Theo ông Đinh Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Nam Định, Quốc lộ 21 đi các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Hà Nội, Thái Bình, đoạn qua địa bàn thành phố Nam Định có lưu lượng xe lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định và các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Từ thực tế đó, được sự đồng ý của Chính phủ, ngày 10/7/2008, UBND tỉnh Nam Định và Công ty cổ phần Tasco đã ký hợp đồng về việc xây dựng tuyến đường tránh thành phố Nam Định từ Quốc lộ 10 tới thị trấn Mỹ Lộc theo phương thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Dự án bao gồm một tuyến đường chính và một tuyến đường nhánh. Tuyến đường chính dài 3,9 km, nối từ Quốc lộ 10 (đoạn qua địa bàn thành phố Nam Định) chạy lên phía huyện Mỹ Lộc.
Theo phụ lục hợp đồng giữa UBND tỉnh Nam Định và Tasco ký ngày 15/8/2014, dự án đường BOT trên có sự điều chỉnh. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 487,7 tỷ đồng; trong đó, hạng mục đường giao thông 425,5 tỷ đồng, hạng mục trạm thu phí 62,2 tỷ đồng. Thời điểm đó, dự kiến thời gian Tasco được thu phí hoàn vốn là 17,17 năm, bắt đầu tính từ ngày 1/8/2009.
Mức giá đối với các phương tiện qua Trạm BOT Mỹ Lộc (thời điểm năm 2017 - 2018) là: Xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng 30.000 đồng/lượt; xe từ 12 đến 30 chỗ ngồi, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn là 40.000 đồng/lượt; xe 31 chỗ ngồi trở lên, xe tải từ 4 đến dưới 10 tấn 60.000 đồng/lượt; xe tải từ 10 đến dưới 18 tấn và container 20 fit là 100.000 đồng/lượt; xe tải từ 18 tấn trở lên và container 40 fit thu 160.000 đồng/lượt.
Theo thông tin từ Công ty cổ phần Tasco, trung bình đơn vị thu được gần 300 triệu đồng/ngày (năm 2017). Từ cuối tháng 7/2018, các chủ phương tiện cho rằng, Trạm BOT Mỹ Lộc đặt chưa đúng vị trí. Lẽ ra, phải lùi trạm về phía thành phố Nam Định khoảng 300m, như vậy các xe đi từ Hà Nội, Hà Nam về có thể lựa chọn đi ra Quốc lộ 21 cũ để vào thành phố Nam Định mà không qua đoạn đường BOT từ trạm thu phí về BigC Nam Định.
Hơn nữa, mức giá thu quá cao nên nhiều phương tiện đã phản đối mua vé, dừng xe giữa làn thu phí gây ách tắc giao thông khiến đơn vị thu phí nhiều lần phải xả trạm. Khoảng từ tháng 8/2018 đến nay, Trạm BOT Mỹ Lộc hoàn toàn mất kiểm soát. Tại khu vực trạm luôn có một nhóm khoảng 5 - 7 người tự xưng là đại diện cho hiệp hội lái xe túc trục để ngăn việc thu phí.
Giải đáp những phản ánh của các chủ phương tiện, đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Nam Định và Sở Tài chính tỉnh Nam Định khẳng định: Dự án xây dựng tuyến tránh thành phố Nam Định theo hình thức BOT hoàn toàn đúng quy định. Trạm BOT Mỹ Lộc đặt tại Km21+174,82 là đúng vị trí, nằm hoàn toàn trong phạm vi 3,9 km đường BOT.
Về cách tính phí, thời gian hoàn vốn tại Trạm BOT Mỹ Lộc, ông Trần Chí Hiền, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Nam Định lý giải, mức phí Tasco áp dụng tại Trạm thu phí Mỹ Lộc thực hiện theo Thông tư 33 của Bộ Tài chính ban hành ngày 25/2/2016; dựa vào tổng mức đầu tư, lưu lượng phương tiện qua trạm và các quy định của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn, chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính… Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế có thể điều chỉnh thời gian hoàn vốn cũng như mức phí.
Trên tinh thần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân, cuối tháng 12/2018, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định thống nhất với đại diện Công ty cổ phần Tasco thực hiện giảm phí tại Trạm BOT Mỹ Lộc từ ngày 1/1/2019.
Theo đó, xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng giảm xuống còn 15.000 đồng/lượt; xe từ 12 chỗ ngồi đến 30 chỗ ngồi, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn còn 25.000 đồng/lượt; xe 31 chỗ ngồi trở lên, xe tải từ 4 đến dưới 10 tấn thu 35.000 đồng/lượt; xe tải từ 10 đến dưới 18 tấn và container 20 fit là 60.000 đồng/lượt; xe tải từ 18 tấn trở lên và container 40 fit thu 120.000 đồng/lượt.
Dự kiến, Trạm BOT Mỹ Lộc sẽ thu phí trở lại trong quý 1/2019. Thời gian kết thúc thu phí hoàn vốn dự kiến đến năm 2028. Từ quý 3/2019, sẽ triển khai thu phí tự động không dừng tại Trạm BOT Mỹ Lộc.
Ông Trần Kha, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nam Định cho rằng: Với việc triển khai thu phí tự động không dừng, mọi thông tin về lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí, tổng mức thu sẽ được công khai, minh bạch để mọi người nắm được. Trong trường hợp lưu lượng xe tăng, tổng mức thu lớn, thời gian thu phí có thể tiếp tục được xem xét, điều chỉnh theo hướng rút ngắn.
Hiện nay, Quốc lộ 21 với quy mô đường cấp 3 đồng bằng đoạn qua Nam Định vẫn đang khai thác hiệu quả. Các phương tiện có thể lựa chọn phương án đi đường không mất phí bằng việc đi vào Quốc lộ 21, không đi vào tuyến đường được đầu tư theo hình thức BOT mà không ảnh hưởng tới lộ trình từ thành phố Nam Định đi Hà Nam, Hà Nội và ngược lại.
Cơ quan chức năng tỉnh Nam Định mong muốn nhận được sự đồng thuận của người dân, các đơn vị vận tải. Lực lượng chức năng tỉnh đã xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự tại Trạm BOT Mỹ Lộc khi tiến hành thu phí trở lại và sẽ xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định pháp luật.