Chúng tôi đến xã Cự Thắng, huyện miền núi Thanh Sơn (Phú Thọ) vào đúng phiên chợ buổi sáng. Mặc dù hàng hóa trên thị trường phong phú, song đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đặc biệt là những mặt hàng gia dụng, nhu yếu phẩm hàng ngày.
Dạo quanh một vòng chợ Cự Thắng, chúng tôi đến quầy tạp hóa của anh Năm Nhất, anh cho biết: Trước đây, những mặt hàng của Trung Quốc được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, nhưng nay, tâm lý tiêu dùng của người dân đã có nhiều thay đổi, hướng đến những sản phẩm trong nước. Đặc biệt, những mặt hàng thuộc nhóm đồ may mặc, gia dụng, thực phẩm... mang thương hiệu nội đã dần chiếm được lòng tin của khách hàng và khẳng định được vị trí trên thị trường bởi các mặt hàng này ngày càng được cải tiến về mẫu mã, chất lượng và giá cả phù hợp với đa số người tiêu dùng... Hiện sạp hàng của gia đình anh Nhất có tới 95% số hàng hóa của Việt Nam.
Chị Hà Thị Thắm, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, cách đây hơn 20 năm, ở vùng quê nghèo như xã Cự Thắng chỉ có khoảng 15 tiểu thương rải rác khắp xã. Họ cất hàng ở thị xã Phú Thọ, buôn bán vào những phiên chợ, một tuần họp một lần vào buổi sáng. Cái vất vả của tiểu thương khi ấy là phải gánh, thồ hàng từ thị xã Phú Thọ về nhà, rồi từ nhà mang ra chợ. Hàng hóa không được đa dạng chủng loại. Người nông dân chỉ biết mua những thứ thiết yếu cho gia đình ở chợ. Còn bây giờ những người ở xa về quê chẳng phải "mang củi về rừng" bởi những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, hàng tạp hóa, đồ điện dân dụng... đều được tiểu thương bày bán ở các gian hàng cố định. Hàng hóa giao dịch qua điện thoại. Hàng hóa được chuyển từ thị xã, thành phố, qua đường xe khách liên tỉnh giao hàng tận nhà. Hàng hóa nội địa vừa rẻ lại đảm bảo chất lượng được chủ cửa hàng chọn để phân phối đến tay người tiêu dùng.
Anh Hoàng Quốc Trâm, giáo viên Trường THCS Cự Thắng cho biết, trước đây, anh hay mua giày, dép Trung Quốc về dùng, nhưng nay chuyển sang mua hàng Biti's, vì giá vừa phải, bền, đẹp.
Rời Cự Thắng, chúng tôi đến xã Thu Cúc, một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện nghèo Tân Sơn nhưng hệ thống thương mại, dịch vụ lại nổi lên như một trung tâm mua sắm sầm uất của một thị tứ. Ông Hà Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, Thu Cúc giáp với hai tỉnh là Yên Bái và Sơn La nên rất thuận lợi cho việc giao lưu hàng hóa.
Anh Sùng A Tủa, Trưởng bản người Mông Mỹ Á bộc bạch: Khi có việc lớn, người dân trong bản kéo nhau ra trung tâm xã để mua hàng, nhưng toàn là hàng Việt Nam sản xuất cả thôi vì nó rẻ mà mẫu mã lại đẹp. Bản mình còn nghèo lắm, không có tiền mua hàng nước khác sản xuất đâu! Chẳng biết nó bền được bao lâu nhưng cho mình lựa chọn thì mình sẽ chọn hàng Việt Nam bởi nó rẻ hơn, đẹp hơn lại phù hợp với túi tiền của mình.
Ông Trần Phù Tiêu, Chủ tịch UB MTTQ, Trưởng Ban chỉ đạo CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh Phú Thọ cho biết: CVĐ đã góp phần không nhỏ tới việc xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Các sản phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác, sản phẩm được nhập về từ các nước dần dần được thay bằng các sản phẩm Việt Nam có giá thành hợp lý, chất lượng đảm bảo... Tuy nhiên, hiện nay CVĐ này vẫn còn mang tính chung chung, “thời vụ”. Đặc biệt từ sau Tết Tân Mão đến nay, CVĐ có chiều hướng lắng xuống; công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện CVĐ còn lúng túng. Bên cạnh đó, cơ chế về kinh phí và các điều kiện về triển khai CVĐ chưa được hoạch định, do vậy trong triển khai của Ban chỉ đạo tỉnh còn nhiều khó khăn.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Trần Phù Tiêu cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp để khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp đưa hàng Việt về với thôn bản.
Tạ Văn Toàn