Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh cho biết: Hợp nhất hai công ty cổ phần vận tải đường sắt là mục tiêu chiến lược xuyên suốt của doanh nghiệp trong quá tình tái cơ cấu bộ máy. Mục tiêu của hợp nhất là giải quyết vấn đề cạnh tranh giữa các đơn vị, tăng được doanh thu, thu nhập của người lao động. Đồng thời, khai thác cơ sở vật chất, nguồn lực một cách hiệu quả nhất.
Về phía Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã xây dựng xong phương án hợp nhất hai công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn thành một công ty vận tải đường sắt.
Đại hội cổ đông của hai công ty đã thông qua nội dung liên quan đến hợp nhất công ty và hội đồng quản trị hai công ty đã có quyết định thông qua nội dung và ký kết hợp đồng hợp nhất. Hiện hai công ty đang triển khai các thủ tục tiến tới hợp nhất.
Theo phương án này, việc sát nhập nhằm mục đích chuyên môn hoá, tách bạch vận tải hàng hoá và vận tải hành khách. Đồng thời, thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia, đầu tư vào vận tải hàng hóa, hành khách để khai thác nguồn lực xã hội về tài chính, công nghệ, thị trường và đặc biệt là quản trị.
Phương án này cũng hạn chế tối đa cạnh tranh nội bộ, tập hợp nguồn lực để nâng cao năng lực cạnh tranh với các phương thức vận tải khác, hạ giá thành vận tải… Trên cơ sở đó, doanh nghiệp tận dụng lợi thế vận tải, nghiên cứu cung cấp dịch vụ trọn gói, tạo thuận lợi cho khách hàng để tăng thị phần, tạo thêm việc làm, tăng năng suất lao động, nâng cao đời sống thu nhập cho người lao động.
Theo Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện xong việc hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn thành 1 Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt hoàn thành trong năm 2024.
Hiện Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn là doanh nghiệp thành viên, có vốn góp của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội gồm có 15 chi nhánh trực thuộc; trong đó, có 11 chi nhánh vận tải đường sắt và 4 chi nhánh toa xe, với quản lý các tuyến đường sắt Thống nhất Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, tuyến phía Tây Hà Nội - Lào Cai, tuyến phía Bắc Hà Nội - Đồng Đăng, tuyến phía Đông Hà Nội - Hải Phòng, tuyến Yên Viên - Quán Triều, Kép - Cái Lân. Ngoài ra, công ty còn tổ chức đường sắt vận chuyển hàng hoá, hành khách Liên vận quốc tế qua hai cửa khẩu Hà Khẩu và Hữu Nghị Quan với đường sắt Trung Quốc.
Đối với Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn đang tổ chức vận chuyển hàng hóa bằng các đoàn tàu chuyên tuyến như H3/4 Sóng Thần - Giáp Bát, SBN 1/2 Sóng Thần - Yên viên (Hà Nội), tàu nhanh H1/2 vận chuyển hàng đông lạnh Sóng Thần - Đồng Đăng (Lạng Sơn), tàu HSK1/2 Sóng Thần - Kim Liên, tàu HDS1/2 Sóng Thần - Diêu Trì, … Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có các đôi tàu khu đoạn vận chuyển hàng hóa tới tất cả các ga trên mạng lưới đường sắt Quốc gia; cung cấp các dịch vụ vận chuyển từ nhà đến nhà, từ kho đến kho.
Dự kiến, sau khi hợp nhất, việc vận tải hành khách, tách vận tải hàng hoá ra khỏi doanh nghiệp trên. Lúc đó, thị trường vận tải hàng hóa do công ty con đảm nhận và thị trường vận tải hành khách do doanh nghiệp hình thành sau hợp nhập là Công ty cổ phần Vận tải đường sắt đảm nhận.