Sáng nay (8/4), tại Hà Nội, Báo Công Thương đã tổ chức buổi đối thoại trực tuyến “Quảng Ngãi - Bước đột phá về phát triển công nghiệp”, qua đó đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để tạo cơ chế thuận lợi cho địa phương phát triển trong thời gian tới. Tại buổi đối thoại trực tuyến, các chuyên gia đã giải đáp được hơn 20 câu hỏi của bạn đọc và doanh nghiệp.Theo ông Phạm Như Sô, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đến nay, đã có 113 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào KKT Dung Quất với tổng vốn đăng ký trên 8,5 tỷ USD, vốn thực hiện gần 5 tỷ USD, tạo ra khoảng gần 14.000 việc làm.
Ông Phạm Như Sô tại buổi tọa đàm. |
Tại Dung Quất đã hình thành Trung tâm công nghiệp nặng đầu tiên của Việt Nam, bao gồm Nhà máy lọc dầu, Nhà máy Polypropylene, Nhà máy bao bì nhựa, Nhà máy đóng tàu, Tổ hợp nhà máy chế tạo thiết bị nặng Doosan Vina, Nhà máy nhiên liệu sinh học, các nhà máy công nghiệp cơ khí, sản xuất bột giấy- giấy, sản xuất xi măng, hệ thống cảng và các dịch vụ công nghiệp, dịch vụ đô thị…
Năm 2013, Quảng Ngãi đứng thứ 7/63 tỉnh thành trên cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Kinh tế-xã hội của Quảng Ngãi đã có những bước tiến khá mạnh mẽ, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu của tỉnh đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
GDP của Quảng Ngãi tăng 12,1%, các ngành kinh tế chủ yếu đều tăng trưởng và phát triển. GDP của ngành công nghiệp và nông nghiệp vượt kế hoạch khá cao.
Cũng trong năm 2013, tỉnh Quảng Ngãi đã cấp mới chứng nhận đầu tư cho 6 dự án FDI, 25 dự án trong nước. Đây là con số rất có ý nghĩa. Đặc biệt là việc khởi công dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi do nhà đầu tư Singapore đứng đầu đã mở ra tiềm năng và triển vọng mới cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng nhận thấy còn nhiều tồn tại cần phải có những giải pháp hữu hiệu để khắc phục trong thời gian tới.
Quảng Ngãi có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các tỉnh thành khác. |
Ông Bùi Tất Thắng, Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, KKT Dung Quất thuộc số những KKT được lựa chọn để “tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2015”.
Trong số trên 30.000 tỉ đồng tổng thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi năm 2013 thì chiếm tới 28.000 tỉ đồng của Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất - đây là một ưu thế đặc biệt của Quảng Ngãi. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi các dự án lọc hóa dầu khác đã và đang được đầu tư dưới nhiều hình thức tại một số tỉnh, thành khác thì vấn đề về cạnh tranh công nghệ, nhân lực, thương mại, thị trường... cũng được đặt ra.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Hòa, Ủy viên HĐTV Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết: Công ty lọc hóa dầu là công ty thành viên của Tập đoàn dầu khí VN, là công ty 100% vốn nhà nước. Đối với chế biến sản phẩm dầu ngọt với hàm lượng lưu huỳnh thấp để đảm bảo vấn đề môi trưởng tốt, nhà máy đã có những trang thiết bị phù hợp để quy trình vận hành đảm bảo. Tuy nhiên giá dầu Bạch Hổ còn khá cao. Với việc lựa chọn dầu thô là khá khó khăn, với các loại dầu chua, dầu chua nhẹ khó khăn là khi đầu tư công nghệ. Bên cạnh đó, để chất lượng sản phẩm đảm bảo đáp ứng tốt theo lộ trình quy chuẩn của VN quy định, chất lượng mới đáp ứng Euro 2, phải sử lý chất lượng để đảm bảo an toàn môi trường.
Ông Vũ Quang Vinh, Giám đốc tiếp thị cao cấp Công ty LD TNHH KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) cho biết về lý do chọn Quảng Ngãi để đầu tư. Theo đó, lợi thế về thị trường là yếu tố hấp dẫn nhất của Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, Quảng Ngãi có nguồn lao động dồi dào đến từ địa phương và các tỉnh lân cận; chính sách ưu đãi thuế ở Quảng Ngãi (doanh nghiệp thuê đất xây dựng nhà xưởng sản xuất tại đây sẽ nhận được ưu đãi cao nhất về chính sách thuế như chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT) 10% trong 15 năm; được miễn 4 năm đầu hoạt động và giảm 50% cho 9 năm tiếp theo)...
Ông Trần Đình Thiên (ngồi giữa) tại buổi giao lưu. |
Còn với cái nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng - Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, có thể khẳng định Quảng Ngãi đang có sức hấp dẫn nhất trong dải miền Trung. Trong xếp hàng PCI, miền Trung là “oách” với vị trí số 1 đang dẫn đầu là Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế số 2 và Quảng Ngãi số 7.
"Tôi tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, quyết tâm của họ đó là biến Quảng Ngãi thành điểm sáng công nghiệp. Từ góc độ của tỉnh, đánh giá của nhiều nhà đầu tư, Quảng Ngãi đang là điểm được lựa chọn. Đây là ưu thế rất tốt, những điều kiện tự nhiên đặc biệt là cảng nước sâu của Quảng Ngãi đang là điểm đặc biệt, những ưu đãi của miền Trung cũng đang là hấp dẫn. Những cải cách thể chế gắn với tái cơ cấu đang diễn ra như hiện nay thì triển vọng cho Quảng Ngãi sẽ tốt hơn nữa", ông Thiên đánh giá.
Kết thúc buổi tọa đàm trực tuyến, ông Phạm Như Sô, đại diện tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Đối với chỉ số năng lực cạnh tranh, chúng tôi không xem nhẹ chỉ số nào bởi các chỉ số này có tương tác qua lại lẫn nhau. Đối với các nhà đầu tư đến Quảng Ngãi, chúng tôi có hệ thống cung cấp các thông tin ban đầu và công khai tất cả thông tin trên mạng. Tỉnh cũng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có quyết tâm đến với Quảng Ngãi như hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đào tạo nghề cho công nhân của doanh nghiệp…".
Hoàng Dương