Ông Dương Văn Hùng, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách (Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình) đề nghị, UBND tỉnh nghiên cứu các giải pháp để chỉ đạo các ngành, các cấp nghiên cứu triển khai, nhằm hạn chế việc phát sinh các khoản nợ mới và từng bước thu hồi, xử lý dứt điểm các khoản nợ tồn đọng qua nhiều năm.
Theo đó, đối với khoản nợ Quỹ đầu tư địa phương, cần xem xét thông qua phương án xử lý nợ Quỹ đầu tư địa phương nhằm phân loại, cơ cấu, miễn, giảm, khoanh, xóa nợ phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng khoản nợ. Qua đó, tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng kéo dài nhiều năm qua và có thể thu hồi thêm được một phần vốn cho ngân sách Nhà nước từ các doanh nghiệp có khả năng trả nợ.
Bên cạnh đó, đối với khoản nợ tạm ứng Kho bạc Nhà nước, cần xử lý nghiêm các chủ đầu tư, trưởng ban quản lý dự án có phát sinh tạm ứng quá thời hạn.
Với các trường hợp rất khó thu hồi vốn tạm ứng của các chủ đầu tư (Sở Giao thông Vận tải, Sở Du lịch, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Tuyên Hóa, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Lệ Thủy…), đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị các cơ quan có chức năng làm việc với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án để xác định rõ từng nguyên nhân cụ thể và có phương án xử lý phù hợp.
Đồng thời, các cơ quan có chức năng có các biện pháp xử lý quyết liệt hơn để thu hồi vốn tạm ứng, gồm cả biện pháp khởi kiện ra toà theo quy định của pháp luật về dân sự.
Với một số doanh nghiệp có khả năng trả nợ, đại biểu đề nghị UBND tỉnh xem xét miễn, giảm một phần lãi vay đối với nhóm các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường và có khả năng trả nợ; nhóm nợ không có khả năng thu hồi cần phải khoanh nợ; nhóm các doanh nghiệp đang làm thủ tục phá sản.
Theo thống kê, đến ngày 30/6, tổng nợ thuế tỉnh Quảng Bình hơn 2.750 tỷ đồng (tăng 1.631,7 tỷ đồng, tương đương 145,8% so với thời điểm 31/12/2023), chiếm 18,7% so với tổng thu ngân sách; trong đó, nợ khó thu là 75,9 tỷ đồng.
Đối với khoản nợ tạm ứng quá hạn tại Kho bạc Nhà nước, đến ngày 30/6, tổng số dư tạm ứng quá hạn hơn 108 tỷ đồng (chiếm 4,95% tổng số dư tạm ứng); trong đó, các dự án do địa phương quản lý hơn 107 tỷ đồng; dự án do Bộ Giao thông Vận tải quản lý thông qua Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh hơn 1 tỷ đồng.
Các đơn vị có số nợ thuế cao gồm: nhóm doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thu hồi công nợ, khả năng thanh toán thấp; nhóm doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực khoáng sản, khu nghỉ dưỡng chậm triển khai dự án làm phát sinh nợ tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền chậm nộp; nhóm doanh nghiệp phát sinh tiền thuê mặt đất thu một lần cho cả thời gian thuê trong năm 2022 làm tăng đột biến tiền nợ thuế.
Theo báo cáo của Quỹ phát triển đất tỉnh Quảng Bình, tình hình nợ của Quỹ đầu tư địa phương hiện nay chủ yếu là nợ xấu, có nguy cơ mất vốn do các doanh nghiệp vay nợ thực sự khó khăn; một số doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản hoặc dừng hoạt động; các hộ vay làm nhà ở không tìm được địa chỉ hoặc đã chết, già cả ốm đau bệnh tật; khoản nợ Quỹ đường bay không xác định được đối tượng trả nợ; một số khoản nợ phải tái cơ cấu chờ doanh nghiệp vượt qua khó khăn mới có thể thu hồi được.