Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, trong 5 năm qua, diện tích nuôi tôm tăng bình quân 6,3%/năm, sản lượng tăng 8,6%/năm; trong đó, nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh cũng tăng đáng kể. Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây tại Trà Vinh có thêm hình thức nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao cho hiệu quả kinh tế khá hiệu quả. Tuy nhiên, để phát triển bền vững đối tượng nuôi này, tỉnh Trà Vinh đang tìm giải pháp nhằm sản xuất tôm theo chuỗi đạt chuẩn xuất khẩu, nhất là vào thị trường Hoa Kỳ.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm cho biết, tôm nuôi nước lợ là đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh Trà Vinh. Do đó, tỉnh đang hướng phát triển ngành tôm trở thành ngành công nghiệp sản xuất mũi nhọn, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái. Đặc biệt, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020, sản lượng tôm nuôi nước lợ đạt 70.640 tấn/năm và đến năm 2030 đạt 103.340 tấn/năm.
Chính vì thế, để phát triển bền vững ngành hàng này, tỉnh đã chỉ đạo tới các địa phương nuôi tôm theo chuỗi giá trị, gia tăng sản lượng và nâng cao chất lượng tôm thương phẩm, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu, nhằm nâng cao giá trị của ngành hàng tôm địa phương, tăng thu nhập cho bà con nuôi.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm chỉ đạo Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa họa để phát triển nuôi tôm bền vững.
Hiện nay, con tôm của tỉnh đã xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ. Riêng thị trường Mỹ rất tiềm năng nhưng đây là thị trường khó tính, đòi hỏi sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt nên tôm Trà Vinh vào thị trường này rất ít.
Tại Hội thảo "Mô hình suất tôm theo chuỗi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ" do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính thuộc Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) của Thủ tướng Chính phủ tổ chức mới đây tại Trà Vinh, ông Josh Madeira, đại diện tổ chức Seafood Watch (tổ chức được Bộ Thương mại Mỹ ủy quyền trong việc kiểm định, giám sát, đánh giá chất lượng thủy sản trước khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ) cho biết, hiện nay, các nước châu Á, gồm Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam là các quốc gia chính xuất khẩu sản phẩm tôm sang các nước Bắc Mỹ và châu Âu.
Bên cạnh yêu cầu về sản phẩm sạch thì trên 90% thị trường bán lẻ Bắc Mỹ và 75% thị trường bán lẻ châu Âu yêu cầu hải sản bền vững môi trường. Do vậy, doanh nghiệp và hộ nuôi phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, đây tiêu chuẩn hàng đầu đối với khách hàng của các thị trường này. Việc sản xuất tôm theo chuỗi từ khâu sản xuất con giống đến chế biến ứng dụng công nghệ cao, bền vững môi trường là giải pháp giúp gia tăng giá trị xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, thời gian qua, nuôi tôm công nghệ cao ở tỉnh Trà Vinh cho năng suất tăng từ 7 - 8 lần so với cách nuôi thông thường. Cùng với đó, kích cỡ và chất lượng tôm nuôi cũng cao hơn nên người nuôi thu lợi nhuận gấp 2 lần trở lên so với cách nuôi truyền thống. Tuy nhiên, điều khiến các địa phương lo ngại là tình trạng xả thải và xử lý nước thải của một số doanh nghiệp, hộ nuôi không đảm bảo đúng quy trình, gây ảnh hưởng môi trường tự nhiên.
Vì thế, nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn quy trình nuôi tôm nước lợ siêu thâm canh, công nghệ cao và yêu cầu người nuôi tuân thủ.
Bên cạnh các hình thức tuyên truyền, hướng dẫn người dân, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh cũng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra các hộ nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao, phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm để xử lý theo quy định, tránh ảnh hưởng môi trường cộng đồng.
Cùng với đó, để ngành hàng tôm phát triển bền vững, hiệu quả, hướng tới xuất khẩu ở những thị trường khó tính, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền cho rằng, gười nuôi tôm ở Trà Vinh cần liên kết sản xuất, hình thành các trang trại, tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để dễ kêu gọi doanh nghiệp kí kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Mặt khác, tỉnh cũng kiến nghị ưu tiên kinh phí cho các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ nghề nuôi trồng thủy sản, như hệ thống thủy lợi, điện 3 pha, giao thông…
Hơn nữa, Chính phủ cũng cần thực hiện thêm chính sách mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào ngành hàng tôm; trong đó ưu tiên đầu tư liên kết sản xuất, nguyên liệu, nhà máy thức ăn, thu mua nguyên liệu của bà con…
Năm 2018, tỉnh Trà Vinh thả nuôi 5,6 tỷ con giống tôm sú và thẻ chân trắng trên tổng diện tích 32.600 ha tập trung chủ yếu tại các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Châu Thành, Trà Cú và thị xã Duyên Hải với tổng sản lượng thu hoạch đạt gần 53.000 tấn.