Phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP - Bài 1: Khẳng định thương hiệu

Là địa phương ở cực Nam Trung Bộ, Bình Thuận có nhiều sản phẩm, đặc sản gắn với sản xuất nông nghiệp đa dạng từ miền núi, đồng bằng đến vùng biển, đảo.

Từ  thế mạnh, Bình Thuận thực hiện các giải pháp khẳng định chất lượng, thương hiệu đi đôi với mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm đặc thù, trong đó có các sản phẩm đã được gắn sao từ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP).

Chú thích ảnh
Sản phẩm OCOP của tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Đa dạng đặc sản

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh địa phương, chương trình OCOP được tỉnh bắt đầu triển khai vào năm 2019. Dù có muộn hơn so với nhiều địa phương trong cả nước, song với phương châm không phát triển dàn trải mà có trọng tâm, chọn sản phẩm thật sự nổi trội, đến nay Bình Thuận đã có nhiều sản phẩm được gắn sao OCOP, mang dấu ấn vùng đất, con người ở địa phương duyên hải Nam Trung Bộ.

Ông Ngô Minh Trang, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho hay: Tính đến cuối tháng 7/2023, tỉnh có 76 sản phẩm của 48 chủ thể được gắn sao OCOP, trong đó có 40 sản phẩm đạt 4 sao, 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Đây đều là những đặc sản của vùng đất có biển xanh, cát trắng, nắng vàng, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, quanh năm ấm áp,  không có mùa đông. Có thể kể đến các sản phẩm như nước mắm, cá mai sấy, thanh long tươi và các sản phẩm chế biến từ thanh long (thanh long sấy dẻo, kem,  nước ép, rượu thanh long…), các sản phẩm chế biến từ ớt, hạt điều, tinh nghệ, rong nho, rong xanh...

Chị Trần Thị Kim Lĩnh, là chủ Cơ sở sản xuất - thương mại - dịch vụ Bảo Long ở huyện Hàm Thuận Bắc, cho biết:  Bình Thuận được xem là "thủ phủ" thanh long của cả nước với sản lượng đạt hơn 600.000 tấn quả thanh long mỗi năm. Xuất phát từ mong muốn khẳng định chất lượng nông sản địa phương, đa dạng sản phẩm từ chế biến sâu, chị Kim Lĩnh đã tìm tòi, sản xuất, chế biến nhiều sản phẩm nước giải khát từ trái thanh long tươi. Tiêu chí "sạch, an toàn, không chất bảo quản, không chất tạo màu, giá cả hợp lý" được chị tuân thủ từ khâu chọn nguyên liệu đến chế biến và đưa sản phẩm ra thị trường, sản phẩm đảm bảo giữ được độ tươi ngon, màu sắc đẹp. Trong đó, sản phẩm nước ép thanh long lên men tự nhiên Bảo Long do cơ sở của chị sản xuất đã được công nhận là sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận, được người tiêu dùng tin tưởng. Hiện mỗi năm, cơ sở sản xuất của chị cung ứng trên 45.000 lít nước ép thanh long các loại ra thị trường. 

Dẫn khách tham quan Bảo tàng nước mắm Làng chài xưa (Công ty TNHH Seagull) tại phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, chị Phạm Thị Kim Lài, đại diện bảo tàng chia sẻ, doanh nghiệp có sản phẩm nước mắm Tĩn với  đặc điểm giọt nước mắm sóng sánh, ánh nâu cánh gián, hương vị thơm ngon, mặn mà nhưng không "gắt" đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Nghề làm nước mắm của ngư dân Phan Thiết đã có từ hơn 300 năm nay, là niềm tự hào của người dân Bình Thuận. Kế thừa và phát triển tinh hoa nghề truyền thống, sản phẩm nước mắm Tĩn đang được giới thiệu, bày bán tại Bảo tàng nước mắm Làng chài Xưa cùng với nhiều sản phẩm khác đang góp phần thu hút du khách đến bảo tàng tham quan và mua sắm.

