Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì cùng sự tham gia của đại diện các đơn vị thuộc bộ, thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện đề án, lãnh đạo 13 tỉnh tham gia đề án và một số tổ chức quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc phát triển vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt tiêu chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu là nhiệm vụ cấp thiết. Sự quyết tâm và đồng lòng từ các cấp, các ngành và người dân sẽ là yếu tố quyết định cho thành công của đề án. Tuy nhiên, yếu tố con người vẫn là yếu tố then chốt nhất, cần biến lý thuyết thành thực tiễn và mang tới cho cộng đồng bằng chính ngôn ngữ, suy nghĩ của cộng đồng mới đạt được những thành công vượt bậc trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, sự thành công của đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp mà còn tạo ra động lực phát triển kinh tế nông thôn bền vững. Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng chỉ ra rằng bên cạnh sự hỗ trợ từ bộ và các cấp, ngành trung ương, các địa phương cần khẩn trương triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tận dụng, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng nguyên liệu để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.
Tại hội nghị lần này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung đánh giá kết quả thực hiện sau 2 năm thí điểm và xác định những nhiệm vụ trọng tâm cho thời gian tới.
Để triển khai đề án, Ban Chỉ đạo đã được thành lập với 31 thành viên. Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng đã thiết lập hai Tổ công tác phụ trách theo địa bàn từng vùng, nhằm khảo sát và kiểm tra tình hình thực hiện Đề án tại 13 tỉnh. Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động cụ thể tại địa phương.
Đến nay, 5 vùng nguyên liệu thí điểm đã cơ bản hình thành rõ nét và phát triển cả về quy mô, diện tích cũng như chất lượng hoạt động. Về hạ tầng vùng nguyên liệu, 82/131 km đường giao thông đã hoàn thành đạt 62,5% kế hoạch. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng các công trình khác như kênh mương, trạm bơm điện và nhà kho vẫn còn chậm. Tổng vốn đầu tư cho hạ tầng vùng nguyên liệu đã giải ngân 220 tỷ đồng trên tổng vốn 440 tỷ đồng, đạt 50%.
Diện tích vùng nguyên liệu có liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp đạt trên 103.000 ha, chiếm hơn 62% tổng diện tích vùng nguyên liệu. Số chuỗi liên kết đã được xây dựng tăng lên 81 chuỗi, với sự tham gia của 26 doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản và 353 hợp tác xã tăng 83 hợp tác xã so với thời điểm ban đầu.
Tổng số kinh phí đã triển khai thực hiện Đề án đạt hơn 564 tỷ đồng; trong đó, các địa phương đã bố trí trên 136 tỷ đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí khoảng 242 tỷ đồng. Sự tham gia của doanh nghiệp và hợp tác xã trong việc thực hiện các dự án, kế hoạch liên kết cũng đạt 185 tỷ đồng, chiếm gần 33%.
Các công trình hạ tầng vùng nguyên liệu đã được thi công và bàn giao cho địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên liệu từ vùng sản xuất về nhà máy. Nhiều hợp tác xã mới đã được thành lập và củng cố, cán bộ thành viên hợp tác xã được đào tạo, nâng cao năng lực. Hệ thống các tổ khuyến nông cộng đồng cũng đã được hình thành, hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn cho nông dân.
Tại tỉnh Gia Lai, sau 2 năm triển khai thí điểm Đề án đã hình thành và phát triển vùng sản xuất nguyên liệu cà phê quy mô lớn, hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đến nay đã có 12 hợp tác xã nông nghiệp hình thành trên vùng nguyên liệu cà phê liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trên địa bàn 7 huyện, thành phố.
Để triển khai Đề án và xây dựng Trung tâm logistics chuỗi cà phê tỉnh Gia Lai đảm bảo thời gian và tiến độ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai Lưu Trung Nghĩa đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, phê duyệt vị trí đất xây dựng Trung tâm Logistics Gia Lai tại Cụm Công nghiệp, tiểu thủ Công nghiệp số 2, huyện Đak Đoa; xem xét bổ sung đầu tư thêm 1,2 km đường giao thông nội đồng Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Ia Ring, 0,2 km đường giao thông nội đồng Hợp tác xã nông nghiệp Nghĩa Hòa và 3.000 m2 sân bê tông cho Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Đak Rong để phục vụ cho việc phơi và chế biến cà phê đạt chất lượng.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, việc triển khai các hợp phần đầu tư hạ tầng vùng nguyên liệu vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là các công trình logistics như nhà kho và bãi tập kết nguyên liệu. Vấn đề pháp lý và bố trí mặt bằng đất đai cho các kho bãi cũng gặp nhiều khó khăn. Tổng diện tích vùng nguyên liệu có liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp còn hạn chế, mới đạt 103.884 ha. Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã quy mô nhỏ, hoạt động chưa hiệu quả và chưa kết nối được với các doanh nghiệp tiêu thụ.
Để khắc phục những hạn chế này, các địa phương đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các hạng mục công trình hạ tầng vùng nguyên liệu. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương để rà soát, hoàn thiện các thủ tục pháp lý và triển khai đầu tư các hạng mục hạ tầng logistics hỗ trợ phát triển hợp tác xã trong vùng nguyên liệu. Ngoài ra, việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các hợp tác xã cũng cần được chú trọng. Các đại biểu tham gia Hội nghị mong muốn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thêm các gói chính sách tín dụng gắn với bảo hiểm nông nghiệp theo chuỗi trong các vùng nguyên liệu.
Thông qua hội nghị lần này đã khẳng định sự cam kết mạnh mẽ từ các cấp, các ngành và cộng đồng nhằm thực hiện thành công đề án, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp. Các ý kiến đóng góp và đề xuất từ hội nghị sẽ được xem xét nghiêm túc để nâng cao hiệu quả thực hiện đề án trong thời gian tới.