Vào lúc 13 giờ 30 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,7% xuống 2.336,40 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn giảm 0,3% xuống 2.355 USD/ounce.
Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 3/2024 đã tăng 0,4% so với tháng trước đó và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đều cao hơn dự đoán tháng thứ ba liên tiếp. Giới quan sát cảnh báo sự gia tăng lạm phát hiện nay có thể không phải là tạm thời mà là một xu hướng đáng lo ngại.
Chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt đã tăng 1,1%. Lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ cũng tăng mạnh sau số liệu nói trên, khiến cho vàng trở nên bớt hấp dẫn hơn.
Dù được xem là biện pháp phòng trừ rủi ro lạm phát, sức hấp dẫn của vàng thường giảm xuống trong môi trường lãi suất cao.
Căng thẳng Trung Đông nâng đỡ giá dầu
Giá dầu tăng trong phiên giao dịch chiều 11/4 tại châu Á, khi căng thẳng tại Trung Đông có dấu hiệu gia tăng.
Vào lúc 13 giờ 32 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 5 xu Mỹ lên 90,53 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 4 xu Mỹ lên 86,25 USD/thùng.
Giá hai loại dầu trên đều tăng hơn 1% trong phiên trước sau những diễn biến leo thang căng thẳng tại Trung Đông. Chuyên gia Yeap Jun Rong của công ty IG nhận định giá dầu vẫn nhạy cảm với những diễn biến địa chính trị ở Trung Đông, khi thị trường đang tính đến khả năng gián đoạn nguồn cung nếu tình hình căng thẳng này kéo dài hơn.
Ông Yeap cho rằng tình hình căng thẳng địa chính trị nói trên đã lấn át tác động tiêu cực đối với nhu cầu dầu, khi thị trường điều chỉnh các dự đoán về lộ trình lãi suất của Fed.
Theo đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự đoán sẽ không hạ lãi suất vào tháng Sáu mà phải đến tháng Chín với bắt đầu giảm lãi suất. Việc duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu.
Hầu hết các TTCK châu Á đi xuống
Phần lớn các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên chiều 11/4, sau khi số liệu lạm phát vượt dự đoán của Mỹ đã đẩy lùi những kỳ vọng về một đợt hạ lãi suất vào tháng Sáu và buộc giới giao dịch phải thay đổi dự đoán về lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trong đó thậm chí có ý kiến cho rằng bước đi tiếp theo của ngân hàng này có thể là nâng lãi suất.
Khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 0,4% xuống 39.442,63 điểm. Tại Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng để mất 0,26% xuống 17.095,03 điểm. Sắc đỏ cũng được ghi nhận tại các thị trường Sydney, Singapore, Wellington, Đài Bắc, Bangkok và Manila. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite ở Thượng Hải tăng 0,2% lên 3.034,25 điểm.
Đà giảm điểm nói trên diễn ra sau một phiên bán tháo trên Phố Wall và đồng USD tăng lên mức cao nhất 34 năm so với đồng yen, từ đó làm dấy lên những dự đoán rằng giưới chức Nhật Bản sẽ can thiệp để hỗ trợ cho đồng tiền nước này.
Bên cạnh số liệu CPI nói trên, các số liệu khác, gần nhất là báo cáo việc làm khả quan hơn dự đoán, còn cho thấy kinh tế Mỹ vẫn đang trong thể trạng tốt dù lãi suất đang ở mức cao nhất 20 năm qua và lạm phát cao hơn mục tiêu. Các số liệu này đã đẩy lùi dự đoán mà Fed đưa ra trong cuộc họp mới nhất là sẽ có ba đợt hạ lãi suất trong năm nay.
Giới đầu tư khởi động năm 2024 với sự lạc quan rằng Fed sẽ hạ lãi suất sáu lần trong năm nay, lần đầu tiên vào tháng Ba. Nhưng giờ đây họ dự đoán sẽ có nhiều nhất là hai đợt hạ lãi suất, và khả năng Fed bắt đầu giảm lãi suất vào tháng Sáu đã giảm mạnh.
Chuyên gia Torsten Slok của công ty Apollo Global Management còn bi quan hơn khi cho rằng Fed sẽ không hạ lãi suất trong năm 2024. Thậm chí, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers còn khuyến cáo giới giao dịch cần nghiêm túc nhìn nhận khả năng bước đi tiếp theo của Fed là tăng lãi suất, chứ không phải hạ lãi suất.
Còn tại Việt Nam, kết thúc phiên này, chỉ số VN-Index giảm 0,36 điểm, hay 0,03%, xuống 1.258,2 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 0,28 điểm, hay 0,12%, lên 239,07 điểm.