Kết nối mở rộng thị trường 

Mở rộng thị trường, kết nối giao thương được coi là giải pháp quan trọng giải bài toán tiêu thụ sản cho các sản phẩm OCOP, đặc sản của Bình Thuận. Các đơn vị chức năng của tỉnh tích cực hỗ trợ các chủ thể OCOP xúc tiến thương mại, tổ chức hội nghị kết nối đưa sản phẩm OCOP vào các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh. Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương phối hợp với một số đơn vị, đoàn thể tổ chức cho các chủ thể sản phẩm OCOP tham gia các chương trình xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, nhiều chủ thể chủ động đăng ký tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm tại Hà Nội ,Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhấn mạnh giải pháp phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận Ngô Minh Trang cho biết, các đơn vị chức năng của Bình Thuận quan tâm tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại chuỗi cửa ECOFARM Rest stop - Bình Thuận, xây dựng 2 cửa hàng giới thiệu sản và bán sản phẩm ngay tại thành phố Phan Thiết. Đồng thời, đưa nhiều sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử như: OCOP 247.vn; sanphamdiaphuong.com.vn; ketnoicungcau.vn; htx.cooplink.com.vn; sanocop.vn. Qua các hoạt động xúc tiến thương mại, các chủ thể có cơ hội tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, nhất là đối với các chủ thế là hợp tác, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất quy mô nhỏ. 

Bên cạnh đó, chính từ yêu cầu của các nhà bán lẻ và công tác kiểm tra của thường xuyên của các cơ quan chức năng, các chủ thể cũng quan tâm, đầu tư hơn trong nâng cao chất lượng, quy trình sản xuất và xây dựng hình ảnh quảng bá thương hiệu thông qua các nền tảng như zalo, facebook.

Ông Ngô Minh Trang khẳng định: Trước đây thị trường quen thuộc của nhiều sản phẩm OCOP của Bình Thuận chỉ là các huyện, thành phố trong tỉnh và các tỉnh phía Nam. Hiện nay, nhiều sản phẩm, nhất là các sản phẩm nước mắm, nước ép thanh long, hạt điều rang muối, hải sản chế biến đã vươn tới thị trường tiêu thụ rộng hơn, thu hút người tiêu dùng ở Hà Nội, các tỉnh, thành phía Bắc, Tây Nguyên… Thời gian tới, tỉnh tiếp tục củng cố, mở rộng thị trưởng nội địa và phát triển xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, tập trung vào các thị trường lớn, có tiềm năng cho các sản phẩm có lợi thế của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm OCOP.

Liên quan khâu mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chị Trần Thị Kim Lĩnh chia sẻ: Cơ sở sản xuất - thương mại - dịch vụ Bảo Long Bình Thuận đã có 29 đại lý phân phối sản phẩm trên toàn quốc và có mặt trên các trang, sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo…Trong đó sản phẩm nước ép thanh long lên men tự nhiên Bảo Long có chất lượng ổn định, giá cả hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đã được gắn sao OCOP, chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, được thị trường đón nhận tốt. Đặc biệt, sản phẩm đã nhiều lần hiện diện trong giỏ quà OCOP Bình Thuận, góp phần giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của địa phương đến người tiêu dùng.

Bài cuối: Gắn kết du lịch, tạo giá trị gia tăng

Trà Thanh Hiếu (TTXVN)
Phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP - Bài cuối: Gắn kết du lịch, tạo giá trị gia tăng
Phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP - Bài cuối: Gắn kết du lịch, tạo giá trị gia tăng

Đa dạng sản phẩm du lịch từ sản phẩm OCOP, đồng thời qua đó mở rộng thị trường, quảng bá các sản phẩm thế mạnh là giải pháp đang được tỉnh Bình Thuận thực hiện để phát triển du lịch và tạo giá trị gia tăng, nâng tầm cho sản phẩm OCOP.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN