Phát biểu tại hội nghị, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, số lượng các sản phẩm gửi về tham gia đánh giá, phân hạng đa dạng về chủng loại, mang những nét đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương. Các sản phẩm đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm hàng hóa theo quy định.
Trong đợt 2 này, Tổ tư vấn đã đánh giá phân hạng được 419 sản phẩm; trong đó ngành thực phẩm 216 sản phẩm, chiếm 51,6%; ngành đồ uống 14 sản phẩm, chiếm 3,3%; ngành thảo dược 2 sản phẩm, chiếm 0,5%; ngành thủ công mỹ nghệ 177 sản phẩm, chiếm 42,2%; ngành vải, may mặc 10 sản phẩm, chiếm 2,4%.
Điều quan trọng là các chủ thể có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP đã tạo ra hàng nghìn việc làm cho người lao động nông thôn cũng như hưởng lợi từ sản phẩm OCOP, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới của Hà Nội.
Cụ thể, qua 12 lần đánh giá của lần 2 có 93 chủ thể với trên 1.985 lao động tham gia sản xuất, kinh doanh và hưởng lợi từ sản phẩm OCOP; trong đó có 44 hộ kinh doanh, chiếm 47,3%; có 26 hợp tác xã, chiếm 28%; có 23 doanh nghiệp, chiếm 24,7%.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội- Tổ trưởng Tổ tư vấn thành phố Hà Nội cho biết, trong đợt đánh giá, phân hạng các sản phẩm đạt sao này đã có thuận lợi hơn so với trước. Đó là Hà Nội đã xây dựng và bổ sung chỉnh sửa Bộ Tiêu chí đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP phù hợp và dễ dàng áp dụng vào công tác đánh giá.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng phần mềm đánh giá xếp hạng sản phẩm đã góp phần rút ngắn thời gian, khắc phục hiện tượng cộng sai số học; việc kết hợp đánh giá giữa Hội đồng cấp huyện và Tổ tư vấn thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể, tiết kiệm được thời gian...
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế trong việc đánh giá, phân hạng các sản phẩm. Đó là do áp lực về thời gian nên công tác đánh giá cấp huyện của một số huyện chuẩn bị chưa kỹ dẫn đến hồ sơ tham gia đánh giá cấp tỉnh của một số tổ chức kinh tế, hợp tác xã còn thiếu văn bản minh chứng, thông tin chưa đầy đủ... Bên cạnh đó, các chủ thể lần đầu tiên dự thi đánh giá, phân hạng nên còn lúng túng trong hoàn thiện tiêu chuẩn sản xuất, xây dựng hoàn thiện hồ sơ.
Năm 2020 do chịu sự ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên khối lượng công việc dồn về cuối năm nhiều, để kịp hoàn thành khối lượng lớn công việc theo kế hoạch, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội - Tổ trưởng Tổ tư vấn thành phố Hà Nội kiến nghị, sau khi có kết quả đánh giá của Tổ tư vấn cho lấy mẫu phân tích nhóm sản phẩm có liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trên cơ sở kết quả đánh giá, phân hạng đợt 2 của tổ tư vấn; Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố đã đề nghị Công ty TNHH Công nghệ NhoNho (đơn vị trúng thầu gói thầu phân tích chất lượng sản phẩm) tiến hành lấy và kiểm nghiệm mẫu của 172 sản phẩm đại diện cho 232 sản phẩm (ngành thực phẩm 216 sản phẩm, ngành đồ uống 14 sản phẩm, ngành thảo dược 2 sản phẩm) điển hình nhất cho quy trình sản xuất của các chủ thể OCOP để đánh giá chất lượng của sản phẩm.
Đối với các sản phẩm còn lại đã có kết quả kiểm nghiệm do đơn vị chủ động thuê đơn vị phân tích có uy tín, thời gian kiểm nghiệm trong vòng 3 tháng và được chứng nhận chất lượng sản phẩm theo VietGAP hoặc chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo ISO 22000 hoặc HACCP; có đủ các chỉ tiêu về chất lượng, dinh dưỡng, an toàn thực phẩm các hóa chất độc hại nên không phải phân tích lại.
Theo báo cáo kết quả kiểm nghiệm 172 sản phẩm của Công ty TNHH Công nghệ NhoNho, có 172 sản phẩm đạt yêu cầu theo quy định, tổ tư vấn đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố cho ý kiến và đánh giá, phân hạng sản phẩm vòng 1 đồng thời sử dụng kết quả vòng 1 làm vòng 2 lần 2 năm 2020 đối với 424 sản phẩm (5 sản phẩm của đợt chuyển sang và 419 sản phẩm đợt 2); trong đó, phân hạng 3 sao: 111 sản phẩm; 4 sao: 310 sản phẩm; tiềm năng 5 sao: 3 sản phẩm.