Mục tiêu đặt ra là phát triển đa dạng các loại vật liệu xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu xây dựng nhóm công trình đặc thù này.
Các công trình ven biển và hải đảo chiếm chi phí lớn trong xây dựng. Theo báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tổng nguồn vốn đầu tư của 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chiếm 55 – 60% tổng vốn đầu tư cả nước.
Để khuyến khích dân cư sinh sống trên đảo, việc đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất rất quan trọng và cần đi trước một bước phục vụ cho tất cả các lĩnh vực; góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng công trình biển đảo một cách đồng bộ, hiện đại; đảm bảo mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa gắn với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, công trình xây dựng và hạ tầng kỹ thuật bê tông cốt thép ở ven biển, trên các đảo sau 5 – 10 – 20 năm thường bị ăn mòn và phá hủy trầm trọng. Điều này đòi hỏi chi phí lớn cho việc sửa chữa và bảo vệ, chiếm khoảng 40 – 70% giá thành xây dựng.
Nhiều công trình bê tông cốt thép trên các đảo hiện nay được xây dựng dựa trên nguồn nguyên vật liệu được vận chuyển từ đất liền ra. Do đó, chi phí vận chuyển rất tốn. Chưa kể những khó khăn khi chuyên chở khối lượng lớn nguyên vật liệu từ đất liền ra đảo để thi công xây dựng tại chỗ. Nhu cầu về các loại vật liệu xây dựng có tính năng vượt trội, khác biệt, thích ứng được với môi trường xâm thực, khắc nghiệt của biển rất cấp bách – Thạc sỹ Lương Văn Hùng Vụ Vật liệu xây dựng chia sẻ.
Theo đề án, phát triển các loại vật liệu xây dựng phục vụ cho các công trình ven biển và hải đảo góp phần phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với đảm bảo an ninh quốc phòng; bảo vệ tài nguyên môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời, phát triển các loại vật liệu thân thiện với môi trường, vật liệu không nung…
Đáng chú ý, Đề án phát triển vật liệu xây dựng phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025 chú trọng phát triển vật liệu mới, trên cơ sở sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả. Theo đó, Đề án ưu tiên việc sử dụng vật liệu tại chỗ, các loại chất thải tro, xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất làm vật liệu xây dựng, san lấp phù hợp với điều kiện môi trường biển... Điều này còn bảo đảm không phá vỡ môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái biển và hải đảo.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, hiện nguồn chất thải công nghiệp (tro, xỉ, thạch cao) từ các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh này rất lớn, khoảng 7 triệu tấn/năm. Do vậy, Quảng Ninh mong muốn sớm đưa nguồn thải tro, xỉ, thạch cao để sử dụng sản xuất các cấu kiện bê tông, phụ gia xi măng, vật liệu xây không nung, phục vụ san lấp, tôn tạo môi trường biển, đảo…