Theo đó, phương án sẽ tập trung vào hai vấn đề: Một là nếu tiếp tục vận hành sẽ như thế nào và nếu chưa vận hành được thì xử lý ra sao. Tuy nhiên, đây là một vấn đề rất lớn và chưa có giải pháp cụ thể.
“Bất kỳ một giải pháp nào đưa ra cho đến thời điểm này cũng thực sự là rất khó để thực hiện. Tập đoàn đang báo cáo Bộ Công Thương và Văn phòng Chính phủ để có những giải pháp mà theo tinh thần chỉ đạo là giải pháp căn cơ", ông Hoàng Ngọc Trung, Chánh văn phòng PVN cho biết.
Bơm sản phẩm cồn thương mại vào xe bồn tại Nhà máy sản xuất Bio-Ethanol Dung Quất năm 2012. Ảnh: Thanh Long/TTXVN |
Ngày 24/11, trên Cổng Thông tin của Thanh tra Chính phủ tại địa chỉ thanhtra.gov.vn đã ban hành thông báo kết luận thanh tra việc đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học có góp vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên.
Theo kết luận thanh tra, từ tháng 10/2007 đến tháng 3/2009, PVN đã quyết định chủ trương đầu tư dự án nhiên liệu sinh học với công suất mỗi nhà máy 100.000 m3 Ethanol/năm ở 3 tỉnh Phú Thọ, Quảng Ngãi và Bình Phước.
Về hiệu quả đầu tư, Thanh tra Chính phủ cho biết, sau khi thực hiện xong dự án, các nhà máy đi vào hoạt động đều bị thua lỗ lớn và hầu như không vận hành thương mại. Toàn bộ vốn đầu tư vào 3 dự án với tổng số tiền đã thanh toán đến tháng 11/2014 là hơn 5.400 tỷ đồng chưa có hiệu quả.
Cụ thể, tại dự án Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi), tổng mức đầu tư được phê duyệt là hơn 1.800 tỷ đồng nhưng đã tăng vốn lên hơn 2.100 tỷ đồng. Năm 2014, dự án này lỗ khoảng 164 tỷ đồng. Tại dự án Ethanol Bình Phước có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, sau đó đã tăng vốn lên hơn 1.700 tỷ đồng. Từ tháng 4/2013 đến nay, nhà máy này hầu như không vận hành thương mại, năm 2013 và 2014 dự án bị lỗ khoảng 400 tỷ đồng.
Đặc biệt, dự án Ethanol Phú Thọ do Công ty cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB) làm chủ đầu tư, nhà thầu là Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng sau đó tăng vốn lên mốc 2.500 tỷ đồng. Mặc dù dự án đã tạm dừng thi công nhưng vẫn mất hàng trăm tỷ đồng để trả lãi vay và quản lý.
Theo kết luận thanh tra, đơn vị được chỉ định thầu thực hiện dự án Ethanol tại Phú Thọ là Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC). Tuy nhiên PVC là nhà thầu chưa có năng lực, kinh nghiệm trong việc thực hiện dự án nhiên liệu sinh học. Việc chỉ định thầu cho PVC thực hiện các công việc chính của dự án là vi phạm Luật đấu thầu. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc trong quá trình thực hiện PVC phải dừng thi công dự án gây thiệt hại lớn.
Ngoài một số nguyên nhân khách quan như: Khi đầu tư xong nhà máy thì giá mua sắm nguyên liệu tăng; giá dầu thế giới giảm sâu; thị trường tiêu thụ Xăng E5 tại Việt Nam còn thấp, việc tiêu thụ sản phẩm Ethanol rất hạn chế, do đó các nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí không vận hành thương mại... kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trong quá trình đầu tư, PVN, các chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị liên quan đã có nhiều khuyết điểm, vi phạm.
Về biện pháp xử lý, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo PVN kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý theo quy định pháp luật. Chỉ đạo PVN, chủ đầu tư khẩn trương xây dựng giải pháp cụ thể đối với dự án tại Phú Thọ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật đối với các sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dung Quất có dấu hiệu cố ý làm trái và/hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc lựa chọn sai địa điểm xây dựng của Nhà máy Ethanol Dung Quất, trong chỉ định thầu, trong ký kết và thực hiện các hợp đồng EPC dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.