Tận dụng lợi thế
Với 18 huyện, thị xã ở khu vực ngoại thành, mỗi địa phương của Hà Nội đều có những tiềm năng, lợi thế riêng cho khai thác du lịch; trong đó, một số huyện như: Thường Tín, Ứng Hòa, Đông Anh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Ba Vì... có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, diện tích rộng, nhiều sản vật địa phương và tồn tại các làng nông nghiệp truyền thống lâu đời rất phù hợp để phát triển du lịch nông nghiệp.
Để tạo được những sản phẩm du lịch nông nghiệp mang dấu ấn đặc trưng của Hà Nội, ngành du lịch Thủ đô đã chú trọng khai thác yếu tố văn hóa, văn minh lúa nước của vùng Đồng bằng Bắc Bộ; du lịch nông nghiệp kết hợp với tham quan di sản văn hóa, làng nghề; khai thác mô hình trang trại đồng quê phục vụ hoạt động du lịch học đường, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần tại khu vực ngoại thành Hà Nội và các vùng phụ cận. Kết hợp khai thác các sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống, xây dựng các tour du lịch…
Với bề dày lịch sử hơn một nghìn năm, Hà Nội còn sở hữu nhiều di sản văn hóa có giá trị, bao gồm cả vật thể và phi vật thể. Những giá trị văn hóa truyền thống, lâu đời này đã và đang góp phần quan trọng vào sự đa dạng, phong phú, sức hấp dẫn sản phẩm du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng.
Trên cơ sở nghiên cứu hiện trạng phát triển, lợi thế phát triển của từng địa phương, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân - đại diện Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô cho rằng, quy hoạch nông nghiệp của Hà Nội phải khác với các địa phương khác, nên cần định hướng phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp trải nghiệm kết hợp với du lịch, sinh thái…
Theo đó, nông nghiệp sinh thái giải quyết lao động, thu nhập cho lực lượng lớn dân cư đô thị và ven đô; tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái. Xác định các mô hình thích hợp cho từng khu vực khác nhau như: đô thị hoa ở Mê Linh, đào quất Tứ Liên, hoa Tây Tựu… Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao thông minh Hà Nội dự kiến xây dựng 8 khu nông nghiệp công nghệ cao để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng thường trực Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thành phố đã công nhận được 2.167/9.852 sản phẩm, chiếm 22% của cả nước; trong đó có 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao. Riêng năm 2022, thành phố công nhận 518 sản phẩm (1 sản phầm tiềm năng 5 sao, 271 sản phẩm 4 sao, 246 sản phẩm 3 sao), vượt chỉ tiêu kế hoạch 118 sản phẩm (mỗi năm có 400 sản phẩm).
Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, hiếm có một địa phương nào có số lượng làng nghề truyền thống nhiều như Hà Nội, với 42/57 làng nghề truyền thống. Đây là di sản rất quý của mỗi địa phương. Vì khi đến thăm một địa phương mọi người đều có nhu cầu muốn mua một sản phẩm đặc trưng mang về làm lưu niệm. Quan trọng hơn cả là giải quyết việc làm tại chỗ cho cư dân nông thôn đảm bảo đời sống, an ninh trật tự xã hội tại địa phương. Hà Nội còn có nhiều danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa, đền chùa nhưng vẫn chưa phát huy được thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp nông thôn.
"Muốn quảng bá phát triển làng nghề, du lịch gắn với nông thôn chính quyền địa phương hay người dân không thể làm được mà cần có sự vào cuộc của Nhà nước tạo điều kiện, môi trường, chính sách để hỗ trợ cho địa phương và người dân nông thôn Hà Nội phát triển", ông Hồ Xuân Hùng nhấn mạnh.
Đa dạng các sản phẩm
Hà Nội xác định du lịch ngoại thành là trọng điểm trong kế hoạch phát triển du lịch Thủ đô. Ngành du lịch Thủ đô đã xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển sản phẩm, kích cầu du lịch, đào tạo nguồn nhân lực hàng năm và tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về du lịch để hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại các quận, huyện phát triển loại hình du lịch nông nghiệp trên địa bà; đồng thời, hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch vui chơi giải trí, thể thao, mua sắm, ẩm thực, chữa bệnh... theo hướng phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Bên cạnh đó, ngành du lịch Thủ đô còn tập trung phát triển hệ thống sản phẩm du lịch nông thôn gắn với từng loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, chất lượng và thân thiện với môi trường cùng cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hấp dẫn, mang đặc trưng văn hóa Hà Nội, có thương hiệu và sức cạnh tranh nhằm cung cấp các dịch vụ trải nghiệm chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, mặc dù vậy, nhưng các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa được khai thác nhiều. Nguyên nhân chính là do du lịch nông nghiệp chưa được xem là thế mạnh trong cơ cấu ngành du lịch Thủ đô, nên phát triển du lịch nông nghiệp chưa mang tính tổng thể, toàn diện; chưa có cơ chế, chính sách đặc thù cho du lịch nông nghiệp Hà Nội; chưa thực sự gắn kết với xây dựng nông thôn mới nên chưa phát huy được nguồn vốn lồng ghép từ các ngành khác để phục vụ mục tiêu phát triển du lịch và các giá trị về văn hóa, cảnh quan môi trường, làng nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn...
Bên cạnh đó, phần lớn mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố có quy mô nhỏ lẻ, chưa giải quyết được các vấn đề về đa dạng sản phẩm, kết nối quảng bá sản phẩm và tổ chức quản lý, phát triển mô hình.
Tháng 3/2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban Kế hoạch 73/KH-UBND về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025.
Để có cơ sở triển khai theo Kế hoạch 73/KH-UBND hiệu quả, có chiều sâu, Sở Du lịch Hà Nội đã thành lập đoàn công tác với sự tham dự của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, các chuyên gia lĩnh vực du lịch, nông nghiệp khảo sát và làm việc với 6 địa phương có các mô hình du lịch nông nghiệp gồm: Thạch Thất, Thường Tín, Sơn Tây, Mỹ Đức, Đan Phượng, Thanh Trì nhằm đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất và các vấn đề cần quan tâm trong tổ chức hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện/thị xã.
Sau khi khảo sát, đánh giá tiềm năng, sản phẩm du lịch nông nghiệp các huyện/thị xã, ngành du lịch sẽ tập trung tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các chương trình quảng bá du lịch Thủ đô; Số hóa các điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn trong hệ thống giới thiệu chung bằng giao diện 3D, Flycam. Xây dựng các tour, tuyến du lịch liên kết giữa các khu, điểm, cụm du lịch nông thôn nhằm đa dạng cho các loại hình sản phẩm du lịch; Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch khu vực nông thôn; Tổ chức tham quan khảo sát học hỏi kinh nghiệm giữa các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố và các địa phương khác…
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù, Hà Nội có tiềm năng, lợi thế thúc đẩy du lịch nông nghiệp phát triển, nhưng để sản phẩm du lịch nông nghiệp có chất lượng, thu hút khách du lịch, cần có chính sách phát triển du lịch nông nghiệp với các chủ trương, cơ chế và chính sách đồng bộ. Đặc biệt là các chính sách về quản lý đất đai, hạ tầng; về quản lý, hỗ trợ du lịch nông nghiệp; quản lý lưu trú, liên kết chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp... Vì vậy, quy hoạch ngành nông nghiệp trong thời gian tới vô cùng quan trọng, xác định được vị trí của lĩnh vực nông nghiệp, định hướng rõ nét trong các bản quy hoạch chung phát triển Thủ đô thì ngành nông nghiệp sẽ có điều kiện cần thiết để phát triển.
Bài 3: Rào cản cần tháo gỡ