Doanh nghiệp Việt ngày càng quan tâm đến sản xuất và tiêu dùng bền vững
Sản xuất, tiêu dùng bền vững là một trong những xu hướng tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn nguyên vật liệu sơ cấp của Việt Nam ngày càng cạn kiệt.
Việt Nam là nước cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững Việt Nam năm 2004, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và mới đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Sản xuất và phân phối Xanh - Giải pháp cho phát triển kinh tế bền vững” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 30/8 tại Hà Nội, ông Cù Huy Quang, Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, sản xuất, tiêu dùng bền vững là một trong những xu hướng tất yếu không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở các nước trên thế giới. Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu nhận thức được vấn đề sản xuất bền vững cũng như trong phân phối xanh, phân phối bền vững. Việc các doanh nghiệp nhận thức được sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng như phân phối xanh giúp các doanh nghiệp tiếp cận được với những xu thế trên thế giới và ở các khu vực, đặc biệt là các quốc gia có FTA với Việt Nam.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Huân, Phó Giám đốc Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin (VITE) đánh giá, sản xuất xanh, sạch hơn là một xu hướng tất yếu và điều này sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp theo cả hai hình thức là chủ động và bị động.
Ví dụ từ ngành Than, trong quá trình sản xuất, một phần các nguyên nhiên vật liệu có thể sẽ bị thải bỏ, song xu hướng sẽ chuyển đổi để làm sao các chất thải được đưa vào thành một dạng thành phẩm khác, kéo dài quá trình sản xuất.
Hơn nữa, trong quá trình triển khai sản xuất xanh, sạch hơn các doanh nghiệp sản xuất than có cơ hội được tiếp cận với công nghệ, phương pháp khai thác, chế biến hiện đại để từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, cũng như tiết kiệm năng lượng và từ đó góp phần bảo vệ môi trường một cách tốt hơn. Quan trọng hơn, sản xuất xanh, sạch hơn giúp tăng hiệu quả các dự án, nâng uy tín của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của các sản phẩm.
Trong khi đó, xu hướng tiêu dùng bền vững cũng ngày một lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ. Bà Nguyễn Thị Mỹ Hưng, Quản lý Bộ phận Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của MM Mega Market Việt Nam nhìn nhận, người tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là giới trẻ rất chủ động trong việc tìm kiếm những sản phẩm hay những dịch vụ bảo vệ môi trường bền vững.
“Xu hướng tiêu dùng xanh càng ngày càng mạnh mẽ hơn, làm cho doanh nghiệp phải có tư duy thay đổi, làm sao để sản phẩm và dịch vụ của mình đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mới hiện nay”, đại diện MM Mega Market Việt Nam cho biết.
Thích ứng xu hướng này, MM Mega Market đã xây dựng chuỗi siêu thị đầu tiên không phát túi nilon cho khách hàng tại quầy tính tiền và đưa ra những giải pháp cho khách hàng, như thùng carton để khách hàng đựng, túi mua hàng sử dụng nhiều lần, túi nilon phân hủy sinh học, tập trung kinh doanh các sản phẩm hữu cơ…
Trong vận hành của MM Mega Market cũng luôn có những giải pháp tiết kiệm năng lượng cũng như hướng đến sử dụng năng lượng sạch từ nhiều năm qua. Ví dụ MM Mega Market dùng những hệ thống khuếch tán ánh sáng tự nhiên để tiết kiệm điện hay thay thế trang thiết bị để sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Hiện nay, MM Mega Market đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời tại 11 trung tâm.
Thúc đẩy từ cơ chế chính sách
Áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những xu hướng tất yếu tại Việt Nam trong thời gian tới. Tuy vậy, khi triển khai, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều vướng mắc. Ông Nguyễn Hoàng Huân cho rằng, cần có những giải pháp về cơ chế, chính sách và ưu tiên và khuyến khích việc nghiên cứu khoa học, phát triển các công nghệ hiện đại để áp dụng vào sản xuất, để làm sao tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải cũng như cải tạo để kịp thời đáp ứng mục tiêu tiết kiệm năng lượng cũng như nâng cao sản lượng và hiệu quả của trang thiết bị đầu tư.
“Quan trọng nhất là cần có những cơ chế, chính sách giúp các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi vì chi phí của nó rất lớn vì vậy nguồn vốn này có thể là vừa giá rẻ và thời gian ưu đãi dài. Vì việc sản xuất xanh và sạch không thể nào ngày 1, ngày 2 được, vì vậy cần một nguồn vốn dài hạn và ổn định. Đặc biệt, Nhà nước cần phải có những chính sách mang tính chất khuyến khích và ưu tiên”, ông Nguyễn Hoàng Huân kiến nghị.
Đại diện MM Mega Market khuyến nghị các doanh nghiệp nên có thêm những bộ phận hay cán bộ chuyên trách về mảng phát triển bền vững để tìm hiểu những khung luật, hiểu về chính sách. Bởi doanh nghiệp sẽ hiểu rõ chính mình đang ở mức độ nào trong phát triển bền vững và đi tìm những giải pháp phù hợp với doanh nghiệp của mình thì hành trình chuyển đổi sang hướng bền vững sẽ nhanh hơn.
Với vai trò quản lý, ông Cù Huy Quang cho biết, khi chuyển đổi sang nền sản xuất xanh doanh nghiệp cần lựa chọn được mô hình phù hợp với quy mô sản xuất của mình. Cùng với đó, vốn đầu tư cũng là một trong những thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguồn vốn đầu tư thấp. Các doanh nghiệp rất khó để tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi cũng như lãi suất thấp.
“Trong thời gian tới, chúng tôi cũng tham mưu cho lãnh đạo để xây dựng được những tiêu chuẩn về những mô hình kinh tế tuần hoàn. Chúng tôi sẽ cố gắng áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào những khu công nghiệp, khu chế xuất, đẩy mạnh áp dụng những mô hình về tái chế, tái thu hồi, tái sử dụng trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là trong các ngành có rất nhiều tiềm năng về tái chế của chúng ta như hiện nay”, ông Cù Quang Huy cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng nâng cao năng lực quản lý cho các địa phương trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất bền vững, tiêu dùng bền vững tại các địa phương. Ngoài ra, chú trọng hơn nữa đến công tác truyền thông, làm sao đó để nâng cao được tư duy, ý thức của cộng đồng doanh nghiệp cũng như thay đổi hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng trong việc lựa chọn những sản phẩm xanh, sạch và sản phẩm thân thiện với môi trường.