Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh cho biết: Xác định nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế, huyện xác định các loại cây trồng chủ lực gồm cà phê, cao su, hồ tiêu. Với những lợi thế, thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng, khí hậu, cây sầu riêng hiện nay đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của huyện, mang lại lợi nhuận và thu nhập cao cho người dân địa phương. Từ loại cây trồng xen canh để sử dụng và làm quà, đến nay, sầu riêng Krông Pắc đã lan tỏa, xây dựng và khẳng định được thương hiệu trong và ngoài nước.
Bà Ngô Thị Minh Trinh nhấn mạnh, lễ hội nhằm truyền thông, quảng bá về hình ảnh, quê hương và con người huyện Krông Pắc đến với du khách trong và ngoài tỉnh; tôn vinh giá trị kinh tế các loại trái cây đặc sản, chất lượng cao, những sản phẩm đặc sản tiềm năng, thế mạnh của huyện, đặc biệt là Sầu riêng Krông Pắc; tạo cơ hội giao thương giữa người trồng, người sản xuất, nhà doanh nghiệp, cơ sở chế biến sản phẩm từ trái cây và người tiêu dùng.
Lễ hội góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh của huyện Krông Pắc về kinh tế gắn với phát triển văn hóa, du lịch và triển vọng phát triển bền vững, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào huyện trên tinh thần hợp tác, hữu nghị; xây dựng hệ sinh thái những người làm nông nghiệp tử tế, phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững mang lại sự an toàn và giá trị kinh tế cao. Các hoạt động tại Lễ hội còn nhằm chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024) và 49 năm ngày giải phóng huyện Krông Pắc (17/3/1975 - 17/3/2024).
Huyện Krông Pắc có tổng diện tích tự nhiên 62.576 ha, dân số hơn 200.000 người, có 35 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 36,49% dân số. Trên địa bàn huyện có 16 đơn vị hành chính (15 xã và 1 thị trấn) với 249 thôn, buôn, tổ dân phố.
Huyện có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển du lịch. Tổng diện tích cây lâu năm của huyện Krông Pắc hiện có 32.914 ha cây trồng các loại, trong đó có 7.157 ha diện tích sầu riêng. Sản lượng sầu riêng năm 2023 của huyện đạt khoảng 70.000 tấn. Toàn huyện có 34 mã vùng trồng đã được cấp mã số với diện tích 2.015 ha sầu riêng của 3.761 hộ và có 13 cơ sở đóng gói các loại trái cây tươi xuất khẩu đã được cấp mã số đang hoạt động.
Năm 2022, sản phẩm trái sầu riêng tươi huyện Krông Pắc đã được Cục sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận số 413207, chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu “Krông Pắc Durian - sầu riêng Krông Pắc” cho tập thể Hội nông dân huyện Krông Pắc theo quyết định 16552/QĐ-STT ngày 08/03/2022 của Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ. Cũng trong năm 2022, huyện tổ chức thành công Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ I và Lễ xuất khẩu lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu theo đường chính ngạch sang Trung Quốc.
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Nguyễn Thị Kim Oanh cho biết: So với Lễ hội sầu riêng lần thứ I năm 2022, Lễ hội lần này được đánh giá có quy mô lớn hơn và nhiều hoạt động mới, đặc sắc hơn. Với chủ đề “Sầu riêng Krông Pắc - Phát triển và Hội nhập”, Lễ hội sầu riêng Krông Pắc - Đắk Lắk lần thứ II năm 2024 diễn ra từ ngày 31/8 - 2/9 với 12 chuỗi sự kiện chính, gồm: Lễ khai mạc, chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật, hội thảo xây dựng và phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững, hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP và nông nghiệp tiềm năng của địa phương, Hội thi Nông dân sản xuất Sầu riêng giỏi, Lễ bế mạc…
Bên lề lễ hội sầu riêng còn có chuỗi các hoạt động văn hóa, quảng bá du lịch của huyện như: Giải chạy Việt Dã vì sức khỏe cộng đồng, Lễ hội đường phố, Ngày hội văn hóa - Ẩm thực các dân tộc huyện Krông Pắc (mở rộng), Trải nghiệm thưởng thức Sầu riêng tại vườn và tham quan cây Sầu riêng cổ thụ; Vũ hội ánh sáng và giao lưu nghệ thuật giữa các Câu lạc bộ đội, nhóm nghệ thuật; Lễ chào cờ và đồng diễn áo dài của 2000 hội viên Hội phụ nữ dịp Lễ quốc khánh 2/9/2024. Trong đó, lễ khai mạc Lễ hội dự kiến tổ chức vào 20 giờ ngày 31/8 tại Quảng trường khu vực hồ Tân An (thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc).