Tham gia Hội nghị xúc tiến năm nay có các sở ngành liên quan của tỉnh, các hộ sản xuất vải trên địa bàn phường Phương Nam và vùng vải Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), các hộ tiêu thụ vải trong và ngoài tỉnh. Đây là hoạt động được tổ chức thường niên trong những năm gần đây nhằm thúc đẩy tiêu thụ quả vải cho người dân Phương Nam, tuy nhiên quy mô năm nay được mở rộng hơn, do thành phố đứng ra tổ chức thay vì phường Phương Nam tổ chức.
Vùng vải Phương Nam (thuộc phường Phương Nam, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) có diện tích 370 ha; trong đó khoảng 280 ha đang trong độ tuổi cho thu hoạch. So với vụ vải năm 2018, tổng sản lượng vụ vải chín sớm Phương Nam năm nay ước giảm 30%, còn khoảng trên 2.000 tấn, tuy nhiên dự đoán giá trị đạt cao hơn.
Ngay từ đầu vụ thu hoạch (giữa tháng 5/2019), nhiều thương lái đã đến đặt hàng, thu mua, giá bán tại vườn hiện đang dao động trên 40.000đồng/kg, giá vải 1 tuần trước đó đạt trên 60.000/kg, cao gấp hơn 2 lần so với giá thu mua cùng kỳ vụ trước.
Vụ mùa năm nay, thành phố Uông Bí thắt chặt hơn việc quản lý bao bì, nhãn mác sản phẩm vải chín sớm Phương Nam (có mã vạch) trước khi xuất bán.
Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Uông Bí Nguyễn Văn Hưng cho biết, đạt kết quả trên là do năm nay các hộ sản xuất vải đã đổi với phương pháp trồng chăm sóc và thu hoạch quả vải. Đặc biệt từ cuối năm 2018 đến nay, thành phố Uông Bí tập trung triển khai đề án xây dựng vùng vải theo tiêu chuẩn VietGAP trên toàn bộ 280 ha đang trong độ tuổi trưởng thành, đang cho thu hoạch.
Đến thời điểm này thành phố đã hoàn thành xây dựng VietGAP giai đoạn I với 140 ha, chiếm 50% diện tích vải trưởng thành. Việc hướng dẫn giám sát các hộ sản xuất áp dụng đúng, đủ quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên toàn bộ diện tích cây vải trưởng thành của chính quyền địa phương cũng chặt chẽ hơn.
Tại hội nghị, nhiều hộ tiêu thụ vải Phương Nam khẳng định, với những ưu thế của quả vải chín sớm Phương Nam, nhu cầu thu mua sản phẩm này là lớn. Các hộ tiêu thụ cũng đề nghị các hộ sản xuất và chính quyền địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng quả vải, đảm bảo an ninh trật tự, quản lý bao bì, nhãn mác, thương hiệu quả vải, tạo điều kiện thúc đẩy tiêu thụ vải trên thị trường.
Nhân dịp này, lãnh đạo thành phố Uông Bí cũng đã trao giấy chứng nhận sản phẩm quả vải đạt tiêu chuẩn VietGAP giai đoạn I do Công ty cổ phần chứng nhận VietCert cấp cho 2 hợp tác xã có các hội viên tham gia dự án là Hợp tác xã Cẩm Hồng và Hợp tác xã Phong Thái.