Sử dụng hiệu quả Quỹ bảo trì đường bộ

Năm 2013, Quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động và cũng là năm đầu tiên thực hiện đề án đổi mới toàn diện công tác quản lý bảo trì hệ thống quốc lộ. Vì vậy, ngành đường bộ cần có sự đổi mới để đáp ứng được yêu cầu của xã hội.


Nhu cầu rất lớn


Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), hệ thống quốc lộ (QL) cả nước qua nhiều năm khai thác trong điều kiện kinh phí đầu tư cải tạo và bảo trì thiếu thốn trầm trọng, cộng với tốc độ gia tăng mạnh phương tiện vận tải, nên mức độ hư hỏng cần sửa chữa rất lớn.


 

Duy tu, bảo dưỡng quốc lộ tại Nghệ An. Ảnh: Lê Bá Liễu - TTXVN

 

Với gần 18.000 km chiều dài QL, hiện có hơn 3.400 km đã khai thác trên 12 năm, hơn 9.700 km đã khai thác trên 8 năm và đã quá thời hạn phải sửa chữa lớn. Gần 2.600 km đã khai thác từ 4 - 8 năm đã đến hạn sửa chữa vừa. Trong 3 năm gần đây chỉ có trên 1.200 km được sửa chữa lớn và gần 2.600 km được sửa chữa vừa. Như vậy, nhu cầu vốn cần cho công tác bảo trì đường bộ là rất lớn.


Theo đại diện Tổng cục ĐBVN, mỗi năm nguồn vốn cho công tác bảo trì đường bộ cần khoảng 13.000 tỷ đồng. Việc thiếu kinh phí gây khó khăn trong công tác cân đối, phân bổ đáp ứng công tác bảo trì QL. Năm 2013, Quỹ bảo trì đường bộ dự kiến thu được hơn 4.0 tỷ đồng, tăng cao hơn so với năm 2012. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn vốn Chính phủ bố trí cho công tác bảo trì đường bộ mới đáp ứng được từ 30 - 40% nhu cầu bảo trì hệ thống QL. Do đó, theo Tổng cục ĐBVN, hiện vẫn “rất khó" để cân đối phân bổ cho công tác quản lý bảo trì QL.


Lãnh đạo Tổng cục ĐBVN cho biết, nhờ có nguồn quỹ bảo trì, nhiều tuyến QL qua các địa phương được sửa chữa, nâng cấp kịp thời, phục vụ hiệu quả nhu cầu vận tải, như các tuyến trọng điểm: QL9, QL1 (đoạn Nghệ An - Quảng Trị, Quảng Ngãi - Khánh Hòa, Sóc Trăng - Cà Mau), QL26, QL19, đường Hồ Chí Minh (đoạn Quảng Nam - Kon Tum)...


Tuy nhiên, nhiều tuyến QL vẫn có vấn đề về chất lượng bảo trì, lề đường không san gạt, cỏ mọc cao gây đọng nước, rãnh dọc bị đất rác lấp đầy, cọc tiêu bị mờ, nghiêng, lệch hoặc bị che lấp. Danh sách các tuyến QL bị “thổi còi” gồm: QL2, QL5, QL43, QL1 đoạn qua Hà Tĩnh, QL8, QL1 đoạn qua Phú Yên, QL1 đoạn đường song hành khu vực cầu Mỹ Thuận, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương nhánh trạm thu phí Tân An, một số các tuyến QL ủy thác cho các sở GTVT như QL32, QL37, QL, QL12B, QL48, QL27, QL62, QL14C…


Trong khi đó, theo đánh giá của Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Trọng Thái, nguyên nhân gây tai nạn từ chất lượng đường sá chiếm khoảng từ 1 - 1,5% số vụ tai nạn giao thông.


Đấu thầu bảo trì đường bộ


"Phải đảm bảo chất lượng tuyệt đối trong công tác sửa chữa đường bộ. Quỹ bảo trì đường bộ phải được sử dụng công khai minh bạch, hiệu quả, phải thật sự tạo được sự thay đổi về chất lượng đường bộ”.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng

Theo các chuyên gia giao thông, tư duy về đầu tư cho bảo trì đường bộ hiện đã có thay đổi lớn. Trong khi vốn cho đầu tư xây dựng mới bị hạn hẹp, thì quan điểm bố trí đủ vốn cho quản lý bảo trì để giữ gìn tài sản đường sá và hạn chế đầu tư xây dựng mới đang được đề cao. Vì nếu bố trí 1 đồng vốn cho quản lý bảo trì đường bộ, gồm cả bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kì, sẽ giúp tiết kiệm được 4 đồng cho đầu tư xây dựng mới và tiết kiệm được 2 đồng cho khấu hao và sửa chữa phương tiện vận tải.


Để đảm bảo tính hiệu quả sử dụng nguồn vốn từ việc thu phí bảo trì đường bộ, Tổng cục ĐBVN cho biết, việc bảo dưỡng thường xuyên sẽ được thực hiện theo phương thức đặt hàng và đấu thầu qua hình thức hợp đồng nhằm kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Công tác sửa chữa định kỳ tuân thủ chặt chẽ các trình tự, thủ tục về đầu tư tương tự công trình xây dựng cơ bản. Các khu quản lý đường bộ, các sở GTVT sớm rà soát các tuyến QL đang quản lý, đề xuất các tuyến, đoạn tuyến để thực hiện đấu thầu công tác bảo trì thường xuyên thời gian 3 năm từ 2014 - 2017 để Tổng cục ĐBVN trình Bộ GTVT.


Do đó, trong tháng 9, Tổng cục ĐBVN tổ chức 4 đoàn kiểm tra công tác bảo trì thường xuyên các tuyến QL trên toàn quốc. Việc kiểm tra được tiến hành tại hiện trường các tuyến QL do các Khu Quản lý đường bộ II, IV, V, VII và các QL ủy thác do các sở GTVT quản lý. Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra cũng sẽ kiểm tra hoạt động của các ban quản lý dự án vốn bảo trì thường xuyên tại của các sở GTVT; chất lượng bảo trì và hệ thống tiêu thoát nước của các QL.


Để công tác bảo trì thường xuyên các tuyến QL đi vào nề nếp, đáp ứng yêu cầu của xã hội, tiến tới xã hội hóa công tác này, Tổng cục ĐBVN đề nghị các khu quản lý đường bộ, các sở GTVT nghiêm túc thực hiện Quyết định số 2196/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT về trình tự giám sát, nghiệm thu kết quả công tác bảo trì thường xuyên QL theo chất lượng thực hiện.



Tiến Hiếu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN