nhà đầu tư Singapore trong lĩnh vực năng lượng cho hay, công ty này đang xây dựng dự án đầu tiên tại Việt Nam là nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 2 với công suất 2x600 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 2,4 tỷ USD đặt tại phía Nam tỉnh Trà Vinh. Dự án là một phần trong Tổng sơ đồ Điện VI của Chính phủ, nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng gia tăng tại Việt Nam.

" Về vấn đề ô nhiễm môi trường từ các dự án nhiệt điện than là vấn đề chung, chúng tôi chọn công nghệ siêu tới hạn. Bài toán tro xỉ trước đây chỉ là chôn lấp thì hiện nay tro xỉ được sử dụng cho các ngành vật liệu xây dựng, làm đường nên đầu ra của tro xỉ đã được doanh nghiệp tính toán và có giải pháp xử lý", ông Ti Chee Liang bày tỏ. 

Đại diện phía Công ty Sông Đà Cao Cường cho rằng, cần phải làm rõ, tro xỉ là chất thải như thế nào, tái sử dụng làm vật liệu sản xuất ra sao...? Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp đã đưa quy chuẩn rất tốt, làm xi măng thì quy chuẩn thế nào, vật liệu không nung thì ra sao...? Vì vậy, nên cần xây dựng một chiến lược, đưa về quy chuẩn, làm rõ tiêu chuẩn cụ thể để tất cả các công trình ổn định bền vững.

Ông Vũ Thanh Tuyền, Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Thanh Tuyền cũng đề xuất, tro xỉ cần phải được đưa vào diện hàng hóa, chứ không thể là chất thải cần xử lý. Nếu có cơ chế tốt, ngoài các nhà máy ở Quảng Ninh, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển nhà máy tại các tỉnh Trà Vinh, Bình Thuận. 

Cùng với việc hỗ trợ về vốn ưu đãi, các cơ chế mềm khác rõ ràng, yếu tố quan trọng nhất chính là có một cơ sở về pháp lý rõ ràng, giúp đẩy mạnh tiêu thụ tro xỉ trong nước...

Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành các quy định pháp lý yêu cầu bắt buộc thị trường vật liệu xây dựng sử dụng các sản phẩm sản xuất từ tro, xỉ, thạch cao, bê tông, gạch không nung. Đặc biệt, để khai thác và sử dụng nguồn tro, xỉ một cách hiệu quả hơn, sự hợp tác trong nghiên cứu, sử dụng cũng là rất quan trọng, như việc thành lập một hiệp hội các đơn vị tiêu thụ tro, xỉ...

Đức Dũng (TTXVN)
Làm chủ công nghệ, nhiệt điện than sẽ không còn ô nhiễm
Làm chủ công nghệ, nhiệt điện than sẽ không còn ô nhiễm

Thời gian qua, nhiều ý kiến lo ngại về việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện chạy than sẽ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, đại diện các bộ ngành và chuyên gia cho rằng, nhiệt điện than thời gian tới vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phù hợp với mức đầu tư và năng lực tài chính của cả doanh nghiệp và người dân. Nếu kiểm soát tốt công nghệ xây dựng, vấn đề ô nhiễm môi trường là không đáng lo ngại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN