Những năm gần đây, địa phương này đã bứt phá khá ngoạn mục bằng các sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng như sầu riêng, chuối laba, dứa mật… và đặc biệt là sản phẩm cá tầm đưa nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu.
Tuy nhiên, do vướng phải quy hoạch đất đai của địa phương cùng một số rào cản khác, nghề nuôi cá nước lạnh của địa phương này đang gặp phải nhiều khó khăn và chính quyền địa phương cũng chưa giải quyết được.
Nghề thu bạc tỷ
Đầu tháng 10/2024, phóng viên TTXVN có mặt tại Trang trại nuôi cá tầm của gia đình anh Nguyễn Duy Khánh ở thôn 2, xã Liêng Srônh (huyện Đam Rông). Đây là nơi con suối Đạ Jam dưới chân núi Hằng Nga quanh năm cung cấp nguồn nước trong lành cho người dân địa phương sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2020, anh Khánh đã xây dựng hàng chục bể nuôi cá tầm trên diện tích khoảng 5.000 m2 có mái che, nuôi giống cá có nguồn gốc từ Liên bang Nga nhập về địa phương. Đây là giống cá tầm thích hợp với nhiệt độ nước 22-24 độ C từ suối Đạ Jam dẫn về và hợp với khí hậu ở vùng Liêng Srônh.
Tại trang trại này, nhóm phóng viên chứng kiến 3 công nhân của Trại tháo cửa chặn nước tại một bể cá lớn để mực nước hạ xuống. Khoảng 5 phút sau, những con cá tầm giống, trọng lượng lên tới vài chục ký mỗi con, quẫy nước trắng xóa. Một công nhân lội xuống bể, ôm lấy con cá lớn nặng khoảng 25 - 30 kg, nhấc lên khỏi mặt nước trong vài giây để khách chụp hình. Trong 4 năm qua, trang trại nuôi cá nước lạnh của gia đình anh Khánh đã cung cấp nguồn cá tầm thịt ổn định cho thị trường các tỉnh, thành phía Nam, đem về nguồn thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng.
Gia đình ông Huỳnh Ngọc Thu Là người nuôi cá tầm nổi tiếng ở xã Rô Men (huyện Đam Rông). Trên diện tích gần 1 ha, ông Thu đã xây dựng 22 bể composite ương cá giống và 20 bể nhỏ, mỗi bể 16 m3 để nuôi cá nhỏ. Khi cá giống lớn, ông Thu san cá ra 32 bể lớn, mỗi bể có diện tích 100 m2. Hiện trang trại của gia đình ông Thu mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn cá. Nơi tiêu thụ là Thành phố Hồ Chí Minh. “Vì mình đã có thương hiệu, đầu ra ổn định có hợp đồng nên cá làm ra bao nhiêu là tiêu thụ hết bấy nhiêu”, ông Thu chia sẻ.
Cũng theo nông dân này, trung bình mỗi con cá tầm giống khi nhập về chi phí 15.000 đồng, nuôi trong vòng 15 tháng sẽ xuất bán được với trọng lượng trên dưới 2 kg, giá bán 220.000 đồng/kg. Với kinh nghiệm phong phú và hạ tầng ổn định, hằng năm ông Thu có lợi nhuận khoảng 5 tỷ đồng nhờ nuôi cá tầm.
Vướng mắc cản trở nghề
Theo thông tin từ UBND huyện Đam Rông, tuy nghề nuôi cá tầm đang thịnh hành và phát triển, nhưng cũng đang gặp phải những vấn đề khó khăn mà chính quyền địa phương cũng chưa giải quyết được. Đó là việc quy hoạch chưa được bài bản nên ảnh hưởng đến việc hoàn thiện các thủ tục về đất đai, khai thác mặt nước; một số khu vực người dân nuôi tự phát nên dẫn đến tranh chấp về nguồn nước, gây mất an ninh trật tự ở địa phương…
Ông Phan Văn Đáng, Chánh văn phòng UBND huyện Đam Rông cho biết: Vướng mắc lớn nhất của nghề nuôi cá tầm hiện nay là chưa có 1 quy hoạch bài bản. Cụ thể các trại nuôi cá thường phải tìm được nguồn nước sạch và ổn định mới có thể xây dựng bể để nuôi. Tuy nhiên, những vị trí này thường nằm rải rác trên một địa bàn rộng lớn chứ không tập trung tại một khu vực. Nhiều vị trí nằm trong trên đất quy hoạch lâm nghiệp, đất nông nghiệp, thậm chí ở trong rừng.
Cũng từ vướng quy hoạch đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp nên các hộ nuôi cá tầm không thể chuyển đổi mục đích sang đất nuôi trồng thủy sản. Khi đã không chuyển đổi mục đích sẽ kéo theo nhiều rào cản khác như không thể xin cấp giấy phép nuôi thủy sản, không làm được thủ tục khai thác nước mặt, cấp phép môi trường; không làm được thủ tục san gạt đất để đào ao, xây bể…
Mặc dù chức năng quy hoạch thuộc về UBND huyện, nhưng quá trình quy hoạch đều có giai đoạn cụ thể. Như quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 vừa mới làm xong. Nhưng do người dân không biết, thấy ở vị trí đó có nguồn nước phù hợp nên tự phát nuôi. Khi đã nuôi ổn định, có kết quả rồi cơ quan chức năng tới đối chiếu thấy không phù hợp với quy hoạch, vậy là vi phạm với quy định của nhà nước...
Ông Đáng cho biết: Hiện tại diện tích nuôi cá tầm toàn huyện đã đạt 14,3 ha; trong đó xã Rô Men 6,9 ha; xã Đạ M’Rông 2,35 ha; xã Đạ Tông 1,25 ha, xã Liêng Srônh 3,8 ha. Năng xuất của các diện tích này trung bình đạt 90 tấn/10.000 m2. Với sản lượng đạt 1.200 tấn trong toàn huyện, giá bán trung bình 200.000 - 220.000 đồng/kg, mỗi năm nguồn thu từ loại cá đắt đỏ này đem về cho người dân trong huyện trên dưới 250 tỷ đồng. Với lợi thế là địa phương có nguồn nước lạnh phong phú, chất lượng nước tốt, nghề nuôi cá tầm ở huyện Đam Rông đang có bước phát triển mạnh mẽ trong 5 năm qua.
Tuy nhiên với những rào cản nêu trên, nhiều chủ trang trại vẫn đang vướng mắc phải các thủ tục theo quy định của nhà nước, rất dễ bị xử lý nếu cơ quan chức năng kiểm tra. Nhiều hộ gia đình tìm được vị trí phù hợp đã nuôi tự phát sử dụng nước trên cùng 1 dòng suối, dẫn đến tranh chấp nguồn nước vào mùa khô; khiếu kiện nhau vì trại trên xả nước thải gây ô nhiễm trại phía dưới…
Bởi vậy, địa phương này đang cần có một quy hoạch bài bản, chi tiết, phù hợp với điều kiện thực tế. Để người dân đều có thể tham gia nghề “thu tiền tỷ” này theo đúng quy định của nhà nước, giảm bớt tình trạng tranh chấp, mất an ninh trật tự ở trên vùng đất gian khó này…