Theo đó, Nghị định quy định chi tiết về việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành được quy định tại khoản 2 Điều 1, khoản 6 Điều 2, khoản 10 Điều 2, khoản 2 Điều 3 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch. Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, tổ chức thực hiện, đánh giá và điều chỉnh liên quan đến quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Cơ quan tổ chức lập quy hoạch là Bộ Giao thông vận tải, cơ quan lập quy hoạch là cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Giao thông vận tải được giao trách nhiệm lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch có trách nhiệm quyết định cơ quan lập quy hoạch, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hoặc quyết định phê duyệt quy hoạch theo thẩm quyền.
Nghị định cũng quy định rõ điều kiện về năng lực chuyên môn đối với tổ chức tư vấn lập quy hoạch. Theo đó, Tổ chức tư vấn lập quy hoạch phải có chuyên gia tư vấn đáp ứng các điều kiện sau: Chuyên gia tư vấn là chủ nhiệm dự án quy hoạch phải có kinh nghiệm là chủ nhiệm dự án quy hoạch tối thiểu tương đương cùng cấp hoặc đã chủ trì thực hiện tối thiểu 2 quy hoạch cấp thấp hơn hoặc trực tiếp tham gia lập ít nhất 3 quy hoạch trong cùng lĩnh vực; chuyên gia tư vấn tham gia lập quy hoạch phải có bằng đại học trở lên thuộc cùng lĩnh vực với quy hoạch cần lập, đã có 3 năm kinh nghiệm chuyên môn trong công việc đảm nhận.
Chi phí lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch được sử dụng từ nguồn kinh phí thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 24/6/2019.