Tỉnh Quảng Ninh hiện có hơn 60.000 ha mặt nước có tiềm năng phát triển, nuôi trồng thủy sản; trong đó, có hơn 5.000 ha diện tích mặt nước biển đang được sử dụng để nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt; phát sinh diện tích vùng nuôi trái phép…
Ngày 10/8/2021, Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị 13-CT/TU về tăng cường quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai việc quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển chưa thực sự hiệu quả.
Tại một số địa phương việc lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt; nhiều nơi còn có tư tưởng khoán trắng, có hiện tượng buông lỏng quản lý. Tình trạng nuôi trồng thủy sản trái phép vẫn còn; mô hình quản lý của cơ quan chuyên ngành chưa hợp lý, dẫn đến quản lý, thống kê chưa kịp thời; quy mô sản xuất còn mang tính chất hộ gia đình, chưa có doanh nghiệp, hệ thống doanh nghiệp chủ đạo, dẫn dắt chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị thủy sản; hạ tầng hậu cần, tiếp nhận sản phẩm còn thiếu, chưa đồng bộ…
Điều này dẫn đến một số nhiệm vụ đề ra trong Chỉ thị chưa hoàn thành đúng tiến độ; việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt; phát sinh diện tích vùng nuôi trái phép…
Để lập lại trật tự đối với nghề nuôi biển trong toàn tỉnh, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định, địa phương này kiên quyết chống khai thác thủy sản bất hợp pháp và thống nhất trong toàn tỉnh lập lại trật tự, kỷ cương đối với nghề nuôi biển; không có vùng cấm trong xử lý vi phạm, kể cả cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Theo đó, ông Nguyễn Xuân Ký yêu cầu chậm nhất đến ngày 31/3/2023, tất cả các địa phương có biển phải hoàn thành đánh giá hiện trạng, làm rõ diện tích, vị trí, tọa độ những trường hợp nuôi trồng thủy sản trên biển mới phát sinh, nuôi biển sau ngày có Chỉ thị 13-CT/TU. Qua đây, xác định rõ trách nhiệm và nguyên nhân, kiến nghị biện pháp xử lý.
Đặc biệt, phải siết chặt kỷ luật kỷ cương, ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, cấp xã, cấp huyện, người đứng đầu ngành nông nghiệp từ tỉnh xuống cơ sở trong việc tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện; trong đó, cần phát hiện, xử lý nghiêm minh mọi trường hợp vi phạm, sai phạm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Ngoài ra, ông Nguyễn Xuân Ký giao UBND tỉnh chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do Công an tỉnh chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan quản lý nhà nước khác, tiến hành kiểm tra toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, tổng hợp báo cáo về tỉnh chậm nhất trước ngày 30/4/2023.
Trong quá trình kiểm tra, cần tiến hành ngay các biện pháp xử lý theo quy định; Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tập trung chỉ đạo rà soát quy hoạch, công khai quy hoạch, rà soát quy chuẩn, tiêu chuẩn, đề xuất chính sách chuyển đổi từ phao xốp sang phao nhựa. Đồng thời phát huy vai trò của ngành khoa học công nghệ của tỉnh Quảng Ninh trong nghiên cứu các loại phao nhựa đảm bảo chất lượng.
Trước đó từ cuối năm 2021 đến nay, một số địa phương như thành phố Cẩm Phả, huyện Vân Đồn, thành phố Hạ Long… cũng đã tiến hành các cuộc rà soát, kiểm tra, yêu cầu hàng trăm hộ nuôi trồng thủy sản trái phép trên các vùng biển thuộc địa phương quản lý phải tháo dỡ, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả các công trình nuôi trồng trái phép trên biển.