Vụ Đông Xuân năm nay, huyện Lệ Thủy gieo trồng trên 1.100 ha rau các loại. Diện tích trồng rau nhiều tập trung ở các xã vùng cát ven đường Quốc lộ 1A. Những ruộng rau ở đây bà con chủ yếu trồng các loại rau củ, quả như cải, hành, nén, su hào, đậu ve, mướp ngọt, mướp đắng…
Ông Lê Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho biết, để hỗ trợ người trồng, huyện Lệ Thủy đã đầu tư 300 triệu đồng xây dựng, triển khai đề án “Vùng trồng rau an toàn VietGAP gắn với du lịch trải nghiệm”. Với diện tích trên 16 ha, đề án triển khai tại các xã Hồng Thủy, Thanh Thủy, Cam Thủy, Hưng Thủy (huyện Lệ Thủy). Nòng cốt thực hiện đề án là 4 tổ hợp tác và 1 hợp tác xã trồng rau an toàn tại các xã vùng cát. Từ đề án đã cho bà con thu nhập cao và tư duy mới về nền nông nghiệp sạch.
Huyện đã tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, bao bì, nhãn mác cho nông dân tham gia đề án.
Tại xã Thanh Thủy, một trong những vựa rau lớn nhất của huyện Lệ Thủy. Toàn xã có 342 ha đất trồng rau, tập trung chủ yếu ở thôn 1 và thôn 4 Thanh Tân, thôn 3 Thanh Mỹ. Hiện trên địa bàn có 175 ha diện tích đất trồng rau, mỗi hộ có thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm.
Khi triển khai đề án, Thanh Thủy thành lập Tổ hợp tác có sự tham gia của 45 thành viên với diện tích trên 2 ha. Anh Dương Văn Trung, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng rau an toàn Thanh Thủy cho hay, các thành viên trong Tổ hợp tác luôn hỗ trợ cho nhau trong quá trình sản xuất. Mục tiêu đặt ra là tạo vùng rau sạch an toàn với phương pháp canh tác hạn chế dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ dùng thuốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh, chỉ sử dụng phân chuồng, phân bón hữu cơ.
Sau 2 năm trồng rau theo đề án vùng rau an toàn, gia đình bà Dương Thị Tuyết (ở xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) đã có nguồn thu nhập ổn định. Với vườn rau của mình, mỗi năm bà thu về hàng trăm triệu đồng. Đây là một nguồn thu nhập lớn đối với người dân nơi đây.
Theo bà Tuyết, khi làm vườn rau kiểu mẫu theo hướng hữu cơ thì rau màu có hiệu quả kinh tế cao. Rau sạch, dùng phân hữu cơ, không dùng các loại phân hóa học hay thuốc sinh học... Do đó, kinh tế gia đình tạm ổn, mỗi năm thu từ 100 - 150 triệu đồng.
Tại xã Hồng Thủy có trên 350 ha đất trồng rau màu. Diện tích rau trồng nhiều ở thôn An Định, Mốc Định, Mốc Thượng 1, Mốc Thượng 2 và thôn Đông Hải. Nhờ trồng rau nên nhiều hộ dân trong xã có thu nhập cao. Hiện cả xã có trên 200 ha đất trồng rau có giá trị thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng/ha.
Ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy cho biết, để phát triển nghề trồng rau, UBND xã đã vận động nông dân mở rộng diện tích, chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau. Nhờ đó, nhiều hộ trồng rau có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Xã đang vận động người trồng chuyển hướng đến vùng rau an toàn, rau sạch để dần xây dựng thương hiệu rau sạch Hồng Thủy đưa ra thị trường…
Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lệ Thủy nhấn mạnh, với những kết quả đạt được từ đề án “Vùng trồng rau an toàn VietGAP gắn với du lịch trải nghiệm”, thời gian tới, khi các mô hình của đề án đi vào hoạt động ổn định, huyện sẽ hướng dẫn người trồng đón tiếp các đoàn đến tham quan, trải nghiệm.
Trồng rau an toàn VietGAP còn góp phần nâng cao ý thức trồng rau sạch, nhân rộng thêm mô hình, tạo nên vùng chuyên canh rau sạch, an toàn trên địa bàn. Huyện cũng sẽ hỗ trợ bà con tổ chức 2 điểm thu mua và bán hàng rau quả an toàn tại các vùng triển khai đề án này…