Sẽ sửa đổi, bổ sung quy định để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử

Bộ Công Thương sẽ xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: Để thương mại điện tử phát triển bền vững đi liền với việc bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương sẽ xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định số 17/2022/NĐ-CP; trong đó, tăng cường chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử. 

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Phạm Hậu/TTXVN

Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định liên quan đến thương mại điện tử như bổ sung các khái niệm mới phù hợp với quy định tại Luật giao dịch điện tử năm 2023 và Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi năm 2023. Cùng đó, bổ sung quy định xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên các website, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về thương mại điện tử cho địa phương trong quản lý, giám sát và giải quyết tranh chấp trực tuyến trong hoạt động thương mại điện tử.

Ngoài ra, Bộ sẽ tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu nền tảng số/nền tảng số trung gian, người có ảnh hưởng; xác định rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử như logistics, ISP, dịch vụ tiếp thị liên kết; chính sách quản lý mạng xã hội hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; quy định quản lý tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam...

Mặt khác, Bộ sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao tinh thần tuân thủ pháp luật và bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng; tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người tiêu dùng cẩn trọng, nghiên cứu kỹ thông tin sản phẩm, thông tin người bán hàng trong giao dịch trên mạng. Đồng thời hướng dẫn, khuyến khích người tiêu dùng kỹ năng kiểm tra, đánh giá thương hiệu, chất lượng sản phẩm, uy tín nhà cung cấp trên không gian mạng, phát hiện, phòng tránh thủ đoạn lừa đảo, dụ dỗ.

"Bộ Công Thương sẽ tích cực chủ động rà soát các website/ứng dụng thương mại điện tử trong việc tuân thủ pháp luật; chủ động phát hiện, xử lý trường hợp buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng" - đại diện Bộ Công Thương khẳng định. Đồng thời, Bộ sẽ tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương để khai thác thông tin phục vụ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử; phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 9 Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Y tế và các lực lượng chức năng để phát hiện, xử lý triệt để các đường dây, cơ sở, cá nhân vi phạm.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thương mại điện tử đã và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng lớn trong thương mại toàn cầu. Tại Việt Nam, hoạt động thương mại điện tử cũng đã phát triển tích cực, trở thành kênh phân phối quan trọng phục vụ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân và góp phần phát triển dịch vụ tài chính, thanh toán hiện đại.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2023, hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng 25% so với năm 2022, được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Dự báo, những năm tới, hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử cũng đặt ra thách thức với quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho hay: Nhằm phát triển hoạt động thương mại điện tử lành mạnh, bền vững, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và được Quốc hội thông qua năm 2023. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Mặt khác, Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Theo đó, một số mục tiêu cụ thể được đề ra là 100% các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả; 100% các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử lớn được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về thương mại điện tử, pháp luật chuyên ngành đối với các hàng hóa do tổ chức, cá nhân kinh doanh; 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi của mình.

Hơn nữa, Bộ Công Thương đã xây dựng, vận hành cơ chế tiếp nhận kiến nghị và phản hồi trực tuyến đối với người tiêu dùng thông qua Cổng Thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn và Tổng đài bảo vệ người tiêu dùng tại Bộ Công Thương và 52 tỉnh, thành phố theo đầu số miễn cước 1800. từ năm 2015 để tư vấn, hỗ trợ trực tiếp các vấn đề phát sinh của người tiêu dùng; riêng tại Bộ Công Thương hàng năm tiếp nhận hơn 11.000 cuộc gọi tới.

Ngoài ra, Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi, giám sát, phát hiện, xử lý các vi phạm thông qua bán hàng online, livestream. Năm 2023, Bộ đã yêu cầu các sàn, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ/khóa 6.254 gian hàng với 23.359 sản phẩm vi phạm. Lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 9 Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Y tế và các lực lượng chức năng rà soát, xử lý hàng trăm website/ứng dụng vi phạm mỗi năm, chuyển cơ quan Công an xử lý nhiều vụ việc, ngăn chặn nguy cơ gây thiệt hại quy mô lớn cho người dân; tổ chức các Cuộc thi "Người tiêu dùng trẻ trong thương mại điện tử" trong các năm 2022 và 2023 thu hút hơn 10.000 người tham gia mỗi năm. Cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng" năm 2022 và 2023 hướng tới nhóm đối tượng là sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp, thu hút gần 15.000 người chơi mỗi năm; đăng tải trên 30 video clips tuyên truyền lên các tài khoản mạng xã hội và được hơn 200.000 lượt xem/thích.

Đồng thời, tổ chức ký cam kết với một số sàn thương mại điện tử lớn nhằm nâng cao ý thức của doanh nghiệp trong việc nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, như các cam kết về "Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử" từ năm 2019 cho tới nay. Đặc biệt, Bộ Công Thương thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông… đăng tải thông tin, bài viết bao gồm hướng dẫn về quy định mới, thông báo, yêu cầu rà soát, gỡ bỏ sản phẩm, thông tin cảnh báo tới người tiêu dùng. 

Cùng đó là tuyên truyền, phổ biến về hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc nắm bắt và phòng tránh các nguy cơ lừa đảo và bảo vệ mình trước thủ đoạn của đối tượng vi phạm pháp luật. Cụ thể như cảnh báo giả mạo Bộ Công Thương về việc phê duyệt dự án tham gia kiếm tiền online; cảnh báo giả mạo Bộ Công Thương về việc phê duyệt dự án tham gia nhận quà online; cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới về "tuyển mẫu nhí chụp ảnh làm đại diện thương hiệu… 

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp, song Bộ Công Thương cho rằng việc quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử vẫn còn các tồn tại, hạn chế như tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn diễn biến phức tạp; thương mại điện tử đang ngày càng có tác động lớn, đặc biệt với nhóm đối tượng trẻ, người cao tuổi, người dân sinh sống ở vùng nông thôn, vùng cao, vùng xa; trong đó, đã phát sinh một số hệ lụy tiêu cực như vấn đề lừa đảo trên không gian mạng, nghiện mua hàng.

Lý giải nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế Bộ Công Thương cho biết, hiện nay quy định về trách nhiệm và chế tài với hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái còn thiếu và chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó, bán hàng trên môi trường mạng phát triển quá nhanh trên địa bàn rộng, với số lượng giao dịch rất lớn trong khi nguồn nhân lực để giám sát, xử lý còn mỏng. Đồng thời, thủ đoạn lừa đảo, giả mạo bán hàng trên không gian mạng ngày càng tinh vi; trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng mới tham gia mua hàng online, dễ bị lôi kéo do các thủ đoạn lừa đảo, dụ dỗ mua hàng giá rẻ.

Uyên Hương (TTXVN)
Bộ Tài chính thông tin việc ‘sàn thương mại điện tử phải nộp thuế thay người kinh doanh’
Bộ Tài chính thông tin việc ‘sàn thương mại điện tử phải nộp thuế thay người kinh doanh’

Theo thông tin Bộ Tài chính chiều 1/6, ngành Thuế đã và đang có giải pháp tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN