Phát triển xe điện - Bài 2: Nóng cuộc đua tại Việt Nam

Chỉ trong thời gian ngắn, việc có nhiều hãng xe giới thiệu các sản phẩm xe điện mới, đặc biệt là sự góp mặt của nhiều thương hiệu có nguồn gốc từ Trung Quốc khiến cuộc đua xe điện tại Việt Nam năm 2023 đang “nóng” hơn bao giờ hết.

“Trăm hoa” đua nở

Chú thích ảnh
Wuling HongGuang MiniEV được xem là mẫu xe khai mở phân khúc ô tô điện mini tại Việt Nam Ảnh: dantri.com.vn

Mở màn năm 2023, Công ty Cổ phần Ô tô TMT (TMT Motors) - doanh nghiệp chuyên sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng xe thương mại với gần 47 năm hoạt động tại Việt Nam bất ngờ công bố đã ký kết hợp tác chiến lược với liên doanh General Motors (GM) và SAIC - WULING để sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền ô tô điện mini tại Việt Nam.

Theo đó, mẫu ô tô chạy điện sẽ được lắp ráp tại nhà máy ô tô của TMT Motors tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên là Wuling HongGuang MiniEV, với công suất 30.000 xe/năm và có thể được gia tăng trong tương lai khi TMT Motors cũng đang nghiên cứu để giới thiệu thêm các mẫu ô tô điện chất lượng khác.

Hiện tại mọi thông số kỹ thuật, các phiên bản và giá bán xe Wuling HongGuang MiniEV vẫn chưa được TMT Motors tiết lộ. Dự kiến, TMT Motors sẽ công bố thông tin chi tiết về sản phẩm, giá bán và nhận đặt hàng mẫu xe này trong quý II/2023.

Một hãng xe khác có nguồn gốc từ Trung Quốc là Haima cũng thông báo trở lại thị trường Việt Nam sau 6 năm vắng bóng, thông qua đơn vị phân phối mới là CarVivu. Thương hiệu này sẽ mở bán 3 mẫu xe gồm S8, 7X và 7X-E (biển thể chạy điện của dòng 7X) và giới thiệu với người tiêu dùng trong quý II năm nay. Trong đó, mẫu xe chạy điện Haima 7X-E đang nhận được sự chú ý với người dùng khi đây là mẫu xe MPV 7 chỗ chạy điện đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam.

Trước đó không lâu, vào tháng 4/2022, Tập đoàn Thành Công (TC Group) và Hyundai Motor cũng đã mang về nước giới thiệu tới người dùng mẫu xe chạy điện Hyundai Ioniq 5. Giá bán của mẫu xe này dự kiến vào khoảng 2 tỷ đồng. Theo lộ trình, Hyundai Ioniq 5 sẽ được đưa vào sản xuất, lắp ráp tại nhà máy Hyundai Thành Công số 2 (HTMV2), tỉnh Ninh Bình kể từ tháng 7/2023.

Ngoài hai mẫu xe đã bàn giao tới tay người dùng là VF e34 và VF 8, nhà sản xuất ô tô Việt Nam VinFast cũng thông báo sẽ sớm chuyển đến tay khách hàng trong nước mẫu xe VF 5 Plus từ tháng 4/2023.

Mẫu xe này được định vị nằm ở phân khúc A-SUV, xe có giá bán 458 triệu đồng (chưa bao gồm pin) và 5 triệu đồng (đã bao gồm pin), hướng đến nhóm khách hàng trẻ, mua xe lần đầu và có thu nhập trung bình. Ngoài ra, VinFast cũng chuẩn bị bàn giao mẫu VF 9 trong thời gian sớm nhất.

Ngoài các hãng xe phổ thông, một số thương hiệu xe sang cũng đã ra mắt xe điện tại Việt Nam. Thương hiệu ngôi sao 3 cánh Mercedes - Benz mở bán mẫu xe điện Mercedes-Benz EQS với 2 phiên bản là EQS 450+ và EQS 580 4MATIC, có giá bán lần lượt là 4,839 tỷ đồng và 5,959 tỷ đồng.

Thương hiệu xe thể thao Đức Porsche cũng mở bán mẫu xe điện Taycan, với 3 phiên bản gồm: Taycan 4S, Taycan Turbo và Taycan Turbo S. Xe có mức giá khởi điểm lần lượt là 5,72 tỷ, 7,96 tỷ và 9,55 tỷ đồng. Audi cũng tham chiến bằng mẫu xe điện Audi e-tron với mức giá 2,97 tỷ đồng.

Một thương hiệu xe sang của Trung Quốc cũng tham chiến vào thị phần xe điện tại Việt Nam là Hongqi khi giới thiệu mẫu SUV thuần điện E-HS9. Hongqi E HS9 bán tại Việt Nam với 4 phiên bản, gồm E-HS9 7 chỗ, E-HS9 7 chỗ, E-HS9 6 chỗ và E-HS9 4 chỗ, giá bán lần lượt 2,7 tỷ, 2,9 tỷ, 3,339 tỷ và 3,8 tỷ đồng…

Thị trường có thực sự tiềm năng?

Theo đánh giá của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), Việt Nam có tiềm năng phát triển thị trường xe điện trong tương lai bởi hiện tại tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam mới chỉ ở mức 23 ô tô/1.000 người, con số này chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia. Đây được coi là cơ hội để các hãng xe liên lục xuất hiện tại Việt Nam.

Thực tế hiện nay, thị trường xe điện Việt Nam đang rất sôi động và cạnh tranh giữa các thương hiệu nhập khẩu và thương hiệu trong nước là VinFast. Tuy nhiên, các dòng xe điện nhập khẩu đang chịu mức thuế nhập khẩu cao và cả thuế tiêu thụ đặc biệt từ 15 - 70%, vì thế khả năng hoạt động này sẽ không được bền vững trong tương lai. Bởi vậy, các sản phẩm xe điện thương hiệu Việt còn đang được miễn phí lệ phí trước bạ trong 3 năm sẽ được khách hàng ưu tiên hơn khi không phải chi trả số tiền quá lớn cho việc sở hữu xe.

Theo nhận định của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho biết xu hướng xe điện ngày càng định hình rõ trong vài năm gần đây và bằng chứng là VinFast đã ra mắt sản phẩm cả ô tô và xe máy. “Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi cho việc phát triển ô tô điện”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Theo ông Thịnh, người Việt Nam thích nghi rất nhanh với sự đổi mới của công nghệ số, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Hai là thu nhập của người dân Việt Nam đang dần cao lên, sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng ô tô tăng lên. Ba là việc VinFast mở rộng đầu tư vào nhà máy sản xuất pin tại Hà Tĩnh giúp Việt Nam có thể chủ động được công nghệ pin, khiến giá thành sản phẩm mang tính cạnh tranh và người dùng dễ tiếp cận hơn.

Trong khi đó, chuyên gia ô tô Nguyễn Vĩnh Nam lại cho rằng xe điện bắt đầu xuất hiện tại thị trường Việt Nam trong năm 2022 nhưng chưa thể thay thế xe có động cơ đốt trong tại các tỉnh thành tại Việt Nam mà chỉ tập trung tại các thành phố lớn, có bãi đậu xe, có trang bị các trạng sạc phù hợp với nhu cầu của 1 nhóm khách hàng.

“Mặc dù xe điện đang được ưu đãi về thuế và giá xe khá tốt nhưng người dân vẫn còn băn khoăn về hạ tầng trạm sạc cũng như quãng đường đi được tối đa của xe điện, cũng như thời gian nạp điện đối với loại xe này. Nếu giải quyết được vấn đề về hệ thống trạm sạc, bài toán về chi phí phụ tùng, tăng cường các cơ sở bảo dưỡng rộng khắp,… thì việc người dân chuyển đổi sang sử dụng xe điện là điều tất yếu”, ông Nguyễn Vĩnh Nam nói.

Còn theo Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI - HOSE), xe điện có tiềm năng tạo nên sự đột phá cho ngành ô tô tại Việt Nam. Chỉ trong năm 2022 và đầu năm 2023 đã có hàng loạt hãng xe giới thiệu sản phẩm và công bố có kế hoạch tham gia thị trường xe điện Việt Nam, từ xe phổ thông cho đến xe hạng sang.

Tuy nhiên, SSI cho rằng, còn quá sớm để đánh giá tác động của xe điện tới ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Bởi các hãng xe mới bắt đầu thử nghiệm bán để đánh giá sự quan tâm của người tiêu dùng và Chính phủ trong việc chuyển sang loại xe này khi mà Việt Nam chưa có chiến lược phát triển hạ tầng trạm sạc cho xe điện.

Do đó, để tăng tỷ lệ điện khí hóa ngành ô tô, các chuyên gia trong ngành và SSI cho rằng, Chính phủ có thể xem xét chính sách thuế ưu đãi đối với xe điện; tăng thuế đối với ô tô chạy bằng năng lượng hóa thạch và đầu tư vào hạ tầng trạm sạc.

Bài 3: Yếu tố tác động tới việc chuyển đổi

Văn Xuyên (TTXVN)
Phát triển xe điện - Bài 1: Hứa hẹn trở thành thị trường đầy tiềm năng
Phát triển xe điện - Bài 1: Hứa hẹn trở thành thị trường đầy tiềm năng

Trong bối cảnh ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, xe điện đang là xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp ô tô thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là thị trường ô tô điện đầy tiềm năng trong tương lai gần. Tuy nhiên, để khai phá thị trường này, các chuyên gia cho rằng, cần có lộ trình, chính sách phát triển cụ thể để viết lại kịch bản ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong xu hướng dịch chuyển của dòng xe này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN